Ông Koji Suzuki, chủ một cửa hàng bán đồ lướt sóng ở thành phố Minamisoma, tỉnh Fukushima, ra biển lướt sóng mỗi ngày.
Vì vậy, ông coi việc chính phủ Nhật Bản xả gần 1,3 triệu tấn nước nhiễm xạ đã qua xử lý ra biển là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân ông, theo Reuters.
"Tôi chắc chắn không muốn ở trong một vùng biển bị ô nhiễm, và tôi hoàn toàn phản đối quyết định của chính phủ", người đàn ông 66 tuổi này nói hôm 16/4.
Dù chính phủ khẳng định rằng sẽ xử lý an toàn nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi trước khi thải xuống biển, ông Suzuki lo ngại nhiều người không tin tưởng điều này.
Công nhân trước bể chứa nước phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh: Reuters. |
"Tôi vốn luôn hy vọng rằng số lượng (du khách) sẽ có thể tăng lên như trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân. Nhưng giờ đây chính phủ lại quyết định rằng nước đã qua xử lý sẽ được xả ra biển. Tôi lo số du khách có thể giảm xuống một lần nữa", ông nói.
Theo ông Suzuki, số lượng khách đến thăm khu vực này đang dần tăng trở lại. Nhưng quyết định của chính quyền trung ương sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động thể thao trên biển ở đây, bao gồm bộ môn lướt sóng.
"Tôi không nghĩ có ai muốn lướt sóng ở những bãi biển bị ô nhiễm", ông Suzuki nói.
Sau thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào tháng 3/2011, phải đến tận tháng 7/2019 bãi biển đầu tiên ở khu vực này mới được mở cửa trở lại.
Quá trình xả thải sẽ kéo dài trong vòng 2 năm, đủ thời gian để Công ty Điện lực Tokyo - bên điều hành hoạt động này - có thời gian lọc nước, loại bỏ các đồng vị có hại, xây dựng cơ sở hạ tầng và làm thủ tục chờ chính phủ phê duyệt.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, đây là lựa chọn không thể tránh khỏi nhằm phục hồi khu vực nhà máy Fukushima Daiichi. Quy trình xả thải sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn được thiết lập. Nước ở đây sẽ được xử lý tương tự nước thải từ các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới.
Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối kịch liệt quyết định này. Bộ Ngoại giao hai nước kêu gọi Nhật Bản "hành động một cách có trách nhiệm".