Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người rừng' được so sánh với Robinson Crusoe

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, việc đưa cha con “người rừng” về với cộng đồng xuất phát từ mục tiêu nhân đạo, là việc làm tốt. Còn đánh giá như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người.

“Không có một ai hay lực lượng nào có thời gian thể đưa cuộc sống bên ngoài vào rừng từng ngày một, và ngay cả khi làm được thì “người rừng” cũng đâu có chịu tiếp nhận. Chuyển họ ra ngoài như vậy là giải pháp duy nhất. Ta cần đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để hiểu và thông cảm chứ không nên chỉ ngồi một chỗ để phê phán”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học: Lý luận và ứng dụng (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) khẳng định.

Không thể làm khác

Gần đây dư luận đang xôn xao về vụ việc “người rừng” trở về. Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư nhận định như thế nào về trường hợp này?

Hiện tượng một người đang sống trong thế giới bình thường rồi vì một lý do nào đó mà bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài luôn là những trường hợp cá biệt, nhưng đây đó trong lịch sử nhân loại không phải là không có. Những trường hợp kinh điển mà mọi người đều biết có thể kể đến là trường hợp cậu bé Tarzan hoặc Robinson Crusoe.

Có ý kiến cho rằng, việc đột ngột đưa “người rừng” ra khỏi cuộc sống quen thuộc của họ giống với việc bắt cóc hơn là giải cứu. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này?

Theo tôi, việc đưa họ ra khỏi rừng xuất phát từ mục tiêu nhân đạo, là việc làm tốt. Còn đánh giá như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người. Trước một sự việc bao giờ cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau. Sở dĩ như vậy là vì điều gì cũng có hai mặt: mặt ưu và mặt nhược, mặt tốt và mặt xấu.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: "Việc đưa cha con “người rừng” về với cộng đồng xuất phát từ mục tiêu nhân đạo, là việc làm tốt. Còn đánh giá như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người."

Nếu xét về nguyện vọng của cha con “người rừng” thì họ sống trong môi trường quen thuộc đã lâu và không muốn thay đổi. Vì thế, việc đưa ra ngoài là không phù hợp với nguyện vọng của họ. Trước đây người thân đã cố gắng đưa ra nhiều lần nhưng không thành công. Thế nhưng, trong trường hợp lần này, người cha đã bị ốm nặng, nếu không đưa ra ngoài để khám chữa bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, ở bên ngoài, hai cha con còn có anh em, họ hàng. Họ có thể sum họp với người thân của mình và sau khi tái thích nghi, họ sẽ hòa nhập được vào cuộc sống bình thường.

Tôi nghĩ, ngoài cách làm vừa rồi, không có một phương án nào khác để chuyển “người rừng” về cuộc sống xã hội. Không có một ai hay lực lượng nào có thời gian để đưa cuộc sống bên ngoài vào rừng từng ngày một, và ngay cả khi làm được thì họ cũng đâu có chịu tiếp nhận. Chuyển người rừng ra một cách đột ngột như vậy là giải pháp duy nhất. Ta cần đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để hiểu và thông cảm chứ không nên chỉ ngồi một chỗ để phê phán.

Theo Giáo sư, việc đưa “người rừng” tái hòa nhập với cộng đồng sẽ dẫn đến những cú sốc nào khi họ đã cách xa với văn minh loài người hơn 40 năm trời?

Tất nhiên họ sẽ sốc vì chuyển từ môi trường này sang môi trường khác cách xa nhau rất nhiều. Họ có thể bị sốc về mọi thứ, trên tất cả lĩnh vực: sốc sinh hoạt, sốc giao tiếp, sốc tâm lý, sốc văn hóa…

“Người rừng” Hồ Văn Lang ngày trở về.

 Dù nghèo vẫn đỡ hơn sống trong rừng

Ngôn ngữ giao tiếp có thể được coi như là một trong những trở ngại đối với “người rừng”. Không chỉ là nhà văn hóa học, Giáo sư cũng đồng thời còn là nhà ngôn ngữ học, ông nghĩ sao về trở ngại này?

Một số báo viết rằng “người rừng không giao tiếp được” hay “không quen giao tiếp”, tôi cho như vậy là chưa đúng. Vì nếu đứa bé một vài tuổi bị bỏ vào rừng và chỉ có một mình trong vòng 40 năm như vậy thì mới thì mới xảy ra tình trạng không biết nói. Nhưng ở đây có hai bố con, người bố vào rừng khi đã trên dưới 40 tuổi rồi, ngôn ngữ hoàn hảo rồi. Hai bố con ở trong rừng vẫn giao tiếp với nhau. Chỉ có điều ngôn ngữ của họ dừng lại ở thời điểm cách đây 40 năm. Có nghĩa là chỉ có một số từ ngữ mới xuất hiện sau đó của người dân tộc Kor thì họ mới không biết mà thôi. Hiện nay, trong khi người bố nằm viện, người con ở ngoài một mình, ít giao tiếp là vì bị shock chứ không phải là vì không giao tiếp được. 40 năm tuy là khoảng thời gian dài nhưng không đến nỗi khiến họ “không giao tiếp được”, bằng chứng là báo chí đã đưa tin và ảnh về việc hai bố con gặp lại nhau và nói chuyện với nhau.

