Đại diện một tập đoàn tài chính lớn của Mỹ United Technologies, ông Eric Prieur, cho biết nhiều lần ông đã đến Việt Nam tham dự các chuyên đề, hội thảo về thực phẩm sạch. Mỗi lần qua Việt Nam, ông đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều loại trái cây ngon của Việt Nam như: chuối, măng cụt, mãng cầu...
“Trái cây Việt rất phong phú và ngon miệng. Tôi mua nhiều loại mang về nước giới thiệu cho bạn bè, họ khá thích thú. Họ hỏi chúng tôi địa chỉ để mua những loại trái cây này và cách để kiểm tra được nguồn gốc”, ông Eric Prieur nói.
E dè nguồn gốc
Người nước ngoài e dè nông sản Việt vì bị đội lốt. Ảnh: Thạch Thảo |
Thực tế, nguồn gốc đang cản bước rau quả trở thành một sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.
Tại Hội thảo với chủ đề “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh”, nhiều nhà đầu tư, đại diện tập đoàn của nhiều quốc gia cho biết họ e dè vì nguồn gốc rau quả khi nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Kato Ryoji - đại diện chợ đầu mối OTA của Nhật Bản, cho biết thị trường Nhật rất khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm nhập khẩu đặc biệt là nông sản, thực phẩm. Để cạnh tranh tốt với các quốc gia cùng cung ứng mạnh nông sản như Thái Lan, Philippine,… ngoài chất lượng, giá cả cạnh tranh thì nguồn gốc của sản phẩm Việt luôn được các đối tác nước ngoài quan tâm.
“Nhiều loại trái cây nhiệt đới người Nhật không tự sản xuất được, phải nhập khẩu từ nước ngoài như Việt Nam. Tuy nhiên điều chúng tôi quan tâm là chất lượng và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc của sản phẩm”, ông Kato Ryoji nói.
Hiện nay, các loại trái cây và rau củ đặc biệt của Việt Nam xuất khẩu vẫn còn nhỏ lẻ. Chất lượng rau củ vẫn bị xem nhẹ, mập mờ trong nguồn gốc cũng như chất lượng rau quả. Điều này khiến người Nhật lo ngại và dè chừng.
Cũng theo ông Ryoji, để trái cây xuất khẩu ra nước ngoài, khâu sơ chế là quan trọng nhất. Nó quyết định phần lớn việc một loại trái cây, hoặc nông sản có đủ tiêu chuẩn để ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính.
“Hiện nhiều nơi của Việt Nam nông sản phải sử dụng nhà máy sơ chế của Trung Quốc, khiến chúng tôi quan ngại”, ông Ryoji nhấn mạnh.
Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, một thị trường nhập khẩu tương đối lớn của Việt Nam, cũng không tránh khỏi những lo ngại về chất lượng sản phẩm.
Đại diện tập đoàn nhập khẩu và phân phối nông sản lớn của Hàn Quốc - ông Chun, cho biết ngoài quan ngại về hàng hóa đội lốt Trung Quốc thì vấn đề hóa chất tồn dư trong nông sản cũng đặc biệt được chú ý trong việc nhập khẩu của nông sản Việt Nam.
Ông Chun dẫn ví dụ về trái đu đủ, hay trái xoài Việt Nam “dính” nhiều tin đồn về việc tồn dư hóa chất khi thu hoạch, hoặc bao bì sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc thu hút sự chú ý của thị trường Hàn Quốc.
“Tôi hy vọng với những sản phẩm xuất khẩu qua Hàn Quốc, Việt Nami kiểm soát về chất lượng, đặc biệt chất lượng quản lý của nguồn cung cấp”, ông Chun cho hay.
Rộng đường cho rau củ Việt đến quốc tế
Nhận định những khó khăn đến từ nguồn cung sạch, an toàn và rõ ràng của lượng rau củ xuất đi, nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến cần xây dựng chuỗi cung ứng rau củ sạch để đảm bảo rau quả luôn được xuất khẩu mà không bị trả về.
Một chuyên gia người Nhật cho rằng Việt Nam cần phải tìm mọi biện pháp để tạo lòng tin cho khách hàng vì thực phẩm sạch rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của họ.
“Chúng ta phải rõ ràng từ công tác trồng trọt, chăn nuôi đến đóng gói và bao bì cho sản phẩm để tạo lòng tin cho khách hàng,… Đặc biệt hơn là giá trị gia tăng, ở mỗi công đoạn để nhằm định giá ở từng công đoạn sản xuất ra sản phẩm”, chuyên gia nói thêm.
Hiện tại Việt Nam đã áp dụng hình thức chuỗi cung ứng nhưng còn gặp rào cản lớn. Nông dân gặp khó trong chuỗi cung ứng do sự tham gia của thương lái khiến họ không thể dự toán lợi nhuận, không có thông tin thị trường tiêu thụ dẫn đến chần chừ trong việc đầu tư.
Tại Tây Ninh, mô hình thí điểm sau 6 tháng đã mang lại nhiều kết quả khả quan, với diện tích 41,5 ha trồng rau củ quả áp dụng chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp. Ảnh: T.N |
Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đã có hơn 10 nhà đầu tư cam kết rót 15.000 tỷ vào chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh từ năm 2017-2020.
“Tây Ninh đã chuẩn bị đủ điều kiện để trở thành mô hình điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị hội nhập sâu, rộng thị trường thế giới”, ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, các nông sản phẩm tiêu thụ chủ yếu và chế biến ở dạng thô, không có thị trường ổn định và nhiều sản phẩm chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của quốc gia và quốc tế. Chuỗi giá trị một số ngành hàng chưa phát triển. Điều này khiến doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, hiệu quả kém.
“Do lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp”, ông Tân cho biết.
Với mục tiêu xây dựng lại thương hiệu rau củ Việt trên trường quốc tế và giải quyết những nỗi lo nông sản sạch cho người dân, mô hình chuỗi cung ứng được đánh giá là đáp ứng được nhiều tiêu chí quốc tế.
Tây Ninh đặt mục tiêu trở thành vựa rau sạch thứ 2 của Việt Nam, sau Lâm Đồng, nơi cung cấp rau sạch cho các thành phố lớn, đặc biệt là cho TP.HCM.