Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Sài Gòn bỡ ngỡ lần đầu qua nút giao đường cao tốc

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được đưa vào sử dụng thêm 4km đoạn An Phú đến Vành đai II. Trong ngày đầu thông xe, nhiều người còn bỡ ngỡ khi lưu thông qua đây.

Cao tốc 120 km/h đẹp nhất Sài Gòn trước ngày thông xe

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km dự kiến thông xe trước dịp Tết Nguyên đán, giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Sài Gòn đi Đồng Nai xuống còn 20 phút.

Sáng 10/1, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã cho thông xe kỹ thuật 4 km đoạn An Phú đến nút giao thông Vành đai II, đi qua địa phận quận 2 và quận 9, TP.HCM thuộc phạm vi gói thầu xây lắp 7, 8 và 9 của dự án đường cao tốc Bắc Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đoạn đường này được thiết kế cho 4 làn xe ôtô lưu thông với tốc độ 80 km/giờ, 2 làn dừng khẩn cấp và không thu phí xe lưu thông trên đoạn đường này.
Riêng 500 m đầu của 4 km đường vừa được thông xe thuộc quận 2 sẽ cho xe gắn máy lưu thông trong làn dừng khẩn cấp. Ô tô và xe máy từ đường Nguyễn Thị Định không đi theo đường cũ, sẽ rẽ phải vào 500 m đầu đường cao tốc rồi rẽ trái ngược lại qua làn đường song song để đi vào đường Mai Chí Thọ, hướng về Thủ Thiêm hoặc Xa lộ Hà Nội.
Tại nút giao An Phú, các loại xe tải trên 3,5 tấn hướng từ hầm Thủ Thiêm/phà Cát Lái trên đường Mai Chí Thọ chỉ được rẽ phải lên đường cao tốc tại nhánh B1, không được rẽ phải tại nhánh B2.
Ô tô vào cao tốc đi Long Thành - Dầu Giây, ra đường Mai Chí Thọ và xe máy sẽ cùng chạy trên đoạn đường 500 m đầu đường cao tốc của nút giao thông An Phú.
Điểm cuối đường cao tốc hướng từ Dầu Giây về TP.HCM được phân chia thành 2 nhánh để xe cộ chạy về Xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn và vào trung tâm thành phố qua hầm Thủ Thiêm.
Trong ngày đầu thông xe nút giao thông đầu tuyến cao tốc này, lực lượng CSGT và công nhân đơn vị thi công được bố trí ở nhiều vị trí để hướng dẫn xe cộ lưu thông. 
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nhiều người lần đầu điều khiển ô tô, xe máy qua nút giao thông này vẫn bị bỡ ngỡ, phải cần sự hướng dẫn của lực lượng chức năng tại đây.
Theo VEC, việc thông xe đoạn đường trên giúp các phương tiện đi từ trung tâm TP đến đường cao tốc rút ngắn được khoảng 5 km, so với đi qua cầu Phú Mỹ - đường Vành đai 2 vào đường cao tốc dài 9 km. Đồng thời, góp phần giảm bớt lượng xe lưu thông trên đường Đồng Văn Cống và đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2). Ảnh: Phương án tổ chức giao thông tại nút giao An Phú.
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài là 55 km, tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng, được chia làm 2 dự án thành phần. Vào tháng 1/2014 một phần dự án đoạn từ Vành đai II đến Quốc lộ 51 (dài 20 km) đã được thông xe, đưa vào khai thác.

Tuyến cao tốc này chỉ ôtô được lưu thông. Việc đưa vào sử dụng tuyến đường và nút giao thông An Phú - Vành đai II góp phần rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Đồng Nai, Vũng Tàu đồng thời kéo giảm tình trạng quá tải, ách tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông của thành phố.

Lê Quân

Bạn có thể quan tâm