Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ chi 22.000 bảng Anh để James Joyce yên tâm viết văn

Joyce có đánh giá cao sự hy sinh của những người phụ nữ này hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhưng nếu không có họ, ông ấy có thể đã không bao giờ xuất bản được cuốn tiểu thuyết.

Tác phẩm của James Joyce có thể không bao giờ được xuất bản nếu không có những người phụ nữ giúp đỡ. Họ gồm: Sylvia Beach, người lần đầu tiên đưa ông đến với công chúng thông qua hiệu sách Shakespeare and Company ở Paris của cô; cặp Margaret Anderson và Jane Heap, cho đăng nhiều kỳ Ulysses trên tạp chí Little Review ở Mỹ tạo cơ sở cho một phiên tòa xét xử tội tục tĩu cấp cao; và đặc biệt là Harriet Shaw Weaver, người bảo trợ ông sáng tác và cũng là người đại diện văn học của Joyce sau khi ông qua đời.

100 nam Ulysses anh 1

James Joyce và Sylvia Beach tại hiệu sách Shakespeare and Company. Ảnh: Harry Ransom Center.

"Anh có thể tin chừng nào tôi còn sống"

Ngày nay, Ulysses được đánh giá là một trong những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất từng được xuất bản. Cách đây hơn trăm năm, khi James Joyce bắt đầu sáng tác Ulysses, ông không phải lớp ​​văn sĩ nghèo như người ta vẫn thường nghĩ. Thay vào đó, Joyce sống một cuộc sống xa hoa buông thả ở Paris, khi không viết lách, ông uống như hũ chìm và thường say khướt. Bao nhiêu tiền kiếm được, cũng lần lượt bốc hơi sạch.

Harriet Shaw Weaver là một nhà nữ quyền giàu có người Anh cũng là đồng sở hữu kiêm biên tập viên của tạp chí The Egoist, đã trả cho James Joyce 50 bảng Anh để đăng nhiều kỳ A Portrait of the Artist (Chân dung chàng nghệ sĩ).

Năm 1914, lúc đó James Joyce vẫn chỉ là nhà văn chưa có tiếng tăm gì, ông viết cho Weaver: “Tôi không có lời nào để cảm ơn sự rộng lượng và lòng tốt của các bạn”. Cũng trong năm 1914, Grant Richards cuối cùng đã xuất bản Người Dublin của James Joyce sau 9 năm trì hoãn.

Tuy sách được in nhưng ông viết thư cho Weaver nói rằng mình chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào cho tác phẩm đã xuất bản của mình. Ông còn viết: “Tôi không thích viễn cảnh phải đợi thêm 9 năm nữa để được xuất bản một cuốn sách. Tôi đang viết Ulysses và tôi muốn cuốn này được xuất bản một lần nguyên vẹn...".

Nghe lời than thở, Harriet cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định ẩn danh tặng James Joyce 5.000 bảng Anh để tạo điều kiện cho James Joyce có thể tập trung vào sáng tác (ngày nay số tiền này tương đương với khoảng 8 tỷ rưỡi tiền Việt). Thậm chí bà còn quyết định đình bản tạp chí The Egoist của mình và tập trung xuất bản A Portrait of the Artist. Và rồi A Portrait of the Artist cũng được Harriet xuất bản vào năm 1917. Nhưng có bao nhiêu tiền, James Joyce ném hết vào rượu và cuộc sống xa hoa đắt đỏ ở Paris.

Khi Harriet Shaw Weaver, phát hiện ra tình trạng của nhà văn, bà đã viết thư khuyên nhủ và cố gắng giúp ông bỏ rượu. Một phần vì xấu hổ, Joyce viết thư trả lời: “Đầu tôi đầy đá cuội và rác rưởi. Tôi muốn hoàn thành cuốn sách và cố gắng giải quyết những vấn đề vướng mắc về vật chất của mình. Sau đó, tôi muốn có một thời gian dài nghỉ ngơi để quên hoàn toàn Ulysses".

Thật may mắn cho Joyce và cũng thật may mắn cho độc giả chúng ta, bất chấp những lời nói nặng nề của Joyce, Weaver vẫn ở bên cạnh ông, dần đưa ông đến với sự nổi tiếng. Cô cảm thấy cô không nên góp ý gì với tác phẩm và cách sống của James Joyce nữa. Có lẽ thời điểm đó, cô là người duy nhất ở bên động viên an ủi và tin vào tài năng của James Joyce một cách vô điều kiện. Trong một chuyến thăm đến Paris năm 1927, Harriet nói với Joyce rằng anh có thể tin tưởng vào cô chừng nào cô còn sống.

Từ năm 1916, bà đã cho Joyce một số vốn đáng kể để ông có thể cam kết viết văn toàn thời gian. Đến năm 1923, bà đã đầu tư cho ông vào sàn giao dịch chứng khoán London trị giá 22.850 bảng Anh, tương đương khoảng 370 tỷ tiền Việt theo thời giá ngày nay.

Và cũng không có gì lạ, khi Joyce và vợ đến London để tổ chức đám cưới năm 1930, ông đã quyết định: “Tôi sẽ để lại tất cả bản thảo của mình cho Harriet Shaw Weaver và chỉ thị rằng cô ấy sẽ là người có quyền quyết định duy nhất trong tất cả vấn đề văn học liên quan đến tác phẩm đã xuất bản và chưa xuất bản của tôi”.

