Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ chèo chống ba thế hệ sống trong… chuồng heo cũ

Lấy chồng từ thủa đôi mươi, cái nghèo cứ bủa vây chị sau bao năm lặn lội làm lụng nơi đất khách quê người. Ngay cả đến lúc trở lại quê cũ chị vẫn chẳng thoát được cái nghèo.

Cả gia đình 3 thế hệ gồm vợ chồng, con cái và đứa cháu nội phải sống ở chuồng heo mấy năm trời. Thế nhưng vượt lên mọi hoàn cảnh chị lại là người phụ nữ đáng được khâm phục.

“Nếp nhà” tạm bợ

Người dân ở xóm 25, thôn Bầu Ốc Hạ, xã Cẩm Hà, TP.Hội An chẳng ai còn lạ gì chị- người phụ nữ gầy ốm tong teo nhưng lại có sức chịu đựng phi thường. 

Nơi sinh sống của 3 thế hệ trong gia đình là chuồng heo được cho mượn.
Nơi sinh sống của 3 thế hệ trong gia đình là chuồng heo được cho mượn.

Ngày qua ngày, mọi người hết thấy chị làm đồng, làm đất lại đi làm thuê, làm mướn rồi tất bật chăm cha chồng đã ở tuổi gần đất xa trời, lo cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, lo cho cái mái nhà (vốn là cái chuồng lợn cũ-PV) được người họ hàng cho mượn để trú qua mùa mưa dột lạnh ngắt, cho những mùa bão mái không bay tốc, tường không đổ sập.

Trao đổi với chúng tôi, chính quyền xã Cẩm Hà cho biết, do xã vẫn còn nghèo lại không có quỹ đất giành cho các hộ gia đình như chị. Mà nếu có cấp đất cho chị thì cũng chẳng có tiền mà xây nhà. 

Xã đã xét gia đình chị thuộc diện hộ nghèo để được hỗ trợ hàng tháng và đã ưu tiên nhận chồng chị vào làm bảo vệ tại một ngôi trường trên địa bàn. Đó là những việc xã có thể làm được, còn hơn thì phải lên cấp trên nữa.

Con đường đất nhỏ hẹp dẫn vào nhà chị chỉ vừa vặn đủ cho một chiếc xe. Trước đây, khu này là khu đồi hoang vu được người anh họ của chồng chị khai khẩn thành đất trồng trọt và nuôi heo. 

Nói là nhà nhưng thực ra đây là cái chuồng heo bỏ hoang, nên khi chị cùng gia đình chuyển từ Gia Lai về không có chỗ ở, không đất dựng nhà, người anh họ thương tình cho mượn cái chuồng heo cũ, lợp mái trú qua mưa nắng. 

Cái chuồng heo ấy cao chẳng quá đầu người thế nên mỗi khi đi vào người lớn phải cúi đầu đi lom khom. Để cải tiến chuồng heo thành chỗ ở chị đã phải đi nhặt nhạnh những tấm tôn cũ, những tấm bạt rách, những viên ngói rơi rớt người đời vứt đi mang về ghép lại.

 Cái chuồng heo cũ có 3 ngăn được xây bằng gạch cao ngang đầu gối được chị cải tạo lại thành các “căn phòng” để ở. Thế nhưng, cả gia đình gồm 3 thế hệ cũng chẳng đủ chỗ, chị lại cặm cụi đào lỗ chôn cột là những gốc cây xin được, buộc lại những tấm bạt để nới rộng không gian sinh hoạt cho cả gia đình.

Chị Thảo cùng con gái út.
Chị Thảo cùng con gái út.

“Nói căn nhà cho oai chứ thật ra đó là cái chuồng heo, tôi cũng không sửa sang gì mấy, chỉ làm lại cái nền cho bằng, quét rửa sạch sẽ cho hết phân heo rồi bọc tôn xung quanh, cửa ra vào chỉ đủ một người di chuyển, không đủ để có thể dắt một chiếc xe đạp. Ngoài diện tích đặt một chiếc giường và tủ, mọi sinh hoạt nấu ăn, vệ sinh đều phải ở ngoài cả!”, chị cười gượng gạo tâm sự.

