Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội), người phụ nữ này 54 tuổi, tới khám hồi giữa tháng 6 vừa qua.
Qua lời kể, bệnh nhân thừa nhận bản thân có hình dáng bên ngoài và sự phát triển theo giới nữ. Tuy nhiên, cơ quan sinh dục của bà bất thường từ nhỏ. Cụ thể, âm vật của bệnh nhân to 3 cm, xuất hiện tinh hoàn ở 2 bên bẹn, không có âm đạo và hình hài cơ quan sinh dục nữ.
Từ đây, người phụ nữ này quyết định không lập gia đình và nhận con nuôi. Dẫu vậy, 2 tháng trước, bà bỗng có triệu chứng sưng đau ở 2 bên bẹn và quyết định đi khám do lo ngại mắc ung thư.
Sau khi thăm khám và trò chuyện với bệnh nhân, bác sĩ Minh cho biết: "Bệnh nhân có 2 mong muốn. Một là điều trị vùng bị đau, giải quyết nguy cơ ung thư. Hai là phẫu thuật để trở thành một người phụ nữ bình thường".
Bác sĩ Minh cùng ê-kíp thực hiện phẫu thuật cho người phụ nữ 54 tuổi. Ảnh: BVCC. |
Qua đánh giá, vị chuyên gia chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng lưỡng giới giả nam. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có nhiễm sắc thể là XY, xác định giới tính là nam.
Trong khi đó, hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy bà không có tử cung, có tinh hoàn ở 2 bên bẹn. Đánh giá tâm lý cũng xác định bệnh nhân có xu hướng nữ tính.
Từ đây, ê-kíp điều trị quyết định phẫu thuật đưa bệnh nhân trở về đúng giới tính trong khai sinh cũng như mong muốn của bà.
Bác sĩ Minh cho biết: "Bệnh nhân có giới tính di truyền là nam nhưng được sống, giáo dục là phụ nữ. Bà có giọng nói, tâm tính dịu dàng, ngoại hình cũng của giới nữ. Do đó, phẫu thuật tạo hình giới nữ sẽ hợp với tâm tính, phong cách, cuộc sống của người bệnh suốt 54 năm qua. Bên cạnh đó, hai khối tinh hoàn ẩn không sử dụng đúng chức năng, có thể gây nguy cơ ung thư".
Thông qua ca phẫu thuật, bệnh nhân được cắt bỏ tinh hoàn, thu nhỏ âm vật về chiều dài và kích thước phù hợp với nữ giới. Các bác sĩ cũng đã phẫu thuật tạo khoang âm đạo cho bệnh nhân.
"Đây là giai đoạn khá khó khăn vì người bệnh không có sẵn di tích ống âm đạo. Quá trình làm cũng phải rất cẩn trọng để tạo một khoang âm đạo có đủ chiều sâu, rộng, đảm bảo chức năng âm đạo và tránh làm tổn thương các thành phần xung quanh", bác sĩ Minh nói.
Sau ca mổ, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp tục điều trị hormone để các thuộc tính của giới nữ trội lên. Trong vòng 3 tháng tới, người phụ nữ này sẽ tiếp tục được nong âm đạo để đảm bảo bộ phận này hoạt động bình thường.
Liên quan trường hợp này, bác sĩ Minh cho hay lưỡng giới giả nam (còn gọi là hội chứng không nhạy cảm với androgen) là một bệnh di truyền. Người bệnh thường có bất thường về cơ thể, không nhạy cảm hormone nội tiết tố nam androgen, do đó ngoại hình phát triển theo hướng nữ giới.
Vị chuyên gia khuyến cáo khi nhận thấy những dấu hiệu không bình thường tại bộ phận sinh dục ở trẻ, gia đình nên đưa con đến các bệnh viện có khoa phẫu thuật niệu nhi để được khám, tư vấn điều trị kịp thời.