Không tiệc tùng, không gia đình, hàng quán đóng cửa,… đa phần người nước ngoài chọn du lịch như một cách để “đốt” những ngày nghỉ Tết dài. Đối với những người chọn cách ở lại Hà Nội, họ tìm thấy cho riêng mình những lý do để khám phá và thêm yêu nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt.
Một Hà Nội rất khác
Với những người chưa từng đón năm mới âm lịch ở Việt Nam, thứ khiến họ choáng ngợp hơn cả chính là không khí náo nhiệt, ồn ào của đường phố những ngày trước Tết.
Anh Stewart Russell, một giáo viên người Anh, bị sốc bởi giao thông Hà Nội, đặc biệt là những xe máy chở đào, quất trên phố.
Người Hà Nội tất bật mua sắm trước Tết. Ảnh: Tiến Tuấn. |
“Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho giao thông những ngày này, nhưng khoảng 2 tuần trước Tết, tôi thực sự bị choáng váng vì có quá nhiều xe cộ, người ta vận chuyển mọi thứ cồng kềnh bằng xe máy”, anh chia sẻ.
Giáp Tết, nhiều tuyến đường Hà Nội được trang hoàng lộng lẫy với các loại hoa và đèn rực rỡ. Dù bận rộn với công việc, nhiều người nước ngoài vẫn không quên tận hưởng bầu không khí lễ hội đặc biệt này. Họ thường tản bộ ở những khu vực trung tâm thành phố sau giờ làm việc để ngắm nhìn đường phố và sự hối hả của người Việt trước thềm năm mới.
“Tôi thường đi loanh quanh xem mọi người làm gì mỗi ngày, những ngày này (giáp Tết) rất đặc biệt với họ. Mọi người mua hoa quả, cây hoa và nhiều thứ khác để trang trí nhà cửa. Đường sá đông đúc, chợ cũng vậy. Tôi thấy rất vui và rất thích tận hưởng điều đó”, Kang Samphos Phuong, du học sinh người Campuchia ở Việt Nam, chia sẻ.
Ngược lại với những ngày trước Tết, khoảng thời gian trong Tết được coi là dịp hiếm hoi Hà Nội trở nên yên bình và tĩnh lặng. Vì vậy nhiều người nước ngoài chọn ở lại thành phố thay vì đi du lịch để tận hưởng không khí này.
Russell chia sẻ dù đã sống ở Việt Nam 2 năm nhưng đây là lần đầu tiên anh đón Tết. Khung cảnh vắng vẻ ở trung tâm thành phố vào sáng mùng 1 Tết là điều anh muốn tận mắt trông thấy.
“Đây sẽ là những ngày duy nhất trong năm tôi có thể tự tin đi xe máy ra đường, giao thông không hỗn loạn, mọi người dường như vui vẻ và thân thiện hơn trong ngày Tết”, anh nói.
Sáng mùng 1 Tết ở Hà Nội. Ảnh: Zing.vn. |
Nhiều người nước ngoài cho biết sẽ không đón Giao thừa. Thay vào đó, họ sẽ dậy sớm và lái xe quanh thành phố để ngắm nhìn những con đường không bóng người vào sáng đầu tiên của năm mới.
Hà Nội ngày Tết dù nhộn nhịp hay vắng lặng đều mang vẻ đẹp riêng trong lòng mỗi người nước ngoài.
Tết không cô đơn
Xa gia đình trong những ngày người Việt sum họp, nhiều người nước ngoài có cách đón Tết riêng. Nhớ nhà, hay đôi lúc có cảm giác cô đơn, nhưng ai cũng cố gắng tận hưởng không khí năm mới một cách trọn vẹn.
“Đôi khi tôi cảm thấy buồn vì không có nhiều bạn bè ở Hà Nội vào dịp Tết. Tôi nhớ nhất cảm giác đón cái Tết đầu tiên trong tiết trời se lạnh. Bạn gái người Việt dẫn tôi về thăm gia đình cô ấy. Bữa tối thịnh soạn với bánh chưng, giò,... và rượu. Người Việt Nam thường uống rượu khi chúc tụng nhau”, Dhanuka Karunasena, du học sinh Sri Lanka, nhớ lại.
Đây là lần thứ 3 Karunasena đón Tết cổ truyền của Việt Nam. Năm ngoái, anh chàng uống champagne cùng vài cậu bạn trong ký túc xá vào thời khắc giao thừa.
Karunasena cũng từng đi chùa và tham gia một vài lễ hội ở ngoại thành Hà Nội trong những ngày đầu năm. “Không khí rất tuyệt và có rất nhiều thứ mới mẻ”, anh nói.
Giống như Karunasena, Russell sẽ cũng đón Tết trong niềm hạnh phúc lứa đôi. “Ngày hôm qua, chúng tôi đi mua quất sau cả buổi dọn dẹp nhà cửa. Tôi mua mứt hoa quả làm quà cho gia đình cô ấy và chuẩn bị phong bao lì xì cho những ngày đầu năm mới”.
Anh cho biết ngoài niềm vui đón Tết trong không khí gia đình, anh cũng nhận được lời mời du Xuân từ những đồng nghiệp người Việt.
Sang Việt Nam chưa đầy một năm nhưng Phuong rất háo hức chờ đón cái Tết đầu tiên tại Hà Nội.
Phuong cùng bạn bè ăn tiệc tất niên 2016. Ảnh: Bá Khiêm. |
“Tôi thực sự rất nhớ gia đình vì ngày lễ mừng năm mới của người Khmer cũng diễn ra trong thời điểm này. Tôi sang Việt Nam qua một chương trình trao đổi, hiện giờ chưa thể về được vì chi phí đắt đỏ. Nhưng tôi vẫn vui vì có dịp tận hưởng không khí Tết ở đây”.
Cô gái 22 tuổi đang chuẩn bị cho chuyến thăm nhà của một người bạn Việt Nam vào ngày 30 Tết. “Cũng chưa rõ là sẽ làm gì nhưng tôi rất thích thú. Có lẽ tôi sẽ ở đó trong 2 ngày”. Phuong chia sẻ điều cô tò mò nhất chính là những phong tục của người Việt trong ngày đầu năm mới.
Trong khi nhiều người nước ngoài đón Tết cùng người yêu hay bạn bè, Susanne Miranda, Đan Mạch, lại chọn cách đi du lịch.
“Tôi cùng một người bạn đang lên kế hoạch du lịch Sapa trong Tết này. Đây là dịp hiếm hoi được nghỉ dài ngày để tôi có thể tham quan những thắng cảnh của Việt Nam”.
Miranda thích cảm giác được tận mắt chứng kiến người Việt tất bật mua sắm Tết. “Tôi liên tưởng đến không khí mừng năm mới của người phương Tây hay ngày Giáng sinh. Tôi nghĩ mình có cảm giác giống người Việt Nam ăn Tết ở nước ngoài”.
Cô giáo trẻ không quên khen món bánh chưng Việt Nam. Cô từng được xem người dân gói bánh chưng trên phố khi đi cùng những học sinh người Việt.