Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Người ra vào các khu công nghiệp ở Cẩm Giàng phải có giấy xác nhận

Để tránh bùng phát ổ dịch mới tại các nhà máy, toàn bộ công nhân tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, sẽ phải xin giấy xác nhận ra vào và có kết quả xét nghiệm âm tính.

Những ngày qua, Hải Dương luôn là điểm nóng Covid-19 của cả nước. Dịch đã lan ra 12 huyện, thành phố của tỉnh này. Từ 0h ngày 16/2, Hải Dương bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 16. Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

O dich Covid-19 tai Hai Duong anh 1

Hàng trăm công nhân chờ trước của UBND các thị xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng để xin giấy xác nhận tạm trú, thường trú. Ảnh: Huy Hoàng - Đức Tùy.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Hải Dương, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn này vẫn diễn biến rất phức tạp. Hầu hết ca dương tính mới xuất hiện tại một số huyện, thành phố đều liên quan doanh nghiệp ở Cẩm Giàng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát Covid-19 trên toàn tỉnh.

Trước tình hình trên, Hải Dương yêu cầu khi hết thời gian nghỉ Tết, các doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng phải chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Cơ quan chức năng chỉ cho phép công nhân có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại huyện Cẩm Giàng đến công ty làm việc.

Những công nhân này phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đang thường trú, tạm trú. Đồng thời, họ phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay khi đến nhà máy, phân xưởng nơi mình làm việc. Những công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính mới được làm việc.

Sau quy định này, ngày 15/2, hàng trăm công nhân đã có mặt tại cổng trụ sở UBND thị trấn Lai Cách (huyện Cẩm Giàng), xếp hàng để hoàn thiện thủ tục xin giấy ra vào. Tuy nhiên, do số lượng người làm thủ đông, việc giãn cách tối thiểu 2 m vẫn chưa được đảm bảo.

O dich Covid-19 tai Hai Duong anh 2

Do số lượng người đến đông, công tác giãn cách tại các UBND chưa được đảm bảo. Ảnh: Huy Hoàng - Đức Tùy.

Chị Nguyễn Hải Hà (26 tuổi, nhân viên công ty Hyundai KEFICO) là người ngoại tỉnh, đang làm việc tại khu công nghiệp thuộc huyện Cẩm Giàng và thường trú ở thị trấn Lai Cách. Do tình hình dịch phức tạp, chị Hà ở lại Hải Dương ăn Tết.

Sau khi nắm được thông báo của chính quyền địa phương, chị và nhiều công nhân khác mang giấy tờ đến UBND thị trấn Lai Cách xin xác nhận quay trở lại công ty. “Số lượng người đến đây làm đông nên ai cũng vất vả”, chị Hà chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Cẩm Giàng cho biết: “Theo chỉ đạo chung của UBND tỉnh Hải Dương, công nhân tại các khu công nghiệp thường trú và tạm trú tại vùng dịch vẫn có thể đi làm lại. Tuy nhiên, trước khi quay trở lại công ty làm việc, họ phải đáp ứng 2 điều kiện, gồm giấy xác nhận đang tạm trú, thường trú tại đây và phiếu kiểm tra nghiệm y tế có kết quả âm tính với SARS-CoV-2”.

Thị trấn Lai Cách là địa bàn rộng, nhiều công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp tạm trú. Vì vậy, ngày 14/2, địa phương đã giải quyết cho khoảng 700-800 người.

“Tuy nhiên, số lượng người đến quá đông nên không đảm bảo việc phòng dịch. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, yêu cầu chủ nhà trọ đến UBND thị trấn làm việc, không để từng công nhân đến, khiến khó kiểm soát việc giãn cách”, ông Công cho biết thêm.

Mối nguy hiểm của hai biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh

Ngoài B117 đã lan ra hàng chục quốc gia trên thế giới, chuyên gia Anh vừa phát hiện thêm một biến chủng virus mới với đột biến E484K được cho là có thể kháng vaccine.

Các biến chủng nCoV mới xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào?

Trong đợt dịch mới bùng phát, các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam nhiễm nhiều biến chủng SARS-CoV từ Anh, Nam Phi và châu Phi.

Dịch Covid-19

Huy Hoàng - Đức Tùy

Bạn có thể quan tâm