Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người nước ngoài sẽ tăng mua nhà Việt Nam sau 1/8

Các quy định đối với giao dịch bất động sản của người nước ngoài tương tự Luật Nhà ở 2014, tuy nhiên Luật sửa đổi hiệu lực từ 1/8 được kỳ vọng có nghị định hướng dẫn chi tiết hơn.

Chuyên gia kỳ vọng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 sẽ hỗ trợ cho hoạt động mua bán bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chuyên gia kỳ vọng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 sẽ hỗ trợ cho hoạt động mua bán bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo Luật Nhà ở năm 2023, người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam có thể mua nhà và không bị hạn chế số lượng nhà có thể mua tại Việt Nam.

Tuy nhiên, luật quy định rõ người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số lượng căn hộ tại một tòa nhà chung cư, và không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trong một khu vực có quy mô dân số tương đương một phường.

Thời gian sở hữu tối đa 50 năm, được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm hoặc có thể chuyển sang sở hữu lâu dài nếu kết hôn với công dân Việt Nam.

4 triệu người nước ngoài và Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam

Về cơ bản, những nội dung này tương tự quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, tuy nhiên TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng Luật sửa đổi lần này đã làm rõ hơn nội dung liên quan đến hoạt động mua bán của người nước ngoài.

"Chúng tôi được biết Chính phủ đã xây dựng những nghị định hướng dẫn chi tiết để giúp những quy định về việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam rõ ràng hơn", vị chuyên gia chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Theo ông Đính, các quy định cũ vẫn tồn tại một số vướng mắc trong việc xin cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Việc thực thi cấp sổ hổng có những điểm chưa thuận lợi, khiến khách hàng nước ngoài còn nhiều e ngại.

Với khung pháp lý mới, ông hy vọng việc cấp giấy tờ cho người nước ngoài sẽ dễ dàng hơn, qua đó tăng niềm tin, duy trì lượng quan tâm của khách nước ngoài, tạo phân khúc thị trường tốt hơn mở rộng đầu ra cho các dự án.

TS Nguyễn Văn Đính cho rằng thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người nước ngoài sẽ dễ dàng hơn trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh.
luat nha o anh 1
luat nha o anh 1

TS Nguyễn Văn Đính cho rằng thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu cho người nước ngoài sẽ dễ dàng hơn trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thực tế, từ khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng năm 2015, đã có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tính đến hết quý III/2023, theo thống kê của Bộ Xây dựng. Phần lớn người mua đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.

Sản phẩm được giao dịch chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại và tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong đó, Hà Nội chiếm hơn phân nửa với 1.765 căn, TP.HCM 850 căn, còn lại là Bình Dương, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, chỉ riêng Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài. Trong đó, hơn 40% đến từ Trung Quốc, theo sau là Hàn Quốc chiếm 21%, còn lại là Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Anh.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng tổng số người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam vẫn còn rất ít so với nhu cầu. Thống kê của cơ quan này cho thấy có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều.

Không thể chi phối thị trường nhưng cần kiểm soát

Mặc dù nhu cầu của người nước ngoài khá lớn, thị trường giao dịch cũng đang trên đà sôi động, nhưng ông Đính nhấn mạnh người nước ngoài thường chọn phân khúc nhà ở cao cấp thay vì các dự án bình dân.

Do đó, giao dịch của người nước ngoài khó ảnh hưởng đến thị trường vì tỷ trọng sản phẩm được tham gia rất nhỏ, không đủ chi phối thị trường.

Theo tính toán của Hội Môi giới bất động sản, số lượng nhà ở được người nước ngoài mua tại Việt Nam kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở của cả nước giai đoạn 2018-2022.

Chúng tôi nghĩ rằng cần bổ sung các quy định dưới luật để kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản của người nước ngoài, như phải đăng ký doanh nghiệp hay đăng ký thuế

TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Tuy nhiên, ông Đính lưu ý các hoạt động đầu tư của người nước ngoài để kiếm lời đã xuất hiện. Hiện Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Trước đó, trong báo cáo "Hai thập kỷ phát triển đô thị" được công bố hồi đầu năm, CBRE Việt Nam cũng cho biết phần lớn khách hàng nước ngoài mua bất động sản Việt Nam thông qua đơn vị này đều có mục đích đầu tư, chờ tăng giá tài sản kiếm lời.

"Số ít sẽ cho thuê căn hộ của mình như một giải pháp tạm thời trong khi chờ mức giá bán tăng. Không thật sự nhiều người nước ngoài, chủ yếu là những người có kế hoạch sinh sống lâu dài ở Việt Nam sẽ mua nhà với mục đích để sử dụng cho bản thân mình", các chuyên gia tại CBRE nhấn mạnh.

Về loại hình sản phẩm, đơn vị này cho biết có đến 90% khách hàng nước ngoài của họ mua căn hộ chung cư, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội. Các dự án có vị trí đẹp và mức giá phù hợp, có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ trong tương lai cũng là sở thích đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Giờ đây, bên cạnh động lực từ Luật Nhà ở, thị trường bất động sản còn kỳ vọng vào Luật Đất đai 2024 với những thay đổi mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ khuyến khích người nước ngoài và Việt kiều gia tăng sở hữu nhà ở, cũng như đến sinh sống, làm việc và đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

"Chúng tôi nghĩ rằng cần bổ sung các quy định dưới Luật để kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản của người nước ngoài, như phải đăng ký doanh nghiệp hay đăng ký thuế", ông Đính nêu ý kiến.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bài liên quan

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm