Ở xóm nghèo ven biển Sóc Trăng, người dân xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu thường gọi ông Sơn và bà Nguyễn ở ấp Xung Thum B là vợ chồng "siêu đẻ".
Người đàn ông 53 tuổi cho biết, ông là con duy nhất trong gia đình nghèo, quanh năm sống bằng nghề làm thuê. 25 tuổi, ông cưới bà Nguyễn là người cùng xóm, nhỏ hơn 6 tuổi.
Bà Nguyễn (áo vàng) với các con, cháu. Ảnh: Việt Tường. |
Bà Nguyễn sinh con trai đầu lòng năm 1987. Hai năm sau đó, thiếu phụ sinh 2 con gái và muốn kế hoạch nhưng chồng không đồng ý.
Nhà nghèo, ông Sơn đi làm thuê không được bao nhiêu tiền khiến cuộc sống rất khó khăn. Bà Nguyễn chiều chồng sinh thêm 3 người con vào năm 1990, 1991, 1992 nhưng 3 bé đều qua đời ở tuổi sơ sinh vì bị bệnh.
Năm 1993, thiếu phụ sinh con lần thứ 7 sau 7 năm lấy chồng. Lần vượt cạn này, đứa con trai ra đời thường xuyên đau bệnh nhưng người mẹ cố gắng chăm sóc, nuôi khôn lớn.
Có được 2 trai, 2 gái, hàng xóm nghĩ rằng ông Sơn sẽ thôi sinh con. Tuy nhiên, với quan niệm "trời sinh voi sinh cỏ" nên người chồng tiếp tục cho vợ vượt cạn thêm 3 lần nữa. Những lần sinh này, các bé đều khó nuôi và qua đời sau đó.
Những thành viên trong gia đình bà Nguyễn chuẩn bị đi mò cua, bắt ốc vào sáng sớm mỗi ngày. Ảnh: Việt Tường. |
"Thấy sinh con khó nuôi quá nên tôi kêu chồng kế hoạch nhưng ổng không chịu. Sinh 10 lần mà nuôi chỉ được 4 đứa, những lần mang bầu sau đó, tôi không ra biển bắt cua, cá nữa, ở nhà dưỡng thai", người phụ nữ 47 tuổi chia sẻ.
Năm 2000, bà Nguyễn sinh con lần thứ 11 ở tuổi 32, được bé gái bụ bẫm. Thấy con gái chào đời khỏe mạnh, ông Sơn tiếp tục cho vợ sinh thêm 3 gái, 2 trai vào các năm 2001, 2002, 2003, 2004 và 2007.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Sơn cho biết, nông dân này không nhớ hết tên các con mà ông đã đặt sau 16 lần cho vợ vượt cạn. Số lượng trai, gái trong nhà ông cũng không nắm rõ nếu không nhờ hàng xóm xung quanh thống kê giúp.
"Nhà nghèo, sinh nhiều con thì tụi nó mỗi đứa giúp mình một việc chứ có sao. Đâu có ai cấm mình đẻ", ông Sơn giãi bày.
Chuyến ra biển của các con ông Sơn - bà Nguyễn. Ảnh: Việt Tường. |
Cũng vì nghèo và đông con mà gần 3 ha đất được một hợp tác xã nuôi trồng thủy sản cấp cho gia đình đã được ông Sơn chuyển nhượng trong lúc túng thiếu. Không chỉ con ruột, mà các cháu nội, ngoại cũng lần lượt ra đời trong ốm đau, bệnh tật càng khiến gia đình người đàn ông này túng thiếu thêm.
Một buổi sáng trung tuần tháng 9, hơn 20 thành viên trong nhà ông Sơn đã làm "rộn ràng" cả xóm nghèo. Người lớn bàn nhau hướng đi mò cua, bắt ốc; trẻ em đùa giỡn và khóc la vang cả góc rừng phòng hộ.
"Ngoài vợ chồng tôi với 10 đứa con, còn có dâu, rể và các cháu nên vui lắm. Vất vả nhất là trong số 7 đứa cháu, có đứa thường xuyên ở bệnh viện, mà cha mẹ nó không làm gì ra tiền", ông Sơn chia sẻ.
Những ngày này, ông Sơn không được ai thuê đi làm nên cũng cùng các con ra biển bắt ốc. Tùy theo triều cường mà mỗi ngày một thành viên trong gia đình này kiếm được 15.000 đến 20.000 đồng.
Trưởng ấp Xung Thum B cho biết, gia đình ông Sơn quá nhiều con, cháu nên sổ hộ khẩu không ghi đủ tên mọi người. Ảnh: Việt Tường. |
Chính vì nhà nghèo, đông con nên ông Sơn cũng không cho các con, cháu đi học. Hai năm nay, thấy con trai út muốn đến trường nên người cha cho bé đi học nhưng không lên được lớp 2.
Ông Sơn Thành Kha, Trưởng ấp Xung Thum B cho biết, sinh con đông như gia đình ông Sơn là trường hợp hiếm gặp mà ông biết được trong 20 năm làm trưởng ấp. Ở xã Lai Hòa, ngoài bà Nguyễn thì phụ nữ sinh nhiều nhất cũng chỉ 10 lần.
"Chúng tôi nhiều lần đến nhà ông Sơn để vận động kế hoạch hóa gia đình nhưng không thành công. Ai nói gì ông cũng để ngoài tai, rồi nói 'trời sinh trời nuôi' và sinh nhiều thì ông ấy nuôi chứ có kêu ai nuôi giúp. Vợ ông này nhờ mụ vườn đở đẻ, không đi bệnh viện và nhiều đứa khó sống vì không được chăm sóc tốt", ông Kha nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.