Chị bảo, vào mùa nắng nóng, mái tôn ẩm thấp nóng hơn cái lò bát quái giam giữ Tôn Ngộ Không, mấy đứa trẻ chị không chịu nổi nên phát ban khắp người, chị luôn phải túc trực để quạt cho chúng ngủ. Rồi còn cái mùi phân heo mới thực sự kinh khủng, dù đã không còn nuôi heo nữa nhưng cái mùi còn lại ấy vẫn cứ vương vấn hằng ngày, đến nỗi cả nhà chẳng ai còn ngửi được cái mùi nào khác nữa. Mùa mưa đến lại là một cuộc “chiến đấu” khác của chị. 

Bốn bề là nước tạt, mưa hắt, là gió lùa phần phật, cả đêm chị phải dùng thau tát nước. Có khi, nước ngập đến mắt cá chân vì đây vốn là cái rốn nước của khu này. Sau nhà lại có cái ao nhỏ, mưa lớn là tràn vào nhà khiến cả nhà như sống giữa đảo.

Do bị thấp khớp nên mỗi khi trở trời, chị lại lên cơn đau. Dù vậy, người phụ nữ nghèo vẫn cười và bảo “quen rồi”, mà không quen cũng chẳng được bởi tiền đâu đi chữa, tiền đâu mua thuốc, lại thêm cả cái bệnh ù tai nữa cũng làm chị khốn khó. Khổ thế, khó thế, bệnh thế chị vẫn cười. Mà như chị bảo thì chị phải cười, cười cho cuộc sống bớt nặng nề hơn, cho cả gia đình còn thấy mà cười theo, bởi dù cuộc sống có khốn khó đến thế nào đi nữa thì vẫn còn có hy vọng, còn có điều đáng để mơ ước.

Nghị lực phi thường

Chồng chị là anh Nguyễn Văn Điệp. Chúng tôi gọi anh, bởi người đàn ông tuổi gần thất thập này nhất quyết nhận danh xưng ấy, có lẽ cho xứng với người vợ kém đến 25 tuổi. Chuyện tình của anh chị cũng thật lạ. Ngày chị lên xe hoa theo chồng, dân địa phương còn xem như một sự kiện. Cả trăm người kéo đến, vừa chúc phúc, vừa để thỏa chí tò mò. Họ không hiểu tại sao, một cô thôn nữ duyên dáng, nết na lại “phải lòng” người đàn ông bằng tuổi… cha chú mình.

Nhớ lại quá khứ, chị kể: Thấy người đàn ông ở cái tuổi xế chiều vẫn ngày ngày lẻ bóng đi về, chị thương rồi đem lòng yêu từ lúc nào không biết. Chị bảo mình yêu bởi sự đồng cảm về cảnh ngộ, sự thấu hiểu về nghĩa, về tình. Lúc chị đồng ý lấy anh, mọi người xung quanh ai cũng bảo chị khùng, bởi anh là một nông dân “nghèo rách mồng tơi”, lại phải nuôi mẹ già và cũng đã ở cái tuổi lên ông, lên bà. 

Trong khi đó, chị còn quá trẻ, còn tuổi xuân phơi phới trước mặt và nhiều sự lựa chọn khác cân xứng hơn. Thế nhưng, bằng tình yêu chân thành, chị đã bất chấp tất cả để cùng anh xây dựng tổ ấm. Rồi hạnh phúc ngập tràn khi gia đình nhỏ của chị dần có thêm những tiếng khóc của trẻ thơ.

“Đứa đầu bây giờ đã có vợ, có con, vợ và con hắn bây giờ sống với tôi ở đây, còn hắn đi phụ hồ ở Tây Nguyên. Lâu lâu mới về. Còn đứa út mới học lớp 6 thôi, học mướt lắm!”, chị nói bằng cái giọng chân chất, rất dân dã của người đàn bà nông thôn. 

