Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người phụ nữ đầu tiên sẽ bị treo cổ ở Ấn Độ trong hơn 60 năm

Cô gái 22 tuổi bị kết tội sát hại cả nhà trong vụ án mạng gây chấn động ở Ấn Độ. Ngày thực thi án treo cổ với người phụ nữ này được cho là đang đến gần.

giet nguoi,  cam yeu,  Hindu anh 1

Khoảng hơn 2h sáng 15/4/2008, hàng xóm bị đánh thức bởi tiếng kêu cứu của một phụ nữ ở Bawan Kheri, ngôi làng ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Vẫn còn ngái ngủ, họ ra khỏi nhà và bị sốc khi nhìn thấy hiện trường kinh hoàng của một vụ giết người hàng loạt.

Lateef Ullah Khan là một trong những người đầu tiên đến ngôi nhà có tiếng kêu cứu. Anh phát hiện người hàng xóm Shabnam nằm bất tỉnh trên sàn nhà cùng cha, ông Shaukat Ali, người bị chém ở cổ.

giet nguoi,  cam yeu,  Hindu anh 2

Shabnam, 22 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ án mạng. Cô vốn là một giáo viên. Ảnh: CNN.

Thi thể của hai anh trai của Shabnam, cùng mẹ ruột, chị dâu và người em họ 14 tuổi gần như bị cắt lìa cổ trong căn phòng đầy máu. Cháu trai của Shabnam, bị siết cổ đến chết.

Vụ án gây chấn động dư luận, Shabnam bị cáo buộc sát hại 7 thành viên trong gia đình mình, gồm một em bé mới 10 tháng tuổi, trong lúc cô đang mang thai 8 tuần.

Cô cùng người tình, Saleem, đã bị kết tội giết người và lãnh án treo cổ.

Một khi án tử hình được thực thi, Shabnam sẽ là người phụ nữ đầu tiên bị hành quyết ở Ấn Độ kể từ năm 1955.

Tuy nhiên, trong khi vụ hành quyết chưa được thống nhất, luật sư của Shabnam đang cố gắng ngăn chặn. Luật sư Shreya Rastogi cho biết thân chủ của mình là nạn nhân của một xã hội gia trưởng đặt đẳng cấp lên trên tất cả.

Ngoài những người đã chết đêm đó, vụ án còn một nạn nhân khác, chính là con trai của Shabnam và Saleem, bé Bittu (nhân vật được đổi tên để bảo vệ danh tính). Shabnam đã nuôi dưỡng con trong tù. Nay đã 12 tuổi, bé Bittu đang kêu gọi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind khoan dung với mẹ mình.

Cuộc tình bị phản đối

Shabnam và Saleem là cặp đôi trẻ tuổi sống trong cùng làng, nhưng gia đình của họ không chấp thuận mối quan hệ này.

Shabnam, 22 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ án mạng, là một giáo viên trong cộng đồng Saifi. Saleem, khi đó 24 tuổi, là một thanh niên Pathan thất nghiệp. Các gia đình ở Ấn Độ thường ép con trẻ kết hôn với người trong cùng cộng đồng. Những người kết đôi không theo thông lệ này thường gặp phải nhưng kết cục bi đát, thậm chí trong nhiều trường hợp, người phụ nữ bị gia đình giết bỏ để bảo toàn danh dự.

Ông Lal Mohammad, cha đẻ của Anjum - người chị dâu bị sát hại - đã tiết lộ với cảnh sát về mối quan hệ của Shabnam và Saleem.

"Shabnam đã đi sai hướng, cô ấy muốn kết hôn với Saleem khiến không khí gia đình rất căng thẳng", ông Mohammad kể lại lời của Anjum, khi làm chứng tại phiên tòa xét xử năm 2008 của Shabnam.

Một đồng nghiệp tại trường nơi Shabnam làm việc, Nischay Tyagi, đã làm chứng rằng Shabnam kể cô muốn kết hôn với Saleem, nhưng bị gia đình phản đối.

