Bắt đầu từ bóng chuyền chuyên nghiệp, vụ bê bối bắt nạt học đường gần đây đã nhấn chìm làng giải trí Hàn Quốc. Tên tuổi của một số ngôi sao Kpop và diễn viên điện ảnh, truyền hình đang trở thành tiêu điểm trên khắp đất nước Hàn Quốc.
Tuần trước, hai cầu thủ bóng chuyền nổi tiếng là chị em sinh đôi Lee Jae Yeong và Lee Da Yeong của đội Heungkuk Life Pink Spiders, phải đứng trước tòa án thừa nhận quá khứ bạo lực học đường.
Bài viết tố cáo hành vi bạo lực của người nổi tiếng lan rộng
Các cáo buộc tương tự cũng được đưa ra để chống lại một số vận động viên bóng chày chuyên nghiệp của Hanhwa Eagles và Doosan Bears. Kể từ đó, vấn đề bạo lực học đường lan rộng sang cả lĩnh vực giải trí.
Cho Byung Kyu - ngôi sao của loạt phim truyền hình ăn khách như Sky Castle (2018), The Uncanny Counter (2020) bị buộc tội hành hung một số bạn cùng trường khi anh đang học ở New Zealand. Công ty quản lý của nam diễn viên liên tục bác bỏ và cho biết Cho Byung Kyu đã nhận được lời xin lỗi từ người tố cáo. Bài viết kể tội nam diễn viên hiện cũng bị xóa.
Nữ diễn viên Park Hye Soo - người đóng vai chính trong bộ phim hài Samjin Company English Class (2020) - cũng bị cho là thủ phạm của bạo lực học đường. Công ty quản lý của Park Hye Soo phủ nhận các cáo buộc và cho biết thực hiện các hành động pháp lý chống lại những lời vu khống.
Phim của Park Hye Soo bị ảnh hưởng sau cáo buộc bắt nạt. |
Tuy nhiên, ngày 24/2, ê-kíp thực hiện phim Dear.M do Park Hye Soo đóng chính thông báo hoãn thời gian lên sóng. Lý do là những tranh cãi gần đây xung quanh nữ diễn viên chính.
“Chúng tôi mong sự thông cảm từ khán giả đã chờ đợi bộ phim. Để kiểm tra kỹ lưỡng vấn đề gần đây của một thành viên trong đoàn phim và đảm bảo chất lượng bộ phim, chúng tôi quyết định lùi ngày lên sóng Dear.M”, ê-kíp thông báo. Ban đầu, Dear.M được lên kế hoạch phát sóng ngày 26/2.
Kim Dong Hee - diễn viên xuất hiện trong loạt phim ăn khách như Itaewon Class (2020) và Ngoại khóa (2020) - cũng không tránh khỏi tranh cãi. Đặc biệt, có ít nhất 10 ngôi sao Kpop bao gồm HyunA, Kim So Hye, Hyun Jin (Stray Kids), Ki Hyun (Monsta X), Chuu (Loona), Soo Jin (G)I-DLE… cũng được nhắc đến trong các khiếu nại về bạo lực học đường trên mạng tuần qua.
Các công ty giải trí cương quyết phủ nhận những cáo buộc và nhấn mạnh sẽ xử lý người tung tin đồn thất thiệt bằng hành động pháp lý. Nhưng những bài viết tiết lộ hành vi bạo lực trong quá khứ của giới thần tượng, diễn viên liên tục xuất hiện trên các cộng đồng trực tuyến và mạng xã hội. Nhiều thần tượng đang phải tạm dừng hoạt động trước làn sóng chỉ trích, tẩy chay của cộng đồng mạng.
Chiều 24/2, Hyun Jin không tham gia màn trình diễn của Stray Kids tại sự kiện Y Forum 2021 của MBN. Nhóm nhạc biểu diễn với đội hình 7 thành viên mà thiếu vắng nam thần tượng sinh năm 2000.
Hyun Jin vắng mặt trong buổi biểu diễn của Stray Kids. |
Về sự vắng mặt của Hyun Jin, JYPE tuyên bố: "Như đã thông báo trước đó, chúng tôi đang cố gắng tìm ra sự thật. Vì một số lý do, Hyun Jin không thể tham gia sự kiện vào thời điểm này. Lịch trình tương lai của cậu ấy được quyết định tùy theo tình hình".
Tờ Yonhap News ví sự lan truyền của những tin tức bạo lực trên nhiều lĩnh vực ở Hàn Quốc hiện tại như cháy rừng.
Bắt nạt học đường - vấn nạn nhức nhối tại Hàn Quốc
Các chuyên gia nói với Yonhap News việc tố cáo trên mạng xã hội không phải chuyện mới trong ngành giải trí Hàn Quốc, mặc dù câu chuyện về quá khứ tương đối yếu so với hiện tại. Tuy nhiên, những bài viết về vấn đề này liên tục xuất hiện vì vấn nạn bắt nạt học đường chưa được giải quyết triệt để trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc.
Một cuộc khảo sát vào năm 2019 của chính phủ Hàn Quốc cho thấy trong 100 học sinh tiểu học và trung học ít nhất một người bị bắt nạt hoặc lạm dụng.
Nhà phê bình văn hóa Kim Heon Shik nói với Yonhap News: “Bạo lực trong trường học về nguyên tắc phải được giải quyết bởi hệ thống trường học. Nhưng tổ chức công không hoạt động hiệu quả và các nạn nhân đang phải tự đòi lại công bằng bằng các phương tiện cá nhân”.
Hàng loạt người nổi tiếng bị tố bắt nạt bạn học. |
Trên hết, nhà phê bình cho rằng người hâm mộ cần yêu cầu nền tảng đạo đức cao hơn đối với những người nổi tiếng. Kim Heon Sik nhấn mạnh ảnh hưởng toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đang ngày càng tăng. Theo nhà phê bình, khán giả nước ngoài có thể nghĩ rằng các ngôi sao, thần tượng đại diện cho đất nước này.
"Ngày nay, một ca sĩ hoặc diễn viên Hàn Quốc có thể xuất hiện đồng thời trên nhiều nền tảng nước ngoài. Vì vậy, mọi người muốn họ trong sạch về mặt đạo đức", Kim Heon Sik nhận định.
Ông nói thêm: “Các công ty quản lý phải xem xét lại chiến lược tuyển dụng và thiết lập hệ thống sàng lọc hiệu quả hơn khi chọn thực tập sinh”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng tỏ ra thận trọng trước những cáo buộc sai trái. Ông nói rất khó để xác minh những bài đăng trực tuyến có đúng hay không. “Nhưng những cáo buộc vô căn cứ như vậy vẫn đủ mạnh để trở thành một hình phạt công khai và gây thiệt hại cho sự nghiệp của những ngôi sao đang lên”, Kim Heon Sil cho biết.
Ông nói: “Những bài viết từ tài khoản ẩn danh trên các cộng đồng trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội vẫn chưa rõ tính chính xác. Nhiều người thậm chí không hiểu rõ bắt nạt là gì. Điều nguy hiểm là công chúng có thể bị lay động bởi những mô tả chủ quan và ký ức không rõ ràng của nạn nhân, nhân chứng".