Người ngoại đạo làm ra chè 3 triệu đồng/kg
Loại chè có tên Đinh Đinh do anh Trần Văn Thắng (Thái Nguyên) làm ra có mức giá rất đắt nhưng vẫn hút hàng vì cách chế biến đặc biệt.
Tác giả của thương hiệu trà "siêu đắt" chính là anh Trần Văn Thắng ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Trong xưởng sản xuất trà ở xã Hồng Thái, anh Thắng biểu diễn cách pha trà một cách rất điêu luyện. Từ việc tráng ấm đến "rửa trà" đều theo những phương pháp của trà đạo. Anh Thắng bảo, dân gian cứ quan niệm nước pha trà phải sôi thì trà mới chín. Như thế là sai, nước chỉ nên sôi lăn tăn thì trà mới giữ mùi toả hương vị đậm được.
Trà “siêu đắt” chỉ được chế biến từ búp non. |
Nhìn cách pha, cách uống ấy không ai nghĩ anh là "dân ngoại đạo". Thế nhưng, anh Thắng thành thật: "Tôi chỉ là người ngoại đạo mà thôi. Tôi không phải dân gốc đất chè, cách làm chè thì tôi càng không phải là con nhà nòi".
Anh Thắng quê gốc ở xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định), tuy nhiên trước đó ông bà và bố mẹ anh đã lập nghiệp ở Thái Nguyên. Họ chỉ là những người làm thuê cho các xưởng chè trong và ngoài xã. Nhưng sau này, anh Thắng quyết tâm sẽ xây dựng riêng cho gia đình một thương hiệu trà, một ha chè mà cả gia đình gom góp lại để mua là "nguồn sống" duy nhất cho hàng chục con người.
Ấy vậy mà "dân ngoại đạo" như anh Thắng đã nhanh chóng khẳng định chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường địa phương. Trà do gia đình anh làm ra tuy không phải đặc sản nhưng lại được nhiều người yêu thích tin tưởng. Anh bảo: "Mình cứ thật thà trước đã. Làm trà phải sạch, sau đó bán với giá hợp lý và cân đo đong đếm cho đúng cân đúng lạng thì khách hàng mới đến với mình lâu dài".
Cũng ngần ấy năm, gia đình anh sống được không phải vì có bí quyết làm được loại trà ngon nào, mà đơn giản là trà làm ra phải sạch. Thế nên, khi nhiều tỉnh thành dính "phốt" làm trà bẩn thì xưởng sản xuất trà của anh Thắng vẫn bán được hàng.
Chăm chè như con mọn
Năm 2007, khi mở xưởng chế biến mới, anh Thắng quyết tìm cho mình một hướng đi mới bằng chính cây chè có trong vườn nhà. Và để có được loại trà thượng hạng thuộc loại "siêu đắt", anh đã phải kì công, hì hụi suốt đêm ngày bên những gốc trà.
Chè ngon không những phải thơm mà còn phải sạch. |
Anh Thắng kể: "Loại chè nhà mình thuộc giống chè trung du nhưng cách chăm sóc thì khác nhiều lắm. Mình nghĩ cây chè cũng như con gà, nếu cho gà ăn cám tăng trọng thì nhanh lớn nhưng thịt không ngon. Cây chè cũng vậy, nếu bón phân hoá học thì vị sẽ kém ngon hơn. Thế là tôi quyết định ngừng bón phân hoá học và thuốc kích thích".
Nhưng sau đó, cây chè của anh bị sâu bệnh tấn công, toàn bộ 1ha chè gần như không còn lá. Vợ chồng anh phải dậy từ sớm tinh mơ đến từng gốc chè, vạch từng cái lá đã te tua để bắt sâu. Từ sáng đến tối, họ bắt được đến cả một chậu sâu. Thật là chăm chè như chăm con mọn. Ấy thế mà họ đã bước đầu thành công, lá chè xanh tươi nhưng rắn rỏi, vị ngọt và thơm hơn rất nhiều.
Trong một lần ngồi suy tư trong xưởng chế biến, anh phát hiện ra điều gì đó rồi đứng phắt dậy chạy ra đồi chè. Anh hái riêng cho mình những búp chè non (loại lá chưa nở) mang về sao sấy rất cẩn thận rồi đem pha. Thật kỳ lạ, đó là chén trà ngon nhất anh từng được uống. Đến nước thứ 4 mà nước trà vẫn sánh. Anh gọi vợ ra uống thử - chị Hường uống xong hỏi anh mua chè ở đâu? Anh trả lời, chè từ chính nương đồi nhà mình.
Bí quyết được khai mở, vợ chồng anh Thắng bắt đầu thuê thêm nhân công và trả lương cao chỉ với một việc là hái những búp chè chưa nở. Tất nhiên, những công đoạn chế biến cũng rất quan trọng để có được loại chè "siêu đắt" này.
"Siêu đắt" nhưng vẫn là... rẻ
Trà "siêu đắt" mà anh Thắng sản xuất ra có tên Đinh Đinh, hiện có giá 3 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, theo anh Thắng, giá đó là còn rất rẻ so với thực tế vì mỗi cây chè chỉ cho được vài búp, và phải mất mấy ngày công mới hoàn thành được một cân. Cho nên, khách muốn mua nhưng không có để bán.
Từ ngày trà Đinh Đinh xuất hiện, nhiều chuyên gia về trà cũng tìm đến để thưởng thức và tìm hiểu cách chế biến. Anh Thắng không hề giấu giếm bất cứ bí quyết nào, bởi cách làm trà rất đơn giản như chế biến chè thường, cái hơn nhau chỉ là thái độ ứng xử với sản phẩm mình làm ra. Đó là không dùng chế phẩm để phơi sấy hay bất cứ một công đoạn nào.
3 |
Loại trà “siêu đắt” có giá 3 triệu đồng/kg. |
Khi sao sấy chè, anh Thắng đặc biệt lưu ý không dùng bất kỳ một loại củi nào có mùi thơm. Lý giải điều này, anh Thắng cho rằng: "Khi sao sấy nếu củi có mùi thơm hoặc hắc thì khói sẽ ám vào chè làm biến đổi mùi. Từ biến đổi mùi sẽ chuyển sang 'đảo' vị. Cho nên, phải chọn được thứ củi không mùi và sao sấy đúng quy trình thì mới mong có được một sản phẩm tốt".
Cũng theo anh Thắng, trà Đinh Đinh của anh được nhiều vị lãnh đạo cao cấp ưa thích. Nhiều khách Tây và các chuyên gia trà của Trung Quốc, Nhật Bản cũng mua về nghiên cứu, thưởng thức hoặc làm quà. Tuy nhiên, băn khoăn của anh là không có đủ chè để bán.
Theo Kiến thức