Nơi ông Lê Minh Hải cùng đàn chim câu sống, công viên Biển Đông (đường Hoàng Sa, TP Đà Nẵng) là điểm đến thường xuyên của những chiến hạm chở những người lính Mỹ, Nhật… với súng đạn trên người.
Nhưng không phải xâm lăng như trong quá khứ mà đến để hát với người dân Đà Nẵng những ca khúc về đất nước, biển đảo...
Chăm chim như con
Ông là người gắn bó lâu nhất với lũ chim ở đây, những người trước cứ tới vài ba tháng là không chịu được công việc nhàm chán, buồn tẻ này nên bỏ đi. 6h sáng kiểm tra lồng chim, theo dõi phân, quét dọn chuồng, vệ sinh máng ăn, máng nước, bơm nước vào bể tắm, bể uống; 7h30 và 16h30 cho chim ăn; hai tuần phun thuốc trong chuồng một lần...
Cứ độ giao mùa, dịch bệnh tràn lan, ông phải theo dõi chim thường xuyên. Phát hiện dấu hiệu bất thường như biếng ăn, ủ rũ, phân lạ là lập tức cách ly, cho uống thuốc, triệu chứng nặng hơn thì phải báo cáo Ban quản lý để mời bác sĩ thú y về khám, chữa.
“Cũng còi và thóc ấy, nhưng vào tay người khác, chúng sẽ không xuống hết đâu”, ông Hải nói. Ảnh: Thanh Trần |
Vào mùa mưa, trời rét căm căm, ông mặc áo mưa lủi thủi dọn chuồng, che bạt cho chim. Rồi mùa lũ, triều dâng, cát lên lấp đầy sân công viên, ông lại hì hụi xúc cát, rửa sân lấy chỗ quăng thóc. Bão về, nhà cửa để vợ con lo, ông xông pha cùng anh em trong Ban ra trông coi đàn chim. Cả năm ông chỉ nghỉ được đôi ba ngày khi ốm đau, hoặc nhà có giỗ, còn không thì lễ, Tết, ông vẫn ra đây.
Có chút kiến thức học ở Trung cấp Chăn nuôi thú y Tam Kỳ (Quảng Nam) và đại học tại chức bác sĩ thú y của ĐH Nông Lâm Huế, ông cho chim ấp trứng đẻ, nhân giống từ 400 con ban đầu lên đến 1.200 con.
Số lượng nhiều, ông không cho chúng ấp nữa, sợ chim non dẫm đạp nhau và dễ lây lan dịch bệnh ảnh hưởng cả đàn. Chăm chúng từ lúc còn trong trứng đến lúc sải cánh bay giữa trời, ông coi chúng như con, hễ con nào bị thương, biếng ăn là hôm đó ông đứng ngồi không yên.
Trận bão Nari (số 11) năm ngoái cướp đi gần 400 chú chim câu. Ông rã rời. Đàn chim nhao nhác trước đợt gió quật điên dại, ông cũng chỉ biết căng bạt cho chúng tránh gió, tránh mưa, những con không về kịp thì đành chịu. Sau trận ấy, cứ mỗi độ chuyển trời, ông phải cho chim ăn sớm để kịp vào lồng.
Huấn luyện cho gần người
Năm 2009, vườn chim hòa bình tại Công viên biển Đông được xây dựng, những chú chim đầu tiên là bồ câu Pháp to lớn, lông rất mượt mà. Nhưng chúng không chịu nổi khí hậu khắc nghiệt ở đây, cứ chết dần, Ban quản lý phải thay bằng giống bồ câu ta. Bây giờ, cả đàn hơn ngàn con, trống nhiều hơn mái, với 7 lồng kiên cố làm mái nhà chung.
Hôm tôi đến, ba cặp cô dâu chú rể ngồi bên ghế đá đợi chim xuống ăn để chụp ảnh cưới. Nóng ruột, anh thợ ảnh tới năn nỉ ông “gọi” chim xuống sớm kẻo sợ tắt nắng. Ông xem đồng hồ, còn đến 15 phút nữa mới tới giờ ăn, nhưng thương họ tận Hà Nội vào, lỡ việc cũng tội nên đồng ý. Tôi mượn ông chiếc còi, tranh luôn thùng thóc để làm thử.