Sukkhan Ali, anh họ của Shabnam, khai trước tòa rằng Saleem thường đến nhà Shabnam để gặp cô. Cha của Shabnam không thích điều này và thường xuyên đánh đập cô ấy.

Nhưng có điều, gia đình Shabnam có thể không biết, Shabnam đã mang thai đứa con của Saleem.

Trong phán quyết của mình, thẩm phán tòa án quận SAA Husaini cho biết rằng người dân địa phương "sẽ không thể chấp nhận hành vi 'haram' (bất hợp pháp)", ám chỉ đứa con chưa sinh của họ. Tuy nhiên, thẩm phán cho biết cặp đôi có những lựa chọn khác để thoát khỏi "xã hội bảo thủ" ở Bawan Kheri, thay vì sát hại 7 người.

Diễn biến vụ án mạng

Tối 14/4/2008, Shabnam được cho là đã pha thuốc an thần vào đồ uống cho cả nhà, do Saleem mua từ một người bán trái cây. Khi cả nhà ngủ say, Shabnam gọi điện cho Saleem đến và cầm theo một chiếc rìu.

Một ngày sau vụ giết người, Saleem đã thú nhận sự việc với Bilal Ahmad, một người bán trà có quan hệ thân thiết với cảnh sát. Saleem đã hy vọng mối quan hệ của mình với Ahmad sẽ giúp anh thoát khỏi sự trừng phạt.

Tuy nhiên, Ahmad trình báo lời thú tội của Saleem với cảnh sát. Người này đã kể lại trước tòa những gì Saleem đã nói với anh: "Tôi đã phạm sai lầm, tôi yêu Shabnam, một cô gái cùng làng với tôi và cô ấy cũng yêu tôi. Chúng tôi đã thề nguyện sống chết cùng nhau. Chúng tôi không thể sống thiếu nhau. Vì điều này, gia đình Shabnam đã đánh đập cô ấy và nói rằng họ sẽ không để cô ấy lấy tôi".

Các nhân chứng khác đã thấy Saleem tại một hiệu thuốc vào ngày trước vụ án mạng. Tuy nhiên, dược sĩ từ chối bán thuốc an thần cho cô. Ở Ấn Độ, thuốc ngủ liều cao chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ. Sau đó, Saleem đã nhờ một người bán trái cây bên ngoài cửa hàng mua hộ thuốc.

Saleem cũng đã thú nhận với một quan chức hành chính của làng, ông Mahender Singh, một ngày sau vụ án mạng, và nhờ cậy ông dùng các mối quan hệ của mình để giúp anh ta thoát án tù.

Sau khi bị cảnh sát bắt giữ, Saleem đã khai nơi cất giấu chiếc rìu - hung khí vụ án.

Về phía Shabnam, ban đầu cô khai rằng lưu manh đã vào nhà và giết cả gia đình. Tuy nhiên, cảnh sát đã bác bỏ lời khai này vì không phát hiện bằng chứng có người đột nhập vào nhà. Theo lời khai từ quan chức pháp y Manveer Singh, cửa sắt của ngôi nhà đã bị khóa từ bên trong và không có dấu vân tay hay bằng chứng khác cho thấy sự hiện diện của người lạ.

Khi Khan, người hàng xóm phát hiện vụ việc đầu tiên, anh ấy thấy Shabnam bất tỉnh. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao cho biết Shabnam đã "giả vờ bất tỉnh và nằm bên cạnh thi thể bị chém của người cha quá cố, nhằm tạo hiện trường giả".

Tuy nhiên, trong khi Shabnam và Saleem bị cáo buộc giết người để có thể ở bên nhau, họ lại lật tẩy nhau trong phiên tòa. Shabnam cáo buộc một mình Saleem đã thực hiện vụ án mạng. Phía Saleem cho biết Shabnam đã uống rượu và gọi cho mình sau khi cô giết cả gia đình, nhờ xóa bằng chứng.

