Chồng bà Mandira Bedi là ông Kaushal, một nhà làm phim 49 tuổi, đã đột ngột qua đời vào ngày 30/6 do ngừng tim ở thành phố phía tây Mumbai, theo BBC.
Nữ diễn viên được ca ngợi vì đã can đảm chống lại chế độ gia trưởng ngay cả khi đang đau buồn.
Nhà báo nổi tiếng Shobhaa De viết: “Khi Bedi đốt sáng giàn thiêu của chồng mình, cô ấy cũng đã thắp lên vô số ngọn lửa trong trái tim của những người đàn ông và phụ nữ tin vào bản thân - chứ không phải những quy ước đã kìm hãm xã hội chúng ta trong nhiều thế kỷ. Những xiềng xích ngay lập tức bị phá vỡ khi ngọn lửa từ giàn thiêu bùng cháy”.
Nữ diễn viên nổi tiếng Mandira Bedi thực hiện nghi lễ trong lễ hỏa táng của chồng. Ảnh: Press Trust of India. |
Tuy nhiên, việc bà Bedi phá vỡ truyền thống đã làm phật lòng một số người Ấn Độ bảo thủ và phe cánh hữu. Nhiều người chế nhạo nữ diễn viên trên mạng xã hội, cho rằng giàn thiêu đáng lẽ phải được đốt bởi cậu con trai 10 tuổi.
Nhiều học giả và người dùng Internet đã đưa ra những quan điểm và giả thuyết giải thích lý do phụ nữ không được khuyến khích tham dự lễ hỏa táng. Tuy nhiên, các giáo sĩ Hindu và các học giả tôn giáo nói với BBC rằng thánh kinh không hề cấm phụ nữ đến thăm lò hỏa táng hoặc thực hiện các nghi lễ cuối cùng cho người thân của họ.
Trên thực tế, bà Bedi không phải là người phụ nữ duy nhất hỏa táng người thân.
Khi cựu Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee qua đời vào tháng 8/2018, con gái nuôi của ông là cô Namita Kaul Bhattacharya cũng đã thực hiện nghi lễ này. Gần đây trong bối cảnh đại dịch, rất nhiều trường hợp vợ hoặc con gái là những người thực hiện nghi lễ cuối cùng cho người thân, do các thành viên nam của gia đình đã chết, nhiễm bệnh hoặc không thể đi lại do lệnh phong tỏa.
Ngày nay phụ nữ ở các thành phố lớn cũng có thể tham dự lễ hỏa táng một cách bình thường. Biên tập viên trang tin The Print của Ấn Độ, cô Shailaja Bajpai, cho biết: "Đó là lựa chọn cá nhân của chúng tôi và nó cần được tôn trọng. Chúng tôi được phép làm những gì chúng tôi muốn".