Bị buộc tội vì xuất bản sách của James Joyce

Trong khi đó ở Mỹ, năm 1921, cặp đồng tính Margaret Anderson và Jane Heap bị buộc tội tục tĩu vì đã cố gắng xuất bản Nausicaa - chương 13 của Ulysses - trên tạp chí văn học Little Review của họ. Khi Anderson đọc chương 3 của Ulysses, cô ấy nói: “Đây là thứ đẹp nhất mà chúng tôi sẽ phải xuất bản. Hãy để chúng tôi in nó nếu đó là nỗ lực cuối cùng của cuộc đời chúng tôi!”.

Vụ án được đưa ra xét xử trước ba thẩm phán tại Tòa án Phiên đặc biệt vào tháng 2 năm 1921. Trụ sở tòa án vào thời điểm đó nay chính là chi nhánh của Thư viện Công cộng New York, nhưng thời điểm đó tòa nhà hùng vĩ này bao gồm nhiều phòng giam, nhà tù dành cho phụ nữ và nhiều phòng xử án khác nhau. John Quinn, luật sư đại diện cho Margaret Anderson và Jane Heap, người thường đại diện cho các khách hàng thương mại ở cấp cao, cũng có chút e dè sợ hãi.

Viết cho Ezra Pound, John Quinn mô tả : “các sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục với những ngôi sao và cúc áo lấp lánh, phụ nữ và đàn ông đang chờ xử lý hoặc tuyên án… tài xế đang chờ điều trần; ma cô, gái mại dâm, kẻ bị treo cổ và cả phóng viên".

Trong hoàn cảnh ấy, cặp đôi Anderson và Heap không hề sợ hãi, họ còn rủ nhiều người ủng hộ và bạn bè đến chứng kiến ​​quá trình tố tụng. Nhưng có một điều mà họ dường như không tính toán đến là John Quinn, luật sư bào chữa, không tin rằng vụ kiện có thể thắng, và hắn đã không chuẩn bị đầy đủ. Họ cũng không nhận ra rằng Quinn là người kỳ thị đồng tính, trong trường hợp này, luật sư đã trở nên thù địch với thân chủ. Thậm chí Quinn từng viết cho Pound khi đề cập đến cặp đôi: “hai con thỏ đang đái dầm… đồng tính nữ".

100 nam Ulysses anh 2

Tạp chí in trích đoạn Ulysses.

Và cái gì đến đã đến, thua kiện, hai người, mỗi người bị phạt 50 đôla và bị đe dọa bỏ tù nếu vẫn tiếp tục xuất bản Ulysses. Việc xuất bản Ulysses ở Mỹ thế là đổ bể.

Lúc này Sylvia Beach hỏi Joyce liệu cô có thể thực hiện thử thách in Ulysses hay không, hứa hẹn sẽ trả “66% lợi nhuận cho lần xuất bản đầu tiên”. Nếu in theo kiểu ấn bản riêng tư thì vừa có thể thu hút đăng ký, vừa có thể vượt qua các hạn chế pháp lý ở Mỹ và Anh. Joyce vẫn muốn xuất bản trước sinh nhật lần thứ 40 của mình, và Beach đã phải vật lộn để theo kịp những chỉnh sửa và bổ sung liên tục.

Trong hồi ký của mình, Sylvia Beach nhớ lại ngày trọng đại: "Cuối cùng thì đây cũng là Ulysses... Đây là bảy trăm ba mươi hai trang 'hoàn chỉnh như đã viết', và trung bình một đến nửa tá lỗi đánh máy trên mỗi trang".

Đối với tất cả người phụ nữ này, mối quan hệ của họ với Joyce gặp nhiều trở ngại. Sau phiên tòa ở Mỹ, Margaret Anderson cảm thấy bối rối, không lối thoát. Cuốn hồi ký của bà về thời kỳ này kể lại rằng bà không biết "phải làm gì với cuộc đời mình - vì vậy tôi đã bị suy nhược thần kinh kéo dài vài tháng".

Ngược lại, Jane Heap lại bị kích động vì bản án kết tội. Cô đã tổ chức lại The Little Review thành một tạp chí “chống đối” và tiếp tục làm biên tập viên cho đến số cuối cùng của năm 1929. Còn Beach và Joyce thường xuyên tranh cãi về tiền bản quyền, bản quyền và thậm chí cả bìa cuốn sách Ulysses.

Joyce có suy nghĩ mê tín rằng Hy Lạp mang lại may mắn cho ông ta và khăng khăng rằng cuốn sách phải được gắn với màu sắc của lá cờ Hy Lạp. Thế nên bìa cuốn sách có màu xanh Hy Lạp như chúng ta thấy ngày nay.

Joyce có đánh giá cao sự hy sinh của những người phụ nữ này hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhưng nếu không có những người phụ nữ ấy, ông ấy có thể đã không bao giờ xuất bản được cuốn tiểu thuyết của mình. Và mặc dù chúng ta nhớ tên Joyce ngày nay, những phụ nữ đã giúp xuất bản Ulysses, thì chẳng ai nhớ tới.

Hiệu sách huyền thoại tiết lộ bí mật của các nhà văn nổi tiếng

Những thẻ mượn sách trong quá khứ của hiệu sách nổi tiếng Shakespeare and Company được số hóa. Điều này vô tình tiết lộ thói quen đọc sách của Ernest Hemingway, James Joyce...

Hình xăm của Johnny Depp trích dẫn từ tác phẩm kinh điển

Johnny Depp có một hình xăm trích dẫn từ cuốn "Chân dung chàng nghệ sĩ" của James Joyce: "Silence, exile, cunning".

Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Hà Chi

Bạn có thể quan tâm