Hai hồi còi cất lên, chỉ chục chú chim xuống đất, thóc vung vãi cả sân, nhưng chúng e dè không dám lại gần. Ông mượn lại còi, ra giữa sân thổi một hồi, chim từ lồng tung cánh rợp trời, chao vài vòng rồi đáp xuống. Mấy đứa trẻ buông tay mẹ chạy theo chim, đưa tay đòi bắt.
Ba cặp cô dâu chú rể nhè nhẹ bước vào giữa cả ngàn con chim, tạo dáng chụp hình. Anh thợ ảnh hô to: “Chú vung thóc cao hơn giùm con, cao nữa chú ơi!”. Chừng nửa tiếng, chim ăn hết thóc, nhóm chụp ảnh cưới rối rít cảm ơn ông.
Ông cười: “Cũng còi và thóc ấy, nhưng vào tay người khác, chúng sẽ không xuống hết đâu, chúng quen tui rồi. Cứ cặp nào tới đây chụp ảnh cũng tìm tui hết, như “người nổi tiếng” rứa đó. Chim cứ thấy thóc ở đâu là bay theo, nên cứ mỗi lần họ chụp ảnh, tui đứng bên ngoài vung thóc cao lên để chim bay quanh cô dâu chú rể cho đẹp”.
Ông nói thêm, hồi trước, dù có ông, nhưng thêm một vài người lạ thì đàn chim chỉ xuống chừng một nửa, sau này, ông tập cho chúng dạn dĩ hơn, đậu trên vai, mổ thóc trong tay người lạ.
Mỗi lần Đà Nẵng có lễ hội diễn ra ở Công viên biển Đông, đàn chim câu ùa xuống xếp hàng, xếp chữ. Thóc được rải sẵn giữa sân theo hình chữ S, lá cờ, trái tim... Hồi còi đầu, chim xuống sân, hồi tiếp theo, tìm thóc, hồi sau nữa, tất cả khớp vào hàng lối, ngay ngắn và mải miết ăn, không bay nhảy lung tung. Lá cờ, chữ S... định hình.
Biểu tượng hòa bình
Chim câu có tài định vị và nhớ đường đi rất giỏi. Ông Hải cùng anh em trong Ban bắt thử vài chục con đánh dấu rồi đem lên núi Sơn Trà thả. Chừng một tiếng sau, chúng về đầy đủ hết. Từ đấy, cứ mỗi đợt lễ 30/4, 2/9, hàng trăm chú chim câu được tung lên trời, mang theo những điều ước.
Chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình. Biểu tượng ấy càng ý nghĩa hơn khi chúng trú ngụ ngay bên bờ biển Đông, mỗi ngày tung cánh qua hai đại lộ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Có đàn bồ câu, Công viên biển Đông - Đà Nẵng trở thành điểm chụp ảnh cưới lý tưởng |
Nơi chúng sống là điểm đến thường xuyên của những chiến hạm chở những người lính Mỹ, Nhật… với súng đạn trên người. Nhưng không phải xâm lăng như trong quá khứ mà đến để hát với người dân Đà Nẵng những ca khúc về đất nước, biển đảo...
Làm ở đây hơn bốn năm, ông Hải chứng kiến nhiều phụ huynh dẫn con tới, tay cầm đôi chim bồ câu nhờ ông thả chung với đàn, rồi giải thích cho các cháu hiểu tại sao lại nuôi chim bồ câu ở nơi này, kể câu chuyện về biển đảo, về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Ông Phan Uyên Minh, Trưởng Phòng Quản lý và khai thác du lịch biển (Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng), cho biết: “Trước đây, đàn chim bồ câu ở Công viên biển Đông thường bị bắt trộm, chết do dịch bệnh, cả Ban lo lắng vì đó không chỉ là nhiệm vụ của Ban, mà còn mang cả ý nghĩa hòa bình lớn lao.
Từ khi có anh Hải về, một tay anh gầy dựng đàn chim lớn hơn, con nào cũng khỏe mạnh và còn được huấn luyện cho dạn với người nữa. Có thể nói, không có anh, thì Ban rất khó tìm được người tận tụy, hết lòng để đảm trách công việc này”.