Chị bảo, dẫu con cái là của trời cho nhưng chắc tại chị sinh nhiều con nên mới nghèo thế, chứ cứ sinh hai đứa như nhà người ta thì có lẽ cũng không đến nỗi nào.

Cuộc đời nghèo bám riết lấy anh chị hai chục năm trời từ khi về với nhau. Ấy vậy mà chưa lần nào, hai người cãi nhau hay giận dỗi gì. Chị bảo, anh do nhiều tuổi nên tâm lý và rất yêu thương vợ con, chị chẳng có lý do gì để buồn về anh cả. 

Giường ngủ sát cạnh chuồng heo
Giường ngủ sát cạnh chuồng heo

Nghèo thì cũng nhiều người nghèo, nhưng chị lại giàu vì cái tình, cái nghĩa, vì một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa với sự “tát biển đông” của cả hai vợ chồng mấy chục năm qua. Nhiều lúc nhìn gia đình người ta, ông chồng thì nhậu nhẹt hay chơi bời gì đó, chị lại nghĩ về chồng mà cười hạnh phúc. 

Vì chưa một lần nào ngoài giờ làm, anh đi nhậu nhẹt; có cái gì người ta cho anh cũng mang về cho vợ, cho con. Chị bảo, được người chồng như thế thì còn ao ước gì hơn.

Dẫu vậy, hoàn cảnh chị cũng lắm gian nan. Sau một thời gian ở quê nhà, chị không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Thấy người ta bảo đất Tây Nguyên dễ làm ăn, chị đưa cả gia đình lên đó. Nhưng không vốn, không được học hành đàng hoàng, không tấc đất trong tay nên bao năm trời làm thuê, làm mướn cũng chỉ đủ để nuôi sống mấy con người đông đúc trong gia đình. 

Sống đất mới không được, chị lại dắt díu cả gia đình về quê cũ Hội An. Khi xuống đây, cả gia đình không có tài sản gì quý giá ngoài đôi bông tai đáng giá vài phân vàng của ba mẹ chị để lại, cũng đã bán đi để lo thuốc thang cho căn bệnh đau bao tử của anh. Ngày ngày ngoài việc trông coi vườn cây cho người anh họ thì công việc chính của chị vẫn là ai kêu gì làm đó. 

Cả gia đình chị chỉ trông chờ vào 2 triệu đồng tiền lương của anh với công việc bảo vệ cho trường mầm non trên địa bàn phường gần nhà. Đó là sự ưu ái của địa phương trước hoàn cảnh khốn khó của gia đình chị.

Trên căn chòi nhỏ vừa là nơi nằm ngủ được che ngang với chuồng heo, đồng thời là bếp của cả gia đình 5 người cùng với đứa con dâu đầu với cháu nội tối tối vẫn vang lên tiếng bi bô học bài của đứa con út. Chị bảo, chỉ hi vọng đứa con út sẽ được học hành đàng hoàng, chứ như mấy đứa đầu vì khó khăn quá nên đã nghỉ học từ lâu để đi phụ hồ, đi làm cà phê thuê tự nuôi sống bản thân. 

Kể cũng tội! Chị kể về mình vậy mà chẳng thấy chị than thở điều gì, chị bảo có than thở cũng chẳng ích gì, vấn đề là mình biết chấp nhận và sống. Phải đến cuối câu chuyện, tôi mới chợt nhớ mình chưa hỏi tên chị, chị cười bảo tên chị là Lê Thị Dạ Thảo năm nay đã xấp xỉ tuổi 45, cái tuổi đáng lẽ được an nhàn mà vẫn còn nhiều cơ cực.     

http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cam-phuc-nguoi-phu-nu-cheo-chong-ba-the-he-song-trong-chuong-heo-cu-20150626204302456.htm

Theo Quang Huy/ Báọio Gia đình & Xã ho

Bạn có thể quan tâm