Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người rừng Indonesia tồn tại như thế nào?

Người rừng Orang Rimba ở đảo Sumatra (Indonesia) sống nhờ săn bắn, hái lượm. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đang bị đe dọa do diện tích rừng thu hẹp.

Orang Rimba là tộc người thiểu số lạc hậu ở Indonesia với dân số khoảng 3.000 người. Họ sống trong rừng nhiệt đới của tỉnh Jambi (bờ biển phía đông của miền trung Sumatra) và phía nam đảo Sumatra (Indonesia). Orang Rimba nghĩa là "người rừng" trong tiếng địa phương.

Những đứa trẻ của tộc người Orang Rimba.

Người Orang Rimba sống trong các túp lều tranh. Hàng ngày, họ săn bắn, hái lượm trái cây, kiếm củi... Rừng rất quan trọng với họ, cả về mặt vật chất (cho họ chỗ ở, thức ăn) đến tinh thần (nơi tổ tiên họ từng sinh sống). Hiện nay, cuộc sống hiện đại đang ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống của họ.

Chị Jumi Iyah, một phụ nữ Orang Rimba đang sống bản Simpang Macan trong rừng thuộc khu vực tỉnh Jambi (đảo Sumatra), nói rằng cha, ông chị từng sống trên đất này và hiện chị đang bị đẩy đi nơi khác.“Làm ơn đừng bắt chúng tôi phải chuyển nữa. Chúng tôi hài lòng với cuộc sống ở đây, miễn là được lượm dâu, lấy nhựa cây”, chị nói.

Em bé người Orang Rimba hồn nhiên đánh đu lá cọ.

Một bô lão người Orang Rimba, ông Mangku Basemen, nói: “Mọi lĩnh vực đời sống của người Orang Rimba đều gắn với rừng. Văn hóa, thức ăn, của cải đều từ rừng. Vì vậy, tôi vui khi là người Orang Rimba. Thấy rừng bị phá, tôi chảy nước mắt”.

Simpang Macan, trưởng bản Simpang Macan, bày tỏ: “Chúng tôi muốn con cháu của có quyền thừa hưởng trên đất này, giống như cha ông đã để lại cho chúng tôi”. Bản Simpang Macan giờ hoàn toàn nằm lọt trong vòng vây của cọ.

Hoạt động khai thác gỗ trái phép và mở rộng nông nghiệp ở Indonesia khiến diện tích rừng giảm. Nhiều vùng rừng biến thành nơi trồng cọ.

Đàn ông Orang Rimba ngồi trên cây rừng bị đốn.

Simpang Macan chỉ cách thành phố Jambi, thủ phủ của tỉnh Jambi 155 km. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây cách xa “một trời một vực” so với vùng đô thị. Sự lạc hậu bao trùm lấy bản làng. Nhiều trẻ em nơi đây không biết chữ.

Thầy giáo Songhaji đang dạy các bé người Orang Rimba học chữ.

Sonhaji, một giáo viên được tổ chức Harapan Rainforest cử đến Simpang Macan, nói về tình hình học tập của các em trong bản: “Ở đây chỉ trẻ dưới 12 tuổi mới đến trường. Lớn hơn tuổi đó, các em ngại học”. Dù thầy giáo Songhaji rất nhiệt tình nhưng nhiều học sinh vắng mặt vì phải vào rừng để lượm trái cây cho bố mẹ.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm