Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ bản địa bị chế nhạo khi đang hấp hối ở Canada

Video ghi lại cảnh các nhân viên bệnh viện ở Canada chế nhạo một phụ nữ bản địa đang hấp hối, đã được lan truyền rộng rãi và khiến cộng đồng nước này dậy sóng, Guardian đưa tin.

Joyce Echaquan là một phụ nữ 37 tuổi người Atikamekw, một sắc tộc bản địa tại Canada, phân bố chủ yếu ở tỉnh Quebec.

Bà Echaquan đến bệnh viện ở thành phố Joliette thuộc Quebec vào hôm 28/9 để khám và điều trị chứng đau dạ dày. Theo lời Echaquan nói với y tá, bà có tiền sử bị bệnh tim và một số vấn đề liên quan đến dạ dày khác.

Đoạn video phát trực tiếp trên Facebook của Echaquan ghi lại cảnh các nhân viên bệnh viện tỏ ra thờ ơ trước lời khẩn cầu được điều trị của người phụ nữ 37 tuổi, ngay cả khi bà ngày càng biểu hiện sự đau đớn vì cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Thậm chí một vài y tá còn chế nhạo rằng Echaquan “ngu ngốc chết đi được”. Khi bà rên rỉ một cách đau đớn, một y tá hỏi người phụ nữ Atikamekw bằng tiếng Pháp: “Xong chưa? Bà đã kết thúc màn hành động ngu ngốc của mình chưa?”.

“Các con của bà sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy bà như thế này chứ?’, một y tá khác nói. “Chắc là bà ta giỏi nhất ở trong phòng ngủ”, y tá thứ nhất giễu cợt.

nguoi phu nu ban dia Canada bi che nhao khi hap hoi anh 1

Sau khi đoạn video tại bệnh viện được phát tán, người dân Canada lên án mạnh mẽ các hành động phân biệt chủng tộc tại nước này. Ảnh: Shutterstock.

Giới chức địa phương cho rằng đoạn video nói trên đã phơi bày sự thật trần trụi của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống vốn bị phớt lờ tại hầu hết khu vực ở Canada.

“Sự phân biệt đối xử đối với người bản địa vẫn còn phổ biến trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, cần phải đặt một dấu chấm hết cho thực trạng này”, lãnh đạo Hội đồng Người bản địa Perry Bellegarde tuyên bố.

Tỉnh trưởng François Legault của tỉnh Quebec kịch liệt lên án hành động của các nhân viên bệnh viện và cho biết ít nhất một trong số những y tá trong vụ việc nói trên đã bị sa thải.

Tuy nhiên, ông Legault không cho rằng cái chết của bà Echaquan phản ánh thực tế về nạn phân biệt chủng tộc tại Quebec.

“Tôi không nghĩ đây là cách mà chúng ta vẫn thường đối xử với cộng đồng người bản địa tại các bệnh viện ở Quebec”, ông Legault nói.

Marc Miller, người đứng đầu cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội cho người bản địa Canada, đã gửi lời chia buồn đến những người cảm thấy tổn thương bởi đoạn video “khiến người xem quặn ruột” nói trên.

Trong một thông cáo báo chí, ông Miller phát biểu: “Cộng đồng bản địa là những người dễ bị tổn thương, và trong giờ phút cuối của cuộc đời, họ lại nhận được những lời lẽ miệt thị sắc tộc hướng thẳng về phía mình. Đây là mặt tồi tệ nhất của nạn phân biệt chủng tộc”.

Cựu cầu thủ bóng bầu dục trên con đường trở thành Obama của Canada

Cựu cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp Canada là Balarama Holness, 36 tuổi, đang dần trở thành tiếng nói đại diện chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Canada.

Bà Michelle: Phân biệt chủng tộc có hệ thống xuất phát từ Nhà Trắng

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama lên án “sự phân biệt chủng tộc có hệ thống” đang diễn ra tại Nhà Trắng và nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ.

Hàng chục nghìn người đổ về Washington để phản đối phân biệt chủng tộc

Lễ diễu hành hôm 28/8 thu hút hàng chục nghìn người phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát ở Mỹ.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm