Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ 50 năm di chuyển bằng 2 tay

Hai chân bị liệt sau một tai nạn, 50 năm qua phải di chuyển nhờ sự hỗ trợ của đôi tay nhưng bà Hoàng Thị Nỗ vẫn sống lạc quan và có thể làm được mọi việc vặt trong nhà.

Người phụ nữ 50 năm di chuyển bằng 2 tay

Hai chân bị liệt sau một tai nạn, 50 năm qua phải di chuyển nhờ sự hỗ trợ của đôi tay nhưng bà Hoàng Thị Nỗ vẫn sống lạc quan và có thể làm được mọi việc vặt trong nhà.

Bà Nỗ (sinh 1957, ở thôn Tân Tiến, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) kể bà bị liệt do một tai nạn hồi còn bé lắm. Thời bấy giờ nhà nào cũng làm nhà sàn cao, bên dưới cầu thang mỗi gia đình đều có một thùng gỗ đựng nước lớn và một cái gáo để các thành viên trong gia đình rửa chân trước khi lên nhà.

Một lần nghịch ngợm, bà Nỗ trèo lên thùng đựng nước, bất giác cái thùng đổ ập xuống đè lên đôi chân. Bà được gia đình đưa đi trạm y tế xã cấp cứu. Sau thời gian điều trị được các y sĩ ở trạm tiêm thuốc nhưng không hiểu sao đôi chân bà không những không khỏi mà phần đùi còn teo lại rồi bị liệt hẳn, không thể đi lại được.

Bà Nỗ "đi lại" với hai đôi dép.

Với đôi chân như vậy, bà chỉ biết quanh quẩn trong nhà. Mọi sinh hoạt của bà đều phải có sự giúp sức của người khác.

Nếu di chuyển độ vài bước chân là bà phải nhoài người ra bò, một lát lại thở dốc vì mệt và đôi chân thì đau đớn. Thế nhưng bà cứ nghiến răng tập luyện, từng ít từng ít một. Bà phải nghiến răng, nuốt nước mắt vào mà cố gắng. Bà kể, hồi nhỏ bị liệt, cứ vận động là đau chảy nước mắt nên ngại đi lắm. Muốn tập tành để di chuyển thôi cũng không phải chuyện dễ dàng.

Bà bảo, vì tay với chân của không bằng nhau chân lúc nào cũng dài hơn tay, muốn di chuyển được thì bắt buộc chân phải chùng xuống sao cho đều với tay để phối hợp được với nhau. Đôi tay thì không sao nhưng để "bảo" được đôi chân bị liệt làm theo ý mình thì không phải ngày một ngày hai mà chúng "nghe lời".

Có lẽ bởi thế mà giờ đây đôi chân bà Nỗ choãi sang hai bên, bàn tay thẳng tắp như. Mỗi lần "đi lại" bà cần tới hai đôi dép, một đôi cho chân và một đôi cho bàn tay.

Trời không phụ công, dần dần đôi chân bà linh hoạt hơn. Việc nặng không làm được thì bà làm việc nhẹ, chưa bao giờ bà ỷ lại để nhờ vả người khác làm thay.

Bà Nỗ trông trẻ rất khéo.

Bà kể, nhiều lúc, bọn trẻ con thấy bà đi lại kiểu không giống ai, chúng nghịch ngợm ném đá bà, còn gọi là "bà Nỗ ngựa". Ngay cả khi bạn bè đồng trang lứa đến tuổi cập kê, hẹn hò rồi lần lượt lấy vợ lấy chồng thì bà vẫn quanh quẩn trong nhà, cùng lắm là ra vườn.

Những khi ấy bà cũng tủi thân. Rồi bà lại bảo, cuộc đời mình khổ quá lại càng khiến bản thân mình phải vươn lên, phải sống cho đời nó ghét mình thì thôi. Có biết bao phận người còn khổ hơn mình nhiều, đi lại được như mình đã là hạnh phúc.

Biết số phận mình không may mắn nhưng trong những năm tháng khó khăn nhất bà đều gắng gượng vượt lên. Bố bà Nỗ mất năm 1992, các em đều lập gia đình rồi ra ở riêng, bà Nỗ và mẹ nương tựa nhau. Hàng ngày, mẹ lên nương thì bà Nỗ giành hết những công việc trong gia đình. Cuộc sống của hai mẹ con cứ thế cho đến năm 2009 mẹ mất, bà bơ vơ một thời gian rồi chuyển đến ở cùng người em trai.

Từ khi ở cùng em trai, bà xin đặt chiếc giường ở căn bếp nhỏ của gia đình, hàng ngày vợ chồng người em đi làm, mọi công việc trong nhà hết thảy đều do bà đảm đương.

Bà Nỗ chia sẻ: “Mình không muốn vì tàn tật mà làm gánh nặng cho em trai, cậu mợ có hai cháu giờ lại thêm mình thì gánh nặng quá, nhưng ra ngoài đường không có sức khỏe thì biết đi về đâu, làm gì để sống. Còn sức lực thì còn phải cố gắng”.

Ngoài những công việc sinh hoạt thường ngày của gia đình, có thời gian rảnh rỗi bà lại giúp hàng xóm trông trẻ. “Bà Nỗ tốt lắm, hôm nào nhiều việc tôi lại phải nhờ bà ấy trông con giúp. Thế mà cho quà bà cũng chẳng chịu nhận, chỉ khi mời bà ấy ở lại ăn cơm thì mới chịu”, chị Nông Thị Hạnh, một người hàng xóm của bà Nỗ cho biết.

Đang nói chuyện với chúng tôi, chợt bà bò nhanh vào bếp dùng miệng nhấc ấm nước sôi ra khỏi lửa. Chúng tôi thấy vậy đề nghị giúp đỡ thì bà bảo không cần, bà làm thế quen rồi.

Những công việc như thế này bà thường tự làm lấy.

Với cách như thế bà có thể xách xô cám đến chuồng cho lợn, gà ăn. Bà cũng có thể cõng được cả bó củi nặng.

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm