Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người nuôi gà bán 1, người dùng trả 3

Trong một tháng qua, giá gà công nghiệp tại các trại đã giảm từ 38.000 đồng/kg còn 16.000-17.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ ngoài các chợ hầu như không thay đổi.

Người nuôi gà bán 1, người dùng trả 3

Trong một tháng qua, giá gà công nghiệp tại các trại đã giảm từ 38.000 đồng/kg còn 16.000-17.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ ngoài các chợ hầu như không thay đổi.

Không chỉ với thịt gà, các mặt hàng nông sản khác, khâu trung gian cũng chính là nút thắt làm tắc nghẽn luồng lưu thông khiến cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi đều chịu thiệt.

Giá gà tại cơ sở giết mổ và chợ chênh nhau... 50%

Phải tăng giá để bù chi phí hàng ế

Nhiều tiểu thương cho biết hiện lượng thịt heo, thịt gà bán ra đang rất thấp nên phải bán giá cao, thậm chí tăng giá để khoản lời bù chi phí, hàng hóa ế ẩm. Trong khi đó ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, cho biết giá heo mà đơn vị này nhập tại các trại vẫn ở mức 39.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển, hao hụt lên mức 41.000 đồng/kg. Ông Mười cho biết thêm hiện doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh khuyến mãi để kéo sức mua, nếu hạ giá bình ổn xuống thì sẽ tiếp tục ép người nông dân bán giá thấp hơn nữa.

Sáng 17/5, chị Vân Anh (đường Lê Đức Thọ) ghé vào chợ Gò Vấp để mua đồ ăn cho gia đình. Tại sạp thịt gà, chị Vân Anh được người bán ra giá gà nguyên con là 43.000 đồng/kg, đùi gà là 50.000 đồng/kg, cánh gà gần 60.000 đồng/kg, món khoái khẩu chân gà thì lên tới 71.000 đồng/kg...

Sau một hồi trả giá, chị Vân Anh đã mua 1kg cánh gà với giá 58.000 đồng. “Giá như vầy là rẻ rồi, mấy hôm lễ giá lên cao tới trên 70.000 đồng/kg đấy” - chị Vân Anh cho biết.

Điều vô lý là cùng ngày 17/5, giá gà công nghiệp bán ra tại các trang trại vẫn ở mức 16.000-18.000 đồng/kg.

Theo cách tính của giới kinh doanh gà, mức giá này cộng với vận chuyển lên đến các trung tâm giết mổ tại Biên Hòa hoặc TP.HCM, giá thành con gà (sau giết mổ) sẽ ở mức 25.000 đồng/kg.

Các chủ vựa chế biến gà bán sỉ ở mức 28.000 đồng/kg (gà nguyên con). Thế nhưng, chỉ từ trung tâm giết mổ đến các điểm bán hàng (gồm siêu thị, cửa hàng, chợ lẻ) giá gà đã bị đẩy lên đến 38.000-42.000 đồng/kg, tức tăng thêm 35-50%. Các loại thịt pha lóc cũng có mức tăng tương tự từ nơi giết mổ đến khâu bán lẻ.

Khi được hỏi vì sao giá thịt tại các điểm đầu mối giảm nhiều mà tại đây vẫn giữ giá cao, bà Hạ - một tiểu thương tại chợ Tân Trụ (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, gà chủ yếu nhập rải rác từ các đầu mối riêng hoặc một số ít ra chợ đầu mối, và các tiểu thương chỉ ăn lời được vài ngàn đồng chứ không nhiều.

Trong thực tế từ ngày 17/5, giá gà tại trại giảm liên tục nhưng giá gà bán lẻ hầu như không giảm. Cụ thể, từ đầu tháng 5 đến nay, giá gà tại trại giảm 14.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ ngoài chợ lại tăng thêm 8.000 đồng/kg.

“Điều đó giải thích tại sao giá gà chúng tôi bán rẻ mà người tiêu dùng vẫn mua ít” - anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết.

Ai đang thao túng thị trường?

 
Trong khi giá gà công nghiệp tại trang trại rẻ như rau, thì giá gà bán lẻ tại chợ và siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.

Không chỉ ở các chợ lẻ, ngay các siêu thị và cửa hàng bán bình ổn, giá thịt cũng giữ ở mức cao khi giá đầu vào giảm mạnh trong thời gian qua.

Ghi nhận tại một số siêu thị cho thấy gà công nghiệp nguyên con đang có giá 41.000 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 61.900 đồng/kg, đùi tỏi 75.000 đồng/kg, cánh gà 79.500 đồng/kg, đùi gà góc tư 58.000 đồng/kg, chân gà 63.800 đồng/kg.

Trong khi theo tính toán của một chủ kinh doanh gà, giá bán phải ở mức thấp hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg mỗi loại mới hợp lý.

Tại cuộc họp bàn cách giải cứu ngành chăn nuôi ngày 16/5, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết bên cạnh thông tin dịch cúm thì chính tình trạng khâu trung gian cố tình giữ giá bán cao để hưởng lợi đã làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của người dân vốn đã yếu sẵn từ vài năm nay.

Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cũng cho biết sản lượng thịt đưa ra thị trường không tăng, thậm chí còn giảm so với năm ngoái. “Nhưng dù có rẻ bao nhiêu nhưng khâu bán lẻ vẫn giữ giá cao thì làm sao kích thích tiêu dùng được” - vị giám đốc này cho biết.

Một lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho biết hiện nay giá gà đang xuống dưới giá bán ra nhưng giá thị trường lại chưa xuống sâu, mức chênh lệch giữa giá bình ổn và giá thị trường vẫn trong khoảng hơn 10%. Vì vậy, Sở Tài chính vẫn đang theo dõi sát để có phương án điều chỉnh kịp thời.

Tương tự, giá thịt heo cũng đang xuống nhưng diễn biến lại khá chậm. Vị đại diện này cho biết đã trao đổi với một số đơn vị bình ổn trong ngành hàng này thì được biết giá thu mua vẫn chưa giảm.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm