Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chia sẻ tại cuộc họp giữa Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với TP.HCM cuối giờ chiều 6/7.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết thành phố đã thống nhất với các tỉnh lân cận về việc lưu thông hàng hóa với 2 phương án: Đổi lái xe hoặc lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Đồng thời, cơ quan này đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về giá trị thời gian kết quả xét nghiệm; sớm liên thông kết quả xét nghiệm lái xe trên toàn quốc thông qua mã QR code.
Chốt phòng dịch ở cửa ngõ TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các trường hợp ra vào TP.HCM phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (không phân biệt xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR hay test nhanh). Xét nghiệm này được thực hiện trước khi ra vào thành phố trong vòng 3 ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện nay một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh đang thực hiện quy định này. Ông Cường đề nghị đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm dưới dạng mã QR code.
Người dân muốn ra - vào TP.HCM cần có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 30/6, Bộ Y tế cho biết đã có Công điện số 973/CĐ-BYT về việc tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh, trong đó có nội dung hướng dẫn lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý việc xét nghiệm phải đảm bảo thuận lợi, tránh xảy ra tình trạng đề ra quy định mà không có chỗ xét nghiệm, hoặc biến chỗ xét nghiệm thành nơi tụ tập đông người.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng tờ "giấy thông hành" này chỉ là chứng nhận tại thời điểm xét nghiệm về cơ bản một người không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây cho người khác. Nói cách khác, xác nhận âm tính nCoV không phải là khẳng định người được xét nghiệm không thể nhiễm mới.
"Tôi nói là cơ bản vì nếu họ nhiễm 1, 2 ngày đầu thì xét nghiệm cũng không ra bệnh, hoặc trong xét nghiệm cũng có sai sót bởi không có xét nghiệm nào đạt chính xác 100%", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Nhấn mạnh giấy này chỉ chứng nhận ở thời điểm xét nghiệm (nghĩa là không có thời hạn lâu dài) nên theo ông Phu sau xét nghiệm mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo biện pháp 5K để không bị nhiễm mới.