Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Người phán xử' kết thúc lãng xẹt sau hành trình gây bão

Tập đoàn tội ác Phan Thị sụp đổ trong máu và nước mắt là kết thúc hợp lý, nhưng cách “Người phán xử” dẫn tới cái kết đó khá lãng xẹt và thiếu thuyết phục, để lại nhiều tiếc nuối.

'Người phán xử' tập cuối: Ông trùm giết chết con trai ruột Lê Thành Tập cuối "Người phán xử", ông trùm Phan Quân tự tay giết chết con trai ruột, tập đoàn Phan Thị sụp đổ, kết thúc đế chế hùng mạnh trong thế giới ngầm.

Khi Người phán xử lên sóng tập đầu tiên vào ngày 23/3 trên kênh VTV3, nhiều khán giả bình luận "Lâu lắm rồi mới có một bộ phim truyền hình đáng xem như vậy". Những tập sau đó, bộ phim về tâm lý tội phạm đầu tiên của màn ảnh Việt nhận được sự ca ngợi hết lời của truyền thông về kịch bản, diễn xuất, kỹ thuật làm phim.

Nhưng trái với hành trình gây bão mạng xã hội suốt 46 tập, tập cuối cùng của Người phán xử lại nhận chỉ trích dữ dội từ khán giả truyền hình. Không ít người trước đó nhận mình là "fan ruột" của bộ phim cũng phải ngao ngán "Kết thúc lãng xẹt đến thế là cùng".

tap cuoi Nguoi phan xu anh 1
Việc công bố danh tính của Bảo Ngậu trong một cuộc họp đông người được cho là thiếu thuyết phục.

Kịch bản tập cuối gây thất vọng

Thực tế, tập cuối Người phán xử không quá nhạt, cũng không chán đến mức khán giả phải tắt tivi. Thế nhưng, nếu không phải là "lãng xẹt" cũng khó tìm một từ khác để nói đúng được cảm nhận của số đông người xem.

Kịch bản tập 47 Người phán xử vốn tưởng sẽ có "nhiều đất dựng võ" vì trước đó tất cả nút thắt đã được siết chặt. Nhiệm vụ của người biên kịch và đạo diễn chỉ là lần lượt cởi những nút thắt, khiến khán giả đi từ bất ngờ này bất ngờ khác.

Thế nhưng, trên màn ảnh, tập cuối của bộ phim lại không thể hiện được điều đó. Những cái chết chóng vánh, những sự sắp đặt gượng gạo như "phim phải thế" và màn tiết lộ danh tính K3 thiếu thuyết phục đã đưa công chúng vào trạng thái "dở khóc dở cười".

Thế "Chột" năm lần bảy lượt thoát chết, Phúc "Hô" mưu mô thủ đoạn thâm độc nhưng lại chỉ kiểm tra những gói "hàng trắng" bên trên để rồi bỏ quên nguyên một quả bom ở bên dưới.

Chi tiết này bị coi là thiếu thuyết phục. Đó là còn chưa kể đến việc, tay chân của Lê Thành ngang nhiên vận chuyện một lượng ma túy lớn trong thân hình xăm trổ, giữa ban ngày ban mặt, xem chừng còn liều lĩnh hơn cả "xã hội đen" ở phim Hollywood.

Cảnh "quân" của Lê Thành hiên ngang tháo chạy trước mặt Phúc "Hô" và Thế "Chột", sau đó dính liền mấy phát đạn nhưng vẫn kịp nhấn nút thuốc nổ khiến khán giả truyền hình bật cười. Ngay sau đó, phim chuyển sang một cảnh khác đầy chóng vánh, chẳng ai biết số phận của hai tên trùm sẽ như thế nào. 

"Thuốc nổ mà chắc là chết đồng loạt", một khán giả bình luận, "không thể nhạt hơn".

Rõ ràng, tập cuối Người phán xử có một kịch bản không trau chuốt như phần đầu của bộ phim. Ngay cả chi tiết Bảo "Ngậu" ngồi họp cùng với đồng đội trong trang phục công an, được cấp trên giới thiệu là K3 cũng bị cho là thiếu chân thực.

Thông thường, danh tính của cảnh sát chìm không được tiết lộ nhanh chóng và theo cách "họp hành" như vậy. Ai dám đảm bảo rằng trong cuộc họp không có "Vũ Bắc thứ hai" vì Phan Quân là người có quan hệ với nhiều quan chức, công an. 

Hay như chi tiết Lương Bổng xuất hiện, không bắn Bảo "Ngậu" mà còn đưa cho anh cuốn sổ ghi chép tên những quan chức mà Phan Thị đút lót. Hành động tương đối "sáo rỗng".

Lẽ ra, với bản tính của Lương Bổng, ông ta sẽ sống chết tìm cách cứu Phan Quân thay vì xuất hiện và cung cấp thêm bằng chứng cho cảnh sát để buộc tội ông trùm (lúc này, ông trùm mới chỉ bị bắt, chưa ra tòa, chưa bị buộc tội).

tap cuoi Nguoi phan xu anh 2
Cảnh bom nổ trong phim chưa thực sự thuyết phục được người xem.

