Đầu tháng 2/2021, người dân Nhật phẫn nộ, kêu gọi ông Yoshiro Mori (83 tuổi) - Trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo - từ chức vì nhận thức lạc hậu về bình đẳng giới.
Trong một cuộc họp hội đồng, khi được hỏi về việc gia tăng sự đa dạng giới giữa các thành viên, ông Mori nói: "Bộ Giáo dục đã rất kiên quyết trong việc lựa chọn nữ bộ trưởng, nhưng một cuộc họp hội đồng sẽ phải kéo dài nếu có nhiều phụ nữ".
Phát biểu này đã gây tranh cãi và ngay lập tức tạo ra làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội. Ngày 12/2, ông Yoshiro Mori tuyên bố từ chức. Người thay thế ông là bà Seiko Hashimoto (56 tuổi), cựu vận động viên và hiện là bộ trưởng Olympic trong nội các của Thủ tướng Yoshihide Suga, theo New York Times.
Ông Yoshiro Mori buộc phải từ chức vì phát ngôn phân biệt giới tính. Ảnh: Reuters. |
Đối với nhiều người, điều này là một tín hiệu đáng mừng cho thấy hệ thống phân cấp dựa trên độ tuổi cứng nhắc của Nhật Bản dần bị mai một.
Nhiều người trẻ ở xứ sở hoa anh đào cảm thấy ngột ngạt khi sống trong một xã hội mà những công việc nhàn hạ lại được trả lương hậu hĩnh, phụ thuộc vào số năm công tác hơn là thành tích.
Không ít nhà lãnh đạo quyền lực thuộc giới chính trị, kinh doanh đang ở độ tuổi 70-80 hoặc thậm chí 90 tuổi.
Trao quyền cho người trẻ
“Với những người trẻ tuổi, tôi nghĩ đây là động lực khuyến khích chúng tôi thay đổi tình trạng này trong xã hội. Bản kiến nghị ông Mori từ chức đã thu hút được hơn 150.000 chữ ký. Điều đó đã trở thành nguồn năng lượng để giới trẻ tiếp tục hành động”, Momoko Nojo (22 tuổi), sinh viên ngành kinh tế tại Đại học Keio, nói với New York Times.
Trước làn sóng tranh cãi kịch liệt, ông Mori vẫn khẳng định không có kế hoạch từ chức.
Khi cố gắng lấy lại cảm tình của công chúng bằng một bài đăng xin lỗi, ông nhận được nhiều lời trách móc. Không ít người gọi ông là “rougai” - thuật ngữ chỉ những người lớn tuổi được coi là gánh nặng nhưng lại hay chê bai nhân viên trẻ hơn.
Thế nhưng, ngay cả khi việc “nhường sân cho lớp trẻ” nhận được sự quan tâm rộng rãi, quá trình thay đổi vẫn có thể diễn ra chậm hơn.
“Sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra trong xã hội nhưng quyền lực trong chính trị, kinh doanh và các tổ chức nói chung vẫn thuộc về những ông lão thâm niên”, Koichi Nakano, nhà khoa học chính trị tại Đại học Sophia, nói.
Hệ thống phân cấp theo thâm niên khiến người trẻ không tìm được cơ hội tỏa sáng. Ảnh: Reuters. |
Hơn 1/4 dân số nước Nhật có độ tuổi từ 65 trở lên. Người Nhật có xu hướng sống lâu và có sức khỏe tốt hơn những nước khác. Vì thế, một số giá trị lỗi thời của thế hệ cũ lại chiếm ưu thế trong số đông.
Jesper Koll, cố vấn cấp cao của Công ty đầu tư WisdomTree, người đã sống ở đất nước mặt trời mọc hơn 3 thập kỷ, cho biết: “Thâm niên và tuổi tác vẫn quan trọng hơn khả năng. Nhật Bản là quốc gia hàng đầu về việc thúc đẩy vị trí của một người. Thứ hạng không phải là khả năng, mà chủ yếu nằm ở tuổi tác".
Hệ thống thâm niên tồn tại vì nó mang lại cảm giác an toàn. Mọi người biết rõ con đường phía trước và các giá trị được khắc sâu trước khi họ gia nhập lực lượng lao động. Sự phân cấp được thực thi ngay cả đối với trẻ em.
Ryutaro Yoshioka (27 tuổi) kể khi còn đi học, anh phải nghe theo các đàn anh khóa trước để yên ổn. “Khi tới lượt bạn trở thành đàn anh, mọi người sẽ phải lắng nghe bạn. Tương tự, tại nơi làm việc, những nhân viên ở lại đến cùng với công ty cũng sẽ có ngày vươn lên”.
Giờ đây, khi làm việc trong một công ty quảng cáo lớn, anh nhận thấy những hạn chế của hệ thống này dần lộ ra. Một số nhân viên không có nhiều khả năng nhưng vẫn trụ lại cơ quan từ 10-30 năm ở những vị trí rất cao.
“Với những người sếp như vậy, họ có xu hướng bắt cấp dưới im lặng nghe mình nói và không có quyền hỏi ngược lại”, Yoshioka nói.
Hy vọng cho thế hệ trẻ
Một số nhà phân tích cho rằng văn hóa này đã gây trở ngại cho nền kinh tế Nhật Bản bằng cách khen thưởng “sự vâng lời” và loại bỏ các động cơ để chấp nhận rủi ro.
Nhiều người trẻ tuổi không thể đảm nhận vai trò lãnh đạo cho đến khi có thâm niên lớn hơn đành cam chịu với cách hoạt động “cứng nhắc” này.
Năm 2020, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng sự nghiêm khắc khét tiếng của mình bằng cách mời thêm lao động nước ngoài khi dân số liên tục giảm.
Tuy nhiên, nước Nhật có thể gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài nếu không khen thưởng xứng đáng hoặc cho nhân viên trẻ cơ hội thử sức với những ý tưởng mới.
Nhiều người trẻ cảm thấy thất vọng với văn hóa coi trọng thâm niên. Ảnh: New York Times. |
“Giới trẻ ngày nay không có ý định sống cuộc đời giống như cha mẹ của họ. Việc tổng hợp các quyết định cá nhân là thứ tạo nên sự thay đổi của thế hệ”, Gordon Mathews, đồng biên tập của cuốn sách "Sự thay đổi của Nhật Bản: Những người trẻ đang tạo ra xã hội mới", nhận định.
Wakako Fukuda, người đang theo học ngành xã hội học tại Đại học Wako, nhận thấy theo một cách nào đó, đại dịch đã tiếp thêm sức mạnh cho những người trẻ tuổi.
“Khi mọi người đang dành nhiều thời gian hơn ở nhà để lướt mạng thì giới trẻ lại có nơi để bày tỏ ý kiến theo cách riêng của mình”, Fukuda nhấn mạnh.