Bà T.L.T.T.T., 54 tuổi, làm nghề lao công tại tỉnh Đồng Nai. Do bàn tay gầy gò, người phụ nữ luôn muốn tiêm filler để tay đầy đặn hơn.
Sau đó, người phụ nữ được bạn gái của con trai tiêm filler miễn phí ở bàn tay. Sau tiêm, bàn tay bà T. có dấu hiệu sưng đau. Khi thông báo tình trạng với con trai, không ai đứng ra chịu trách nhiệm nên người phụ nữ tự đến bệnh viện để điều trị.
Mặc dù đã được rạch da bàn tay để lấy mủ, uống thuốc kháng sinh, giảm đau tại bệnh viện tỉnh, tình trạng bà không thuyên giảm và kéo dài suốt 4 tháng. Cuối cùng, bà quyết định đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để điều trị.
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Lư Huỳnh Thanh Thảo, khoa Thẩm mỹ da, cho biết bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Mycobacterium Chelonae gây sưng, đau nhức và tổn thương kéo dài.
Theo phác đồ của bác sĩ, bà T. đáp ứng tốt, tình trạng ổn hơn nên được xuất viện và tiếp tục điều trị ngoại trú.
Chia sẻ về nguyên nhân gây tai biến ở ca bệnh này, bác sĩ Thanh Thảo cho biết: “Tiêm chất làm đầy là kỹ thuật khó, đòi hỏi người tiêm phải là bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, kỹ thuật tiêm và vô khuẩn không đúng có thể dẫn đến tai biến. Chưa kể, bệnh nhân không được hướng dẫn giữ vệ sinh vùng điều trị sau tiêm và vẫn tiếp tục làm công việc dọn dẹp vệ sinh như bình thường, dẫn đến bị nhiễm khuẩn”.
Theo bác sĩ Thảo, ngày nay, tiêm filler là phương pháp làm đẹp phổ biến, được mọi người ưa chuộng vì khả năng làm đầy thể tích vùng hõm thiếu mô, cải thiện tình trạng chảy xệ và giúp khuôn mặt cân đối hơn.
Bên cạnh đó, phương pháp này giúp tạo hình tinh tế cho đường nét khuôn mặt nhanh chóng và ít thời gian nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, việc dùng filler không rõ nguồn gốc hoặc người thực hiện không có bằng cấp, trình độ chuyên môn, khả năng xảy ra biến chứng rất cao.
Vì vậy, bác sĩ Thảo khuyến cáo trước khi thực hiện các phương pháp làm đẹp xâm lấn, người dân cần tìm hiểu kỹ về bản chất và mức độ an toàn của kỹ thuật để xem có phù hợp với bản thân hay không.
Trên hết, người dân nên lựa chọn làm đẹp tại bệnh viện uy tín, cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật, do bác sĩ đã được đào tạo và cấp phép thực hiện để tránh xảy ra tình huống đáng tiếc.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.