Theo Giáo sư, liệu cuộc sống hiện đại có phải là một cuộc sống ưu việt đối với “người rừng”?

Chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quà cho cha con "người rừng”.

Thứ nhất, cuộc sống bên ngoài đa dạng và phong phú hơn. Trong khi đó, cuộc sống trong rừng rất nghèo nàn, chỉ dừng lại ở mức tồn tại, hết ngày này đến ngày khác chỉ vật lộn để kiếm ăn, để không bị đói khát, bệnh tật... Còn khi trở về làng thì dù có là người nghèo nhất thì sự lo lắng vật chất cũng đỡ hơn trong rừng rất nhiều. Các công cụ lao động cũng phong phú và tiện lợi hơn. Thứ hai, trong rừng chỉ có hai bố con, còn về làng thì mỗi khi khó khăn còn có cộng đồng giúp đỡ. Thứ ba, không chỉ đời sống vật chất đỡ lo lắng hơn mà đời sống tinh thần cũng phong phú hơn. Không những được tiếp xúc với TV, phim ảnh, báo chí mà bản thân sự giao tiếp với mọi người cũng là một trường học. Việc học hỏi sẽ giúp cho cuộc sống nội tâm phong phú hơn. Một ngày ở ngoài này có thể bằng nhiều năm trong rừng.

Theo Giáo sư, làm sao để có thể giúp "người rừng" hội nhập với cuộc sống văn minh một cách hiệu quả nhất?

Thứ nhất, người thân phải hết lòng thương yêu, giúp đỡ về vật chất và chăm sóc về tinh thần, luôn quan sát để giúp họ tránh mọi nguy hiểm. Thứ hai, điều quan trọng là phải hạn chế họ tiếp xúc với những người lạ hiếu kỳ, để cho họ sống một cuộc sống yên ổn bình thường. Ngay cả lãnh đạo nếu có quan tâm thì cũng nên quan tâm gián tiếp qua người thân của họ, không cần phải rùm beng.

Ngoài ra, người bố từng là lính thì ông ấy có quyền được hưởng những quyền lợi phù hợp với những gì đã đóng góp cho đất nước.

Liệu chúng ta có thành công hay không để đưa họ trở về từ một cuộc sống cách xa với văn minh loài người đến gần 40 năm?

Với những gì đã nói bên trên, tôi nghĩ chắc chắn sẽ thành công.

Kết thúc câu chuyện, Giáo sư muốn chia sẻ gì với những người đang quan tâm đến vấn đề của “người rừng”?

Trước tất cả mọi sự kiện, tôi mong mọi người nên bình tĩnh và xem xét nó từ nhiều góc độ. Đừng nên gây ồn ào, có những suy nghĩ và những lời tuyên bố cực đoan. Chính sự ồn ào cực đoan ấy sẽ tác động rất xấu đến người trong cuộc. Nó có thể còn gây sốc hơn cả những cú sốc khác mà “người rừng” phải tiếp nhận khi hòa nhập với cuộc sống mới.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

 

Thương cho trót!

Ở một giác độ khác, xung quanh câu chuyện “người rừng”, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Qua vụ việc này, tôi thấy có ba vấn đề được rút ra đó là: sự tàn khốc của chiến tranh, nghị lực phi thường của hai cha con và tình phụ tử, không quản ngại khó khăn, điều kiện khắc nghiệt để nuôi con của người cha. Còn về việc giúp họ hòa nhập cuộc sống mới, tôi thấy mọi người quan niệm đơn giản quá, cứ nghĩ cho cái nhà, cho ít gạo là được. Không thể quá đơn giản như thế được! Nhưng nhân đạo cũng phải có quá trình, đầu tư, phải có người gần gũi quan tâm giúp họ không quên tiếng nói, và hiểu vấn đề của mình”.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một hiện tượng mà thế giới quan tâm như vậy, mình càng phải lưu tâm hơn. “Không dễ gì mà nhiều báo nước ngoài đưa tin về Việt Nam như thế. Về dinh dưỡng cũng phải lưu ý như thế nào, chứ không thể để họ ăn như người thường vì họ sẽ không quen. Tóm lại là phải có chuyên gia, một hội đồng góp ý làm gì, không thể đơn giản, qua loa”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.


 

Theo Khám Phá

Bạn có thể quan tâm