Tòa án địa phương kết luận cặp đôi này phạm tội giết 7 người và tuyên án tử hình bằng hình thức treo cổ. Họ đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao của bang Uttar Pradesh, Tòa án Tối cao Ấn Độ, tòa án cao nhất của đất nước, nhưng tuyên bố vô tội của họ đều bị bác bỏ.

Đứa trẻ chào đời sau song sắt

Con trai của Shabnam và Saleem, được gọi là Bittu, được sinh ra trong tù vào tháng 12/2008, tám tháng sau vụ án mạng.

giet nguoi,  cam yeu,  Hindu anh 3

Bittu, 12 tuổi, cùng người cha nuôi của mình, anh Usman Saifi. Ảnh: CNN.

Bittu không phải là tên thật của cậu bé. Cha nuôi của Bittu yêu cầu sử dụng biệt danh để cậu bé tránh phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội.

Shabnam nuôi Bittu trong nhà tù dành cho nữ giới. Những đứa trẻ khác đến rồi đi, khi mẹ chúng được ra tù, nhưng Bittu vẫn ở lại, chờ ngày mình tròn 6 tuổi, để được gửi đến sống với một người thân bên họ ngoại, theo quy định của nhà tù Ấn Độ.

Trong tù, Shabnam đã nuôi nấng con trai, luật sư Rastogi cho biết. “Cô ấy đã cố gắng dạy dỗ con nhiều nhất có thể. Cô ấy dạy con học bảng chữ cái, các con số, và dạy cả những đứa con của tù nhân khác", luật sư kể lại.

Usman Saifi, một người bạn đại học cũ của Shabnam, đã đề nghị nhận nuôi Bittu khi cậu bé tròn 6 tuổi. Anh là một nhà báo, đã liên lạc với cô trong tù vì muốn viết một cuốn sách về những vụ giết người. “Ban đầu cô ấy gạt tôi đi vì tôi đã hỏi câu hỏi không nên hỏi, đó là lý do cô ấy giết cả gia đình", Saifi nói.

Saifi đã mất thời gian để thuyết phục Shabnam rằng Bittu sẽ sống an toàn với vợ chồng anh.

Vào năm 2015, khi Bittu tròn 6 tuổi, vợ chồng Saifi đã giành được quyền nuôi đứa bé. “Bittu tôn trọng mọi người và đối xử với mọi người bằng tình yêu thương. Cậu bé không bao giờ nói điều gì gây tổn thương cho bất cứ ai", Saifi kể.

Nhưng cuộc sống không hề dễ dàng đối với Bittu, khi giới truyền thông luôn gây phiền toái cho cuộc sống và việc học hành của cậu bé. Cậu bé cũng phải vật lộn với việc là con trai của những tội phạm giết người.

"Một ngày nọ, khi đi đến nhà thờ Hồi giáo, ai đó nói rằng nó là con trai của Shabnam, người sắp bị treo cổ. Điều đó gây tác động rất lớn", Saifi nói.

Vì tương lai của Bittu, vợ chồng Saifi đã tham gia đấu tranh cứu Shabnam khỏi án tử hình.

Cầu xin lòng thương xót

Luật sư Rastogi tin rằng án tử hình của Shabnam nên được giảm nhẹ.

giet nguoi,  cam yeu,  Hindu anh 4

Luật sư của Shabnam, Shreya Rastogi, nói rằng mối quan hệ của thân chủ với con trai cô nên được cân nhắc. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao cho rằng hình phạt đó là xứng đáng, và hành vi tội ác này đã hội tụ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình.

Lệnh hành quyết được ban hành vào tháng 5/2015 theo luật của Ấn Độ, phải được ban hành tối thiểu 2 tuần trước khi thi hành án. Tuy nhiên, lệnh sau đó đã bị thu hồi bởi Đề án 39A - phản đối án tử hình ở Ấn Độ. Tòa án nhận thấy rằng các lệnh đã được ban hành một cách "vội vàng" vì các tù nhân vẫn còn các biện pháp pháp lý đang chờ xử lý.