Cảnh bom nổ chưa chân thực, diễn xuất có sự chênh lệch

Tập cuối Người phán xử có hai cảnh nổ bom nhưng cả hai đều bị nhận xét là thiếu chân thực. Quả bom ở Phan Thị được gài vào trong chiếc bánh sinh nhật, không làm sát thương ai, cảnh vật xung quanh cũng không có nhiều thay đổi sau khi bom nổ.

Ấn tượng của người xem về hậu quả của quả bom chỉ là những khuôn mặt lấm lem như bôi nhọ xoong. Không có lửa cũng chẳng có khói. Đó còn chưa kể việc phim không hề giải quyết lý do tại sao cảnh sát lại biết Phan Thị bị gài bom khi mà chính Bảo "Ngậu" cũng không biết.

Cảnh bom nổ khi Thế "Chột" và Phúc "Hô" đang kiểm hàng cũng bị nhận xét tương tự. Điều này chỉ có thể được lý giải bằng việc phim Việt được đầu tư chưa tốt, các cảnh quay kỹ xảo cũng chưa đạt được như kỳ vọng.

Ngoài vấn đề về kịch bản, kỹ thuật làm phim, diễn xuất của một số diễn viên trong tập cuối cũng chưa làm khán giả hài lòng. Trong khi NSND Hoàng Dũng với cách thể hiện xuất thần trong cảnh đau đớn khóc thảm thiết trên xác con trai và cảnh nhìn cháu nội từ ô cửa kính xe cảnh sát, Hồng Đăng trong vai Lê Thành lại chưa thuyết phục được người xem.

Nỗi đau đớn khi bị bố đẻ bắn oan, người xem chưa thể cảm nhận được qua ánh mắt của Hồng Đăng. Việt Anh và Đan Lê cũng có những cảnh quay tình tứ tương đối gượng gạo khi vào vai Phan Hải và Diễm My.

Khi Diễm My gọi tên cu Hưng và không thấy con trai cũng không làm khán giả cảm nhận được tình mẫu tử sâu đậm. Rõ ràng trong suy nghĩ Diễm My lúc đó, cu Hưng có thể đã bị thương vì bom, và là người mẹ, nhẽ ra cô không thể bình tĩnh như vậy.

tap cuoi Nguoi phan xu anh 3
NSND Hoàng Dũng diễn xuất xuất sắc trong cảnh nhìn cháu nội từ cửa xe công an.

Kết thúc đau thương là cần thiết

Gác lại những điều đáng tiếc sang một bên, công bằng mà nói, tập 47 của Người phán xử cũng có những chi tiết khiến khán giả xúc động vì quá bi thương.

Đó là cảnh Phan Quân nhìn cháu nội với khuôn mặt đau khổ, ông trùm tỏ ra bất lực vì không biết làm cách nào khác. Đoàn xe chạy đi, đứa trẻ bị bỏ lại ở nơi không có bóng người.

Phan Thị nhận một kết thúc bi thảm chưa từng có, bà Hồ Thu đã chết, Phan Hải, Diễm My bị bắt mà không hề có lệnh, ông trùm cũng bị đưa đi. Chỉ có Phan Hương và Khải "Sở Khanh" là vẫn yên bình và khán giả cũng không thể biết được số phận của cặp vợ chồng này sẽ như thế nào.

Sự sụp đổ "đẫm máu" của đế chế Phan Thị khiến nhiều người không hài lòng. Nhưng chính NSND Hoàng Dũng cho rằng nó là một cái kết tất yếu và cũng để lại nhiều bài học cho các bạn trẻ. Xã hội đen cũng có tình cảm gia đình nhưng "giết người phải đền mạng", làm ăn phi pháp phải chịu sự trừng trị của pháp luật.

Tội phạm là tội phạm, không thể có tội phạm chính nghĩa và phi nghĩa. Khi xem Người phán xử, không ít khán giả đứng về phía Phan Quân thay vì Thế "Chột" hay Phúc "Hô". Nhưng rõ ràng, sự tàn độc của những ông trùm giang hồ này là ngang nhau. Và Phan Quân tay cũng đã nhuốm máu, cũng từng giết nhiều người.

Chỉ có điều là cách dẫn dắt của các nhà làm phim đến kết cuộc đó thiếu sự hợp lý và chặt chẽ cần thiết, khiến nhiều khán giả không cảm thấy bị thuyết phục. 

Người phán xử đã kết thúc hành trình gây bão màn ảnh trong tranh cãi. Nhưng để nhận những phản hồi chỉ trích như vậy chứng tỏ bộ phim này cũng đã được đón nhận nồng nhiệt, đạt kỷ lục rating trong lịch sử phim truyền hình.

'Người phán xử kết thúc chóng vánh hơn cả U22 Việt Nam bị loại'

Khán giả phản ứng dữ dội trước cái kết bất hợp lý của "Người phán xử". Một khán giả bình luận phim kết thúc "chóng vánh hơn cả U22 Việt Nam bị loại khỏi SEA Games".





Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm