Các nhà khoa học ở Trung Quốc cho biết nghiên cứu của họ về đợt bùng phát Covid-19 ở miền Nam nước này trong năm nay đã làm sáng tỏ lý do khiến biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng hơn, cũng như gây triệu chứng nhanh hơn cho người nhiễm, theo South China Morning Post.
Trong một bài báo được đăng trên Virological.org vào đầu tháng này, các nhà nghiên cứu cho biết biến chủng Delta phát triển nhanh hơn bên trong cơ thể, và khiến người nhiễm phát tán ra lượng virus nhiều hơn 1.260 lần so với chủng gốc.
Sự sinh sôi nhanh và nhiều này cũng khiến rút ngắn thời gian virus đạt đến mật độ có thể xét nghiệm ra được.
Biến chủng Delta lây lan mạnh trên toàn thế giới, gây áp lực lên hệ thống y tế của nhiều nước. Ảnh: AFP. |
Nghiên cứu chưa được bình duyệt từ các nhà khoa học khác.
“Những dữ liệu này nhấn mạnh rằng biến chủng Delta có thể dễ lây lan hơn trong giai đoạn đầu khi một người vừa nhiễm virus”, bài báo viết.
“Khả năng lây truyền cao hơn của các ca nhiễm biến chủng Delta trong giai đoạn tiền triệu chứng cho thấy sự cần thiết phải cách ly kịp thời đối với các trường hợp nghi nhiễm, hoặc trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân trước khi những người này khởi phát bệnh hoặc bị phát hiện nhiễm virus qua sàng lọc PCR”.
Cơ chế “nhanh” và “nhiều”
Biến chủng Delta, lần đầu được xác định ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, đã quét qua 124 quốc gia và được xem là biến chủng dễ lây lan nhất của virus SARS-CoV-2.
Nó cũng là trung tâm của một đợt bùng phát hồi giữa tháng 5 ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu, bao gồm Li Yan từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quảng Đông và Oliver Pybus từ Đại học Oxford, cho biết họ đã tận dụng đợt bùng phát đó để nghiên cứu về khả năng lây lan của virus.
Từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên trong đợt dịch ở Quảng Đông vào ngày 21/5, cho đến khi cụm dịch được ngăn chặn vào đầu tháng 6, các nhà chức trách đã thực hiện khoảng 30 triệu xét nghiệm trong nhóm dân số có nguy cơ cao.
Mọi trường hợp nhiễm, nghi nghiễm được cách ly bất kể họ có triệu chứng hay không. Người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính ngay lập tức được truy tìm, đưa đi cách ly tập trung, và xét nghiệm hàng ngày.
Một điểm xét nghiệm tập trung ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 30/5. Ảnh: Reuters. |
Các nhà nghiên cứu cho biết việc giải mã sâu trình tự toàn bộ gene được thực hiện trên tất cả trường hợp nhiễm virus đã được xác định. Tất cả trình tự có thể được truy nguyên về mặt di truyền đối với trường hợp đầu tiên, mang đến “cơ hội duy nhất để chúng tôi xác định đặc điểm lây truyền virus ở quy mô tốt hơn”.
Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số ca nhiễm bị lây từ người mang mầm bệnh chưa có triệu chứng, và thời gian từ khi tiếp xúc với nguồn lây đến khi xét nghiệm được ra virus là 4 ngày, và ngắn nhất là 3,7 ngày.
Trong một nghiên cứu tương tự về đợt bùng phát Covid-19 liên quan đến chủng gốc của virus SARS-CoV-2 vào năm ngoái, thời gian từ khi tiếp xúc nguồn lây đến khi xét nghiệm được virus trong cơ thể là khoảng 6 ngày.
Lượng virus ở các ca nhiễm biến chủng Delta cao hơn gấp 1.260 lần so với những ca nhiễm chủng gốc.
Angela Rasmussen, nhà khoa học thuộc Tổ chức Vaccine và Bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Tiêm chủng Quốc tế ở Canada, cho biết nghiên cứu đã cho thấy cơ chế đằng sau khả năng lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta là “nhiều” và “nhanh”.
Rasmussen viết trên Twitter: “Nếu có nhiều virus xung quanh, nó sẽ dễ dàng lây lan hơn. Nếu người nhiễm phát tán ra lượng virus nhiều hơn 1.000 lần, xác suất người tiếp xúc gần bị lây bệnh sẽ cao hơn. Khi mọi người bị lây nhiễm nhanh hơn sau khi tiếp xúc nguồn lây, họ có thể có nhiều cơ hội lây tiếp cho người khác hơn".
Hiệu quả của vaccine với biến chủng Delta
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, biến chủng Delta hiện chiếm 83% số ca Covid-19 ở Mỹ. Các nhà khoa học Anh ước tính biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 40% đến 80% so với biến chủng Alpha - được xác định lần đầu ở Anh vào năm ngoái.
Các loại vaccine đã được phê duyệt hiện tại dường như vẫn có tác dụng chống lại biến chủng Delta.
Một bài báo được đăng trên tạp chí Y học New England cho biết vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả 88% chống lại bệnh có triệu chứng từ biến chủng Delta và vaccine AstraZeneca có hiệu quả 67%.
Một điểm tiêm vaccine ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, dữ liệu của chính phủ Israel thu thập trong tháng qua cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và các triệu chứng nhẹ từ biến chủng Delta đã giảm xuống còn 40% vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Con số này từ tháng 1 đến đầu tháng 4 là 95%.
Dẫu vậy, vaccine vẫn hiệu quả đến 91% trong việc ngăn ngừa nhập viện và 88% trong việc ngăn ngừa triệu chứng nặng, Bộ Y tế Israel cho biết vào tuần trước.