Nhưng vẫn có lệnh tử hình có nguy cơ vẫn có hiệu lực.

Vào tháng 2/2021, các luật sư của Shabnam và Saleem đã đệ đơn xin giảm án.

Theo luật sư Rastogi, theo án lệ, khi tuyên án tử hình, tòa án phải xem xét tội phạm ngoài tội phạm, để xem liệu có tồn tại khả năng cải tạo và phục hồi hay không.

"Còn cách nào tốt hơn để hiểu một người mẹ trẻ hơn là nhìn cô ấy qua lăng kính về mối quan hệ của cô ấy với con trai mình?", luật sư Rastogi nói.

Chờ đợi trong mòn mỏi

Bản án tử hình của Shabnam lại gây tranh luận trở lại khi một trong tội phạm lãnh án treo cổ cuối cùng còn lại ở Ấn Độ được đưa đến nhà tù Mathura, nơi duy nhất ở nước này có nhà treo cổ dành cho phụ nữ. Điều đó được cho là đồng nghĩa với việc ngày hành quyết của Shabnam đang đến gần.

Akhilesh Kumar, Phó Tổng Thanh tra của Nhà tù cho Uttar Pradesh cho biết: “Chúng tôi đang sửa chữa nó và đảm bảo mọi thứ đều trong tình trạng hoạt động, nhưng chúng tôi không thể làm gì cho đến khi lệnh tử hình được ban hành".

Những người đang vận động bãi bỏ án tử hình ở đất nước này cảm thấy rằng việc hành quyết một phụ nữ lần đầu tiên sau 66 năm sẽ là một bước đi sai hướng.

Kể từ khi được áp dụng vào năm 2007, sự ủng hộ đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc cấm thi hành án tử hình trên toàn cầu đã tăng từ 104 quốc gia lên 123 quốc gia vào năm 2020, theo số liệu của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Ấn Độ đã liên tục bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Theo Đề án 39A, trong khi năm 2020 chứng kiến ​​số lượng án tử hình được áp dụng ở Ấn Độ giảm, sự sụt giảm có thể là do đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn. Họ cho biết tính đến ngày 31/3, 15 phụ nữ đã bị tử hình ở Ấn Độ.

Saifi hy vọng Shabnam sẽ được sống, vì con trai. "Khi tôi nói với thằng bé về bản án mà mẹ mình phải nhận từ tòa án, nó đã tự soạn một lời kêu gọi đến tổng thống thông qua các phương tiện truyền thông hãy tha thứ cho mẹ mình", Saifi nói.

Vào tháng 2, sau khi những tin đồn về việc Shabnam sắp bị treo cổ xuất hiện rầm rộ, Bittu đã giơ bảng đen cho các phóng viên với một thông điệp bằng phấn viết bằng chữ thảo gọn gàng: "Xin ngài tổng thống hãy tha thứ cho mẹ cháu, Shabnam".

Cho đến nay, vẫn chưa có thêm phản hồi. Saifi biết thời gian không còn nhiều. Anh ta lo sợ cho Bittu, nếu Shabnam bị treo cổ. "Không chỉ Shabnam sẽ biến mất, mà đứa trẻ này sẽ bị lạc lối, và nếu vậy, chúng tôi cũng sẽ có mất mát", anh nói.

Tử tù Nhật Bản chờ án treo cổ gần 50 năm

Tòa án Tối cao Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu xét xử lại đối với một tử tù 84 tuổi, mở ra cơ hội tái thẩm cho người đàn ông đã thụ án gần 50 năm, CNN đưa tin hôm 23/12.

Người da đen treo cổ và bị thiêu sống, chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ?

Một số hình ảnh đen tối đầy nhức nhối trong lịch sử phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ đang tái hiện, thúc đẩy các cuộc biểu tình trong phong trào Black Lives Matter.

Bảo Châu

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm