Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ 4 năm ăn Tết dưới gầm cầu ở Hà Nội

Bữa cơm dưới gầm cầu của bà Lụa chỉ có cơm trắng. Hôm nào bán được phế liệu bà mua thịt về nấu sẵn để ăn dần. Mấy ngày gần Tết cũng có người tới biếu bà bánh chưng, bánh kẹo.

Bà Nguyễn Thị Lụa (61 tuổi) sống dưới gầm cầu Yên Hòa, đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). 
Hàng ngày bà Lụa đi tập kết phế liệu, chủ yếu là sắt vụn, giấy bìa carton, chai nhựa... và bán lại cho chủ đồng nát. Thu nhập mỗi ngày vài chục ngàn đồng, bà chỉ đủ mua đồ ăn, thuốc men.
Căn lều, nơi ở của bà, là toàn bộ chiều ngang cầu khoảng 10m trải dọc bờ kè sông Tô Lịch và nằm gọn phía dưới gầm cầu. Toàn bộ phần phế thải bà Lụa phân loại và cất gọn dưới các khe gầm cầu. Chiếc giường nơi ngủ nghỉ của bà chỉ được khoảng 1m2 được bao bọc bởi đống đồng nát và mới có chăn bông, màn cũ nhặt được. Bên dưới là dòng sông Tô Lịch một màu đen đặc và bốc mùi trong những ngày hanh khô.
Bà Lụa năm nay tóc đã bạc trắng đầu, ngày nào bà cũng chỉ mặc một cái áo khoác màu ghi của học sinh.
Bà Lụa đang gom số rác thu lượm được gọn vào một góc.
Xung quanh giường, bà Lụa treo đủ thứ sinh hoạt từ lạc sống, bột canh, nước mắm... Thời gian gần đây sức khỏe yếu dần, bà có biểu hiện ho nên mua thuốc dự trữ khi cần sử dụng.
Hàng ngày sau thời gian đi làm thì bà Lụa tự gác bếp bên cạnh cầu nầu cơm ăn.  Món ăn thích nhất của bà là thịt sốt cà chua và bà thường nấu sẵn để ở cạnh giường, khi nào đói thì ăn.
Căn nhà của bà Lụa ở ngõ 287 Nguyễn Khang nhưng chỉ rộng 9m2. Ngày con trai lấy vợ, vì nhà chật chội nên bà ra ngoài cầu ở, đến nay đã tròn 4 năm. Nhiều người thấy bà ở đây cũng thăm hỏi, động viên nhiều. Trong ảnh là bếp nấu cơm của bà Lụa.

Bữa cơm dưới gầm cầu của bà Lụa chỉ có cơm trắng. Hôm nào bán được phế liệu bà mua thịt về nấu sẵn để ăn dần. Mấy ngày gần Tết cũng có người tới biếu bà bánh chưng, bánh kẹo. 

Túi thuốc chữa bệnh ho bà mua dự trữ trên đầu giường uống hàng ngày. Anh Phạm Phùng Quang (40 tuổi), con trai cả bà Lụa sống cách đó khoảng 50m cho biết: “Nhà tôi có hai anh em, cậu em không ở Hà Nội. Gia đình không để bà đi, nhưng bà cứ tự ra đó ở. Vợ chồng tôi thấy vậy cũng khuyên nhủ nhiều lần nhưng mẹ không chịu về. Người ngoài nhìn vào không biết thì nghĩ vợ chồng tôi khó ăn khó ở, chỉ có bà con lối xóm mới hiểu".

Bà Trần Hải Yến – Phó chủ tịch UBND phường Yên Hòa xác nhận: “Bà Nguyễn Thị Lụa có hộ khẩu thường trú ở tổ 25, phường Yên Hòa, (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang sông dưới gầm cầu sông Tô Lịch thuộc diện hộ nghèo từ trước. Sau khi được trình báo từ phía gia đình con cháu bà Lụa thì UBND phường đã triệu tập các bên từ tổ trưởng dân phố, Công an phường, Hội người cao tuổi và phía gia đình là con trai bà cụ để đưa bà về. Nhưng khi gặp gỡ, bà Lụa nhất quyết không về.”

Hoàn Nguyễn - Lê Tú

Bạn có thể quan tâm