Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với Quân bằng câu hỏi xoáy: “Hồi phổ thông cậu học văn tốt không?”. Câu trả lời của Quân, không ngờ, lại làm đậm thêm trong tôi ấn tượng về cách dạy văn “chấm ý ăn điểm” hạn chế sự sáng tạo của người trẻ.
“Học cấp 3, văn mình toàn 6, 7 điểm thôi. Hồi tiểu học có lần được 4 điểm văn, không khác gì học sinh cá biệt. Điểm thấp nhưng cô giáo dạy văn rất ấn tượng, vì mình tỏ ra khác biệt nhất so với bạn bè trong lớp”.
Đỗ Minh Quân. |
Đôi mắt ánh lên nụ cười sau lớp kính cận, chàng cựu học sinh trường THPT Hà Nội – Amsterdam chia sẻ, năm lớp 12, cậu có ý định không học đại học. Cậu muốn dành thêm thời gian vào việc viết lách và trải nghiệm cuộc sống.
“Gia đình và dòng họ tất nhiên không chấp nhận điều đó. Sau cùng mình vẫn thi, nhưng thi để cho mọi người thấy mình hoàn toàn có khả năng đỗ đại học”.
Năm 2009, Quân trở thành sinh viên đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Theo lời Quân, cậu thường xuyên ngủ gục ở giảng đường. Cách giảng dạy và nội dung môn học dường như không phù hợp với cậu. Điều khiến cậu khó chịu nhất là những môn học về kinh tế khô cứng và thiếu tính thực tiễn.
“Học hành một cách vật vờ” một năm, Quân bỏ học.
Cậu thoáng buồn khi nhắc lại phản ứng gia đình. Đó là khoảng thời gian khó khăn, nhưng cậu vẫn quyết tâm nghỉ với lý do “phải tìm ngành học đúng với sở thích của mình”.
Bắt đầu thời gian “thất học”, Quân làm biên tập viên tại một công ty truyền thông. Khoảng thời gian này, cậu tích cực dịch sách và tập sáng tác.
“Lúc đó là tháng 9, đã lỡ mất một kì thi đại học, mình phải chờ một năm nữa để thi lại trường khác".
Đến năm 2011, Quân thi đỗ Ngoại Thương với 25,5 điểm. Không vào được khoa tiếng Nhật theo đúng nguyện vọng, Quân tiếp tục phải học ngành kinh tế. Trớ trêu thay, chuỗi ngày buồn chán và vô định tiếp tục lặp lại.
“Học được một kỳ, mình lại nghỉ”, Quân kể. Lần bỏ học này ly kỳ hơn lần trước. Phải một năm sau gia đình mới biết Quân nghỉ học.
Thoát khỏi sự ràng buộc của giảng đường, Quân hào hứng bắt tay vào những dự án cá nhân. Bên cạnh việc biên tập và dịch sách, cậu còn tự làm đề án khởi nghiệp rồi gửi cho một cuộc thi do đại sứ quán Nhật Bản khởi xướng.
Quân bắt đầu thay đổi tư duy viết theo kiểu người lớn hơn. Cậu cũng nhận ra là không đi làm nữa, không đi học nữa, chỉ có nghĩ để viết thôi, lúc ấy mới tạo ra được sự khác biệt.
“Khi đang viết những trang đầu tiên của Người ngủ thuê, gia đình phát hiện mình bỏ học và gọi về. Đó là khoảng thời gian vô cùng sóng gió”.
Trong 5 tháng sau đó, Quân hoàn thành Người ngủ thuê - cuốn truyện dài đầu tay của mình. Cuốn sách sau đó đã đạt giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 do Hội nhà văn TP HCM phối hợp nhà xuất bản Trẻ tổ chức.
Tác giả của “Người ngủ thuê” đã xuất sắc vượt qua nhiều cây viết tên tuổi để giành giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 với trị giá giải thưởng 70 triệu đồng.
“Người ngủ thuê” kể về chàng trai trẻ tên Phi đang sống những ngày tháng buồn chán và vô định trong căn phòng trọ. Cậu không biết làm gì ngoài việc ngủ và ngắm một con nhện giăng tơ.
Bằng cách viết hư cấu tài tình, tác giả đã để nhân vật Phi tìm thấy công việc “ngủ thuê” tại “Trung tâm kết nối và chia sẻ thời gian Happy Time".
Với công việc này, toàn bộ năng lượng mà cơ thể cậu sản sinh ra trong khi ngủ sẽ được truyền sang cơ thể khách hàng thông qua connector (máy kết nối). Nhờ vậy, một số người không cần ngủ mà vẫn cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Còn một số người "không biết làm gì ngoài ngủ" sẽ kiếm được khoản tiền từ một việc mà không ai ngờ tới.
Dịch vụ “ngủ thuê” cứ thế vận hành và tạo ra không ít những mặt trái, khi một nhóm người “bán rẻ” thời gian tuổi trẻ của mình, còn nhóm khác lại mua thời gian để làm những việc trái với mong muốn của bản thân.