Theo Bloomberg, hơn 70% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nước này chịu nhiều chỉ trích về cách xử lý dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể ngăn cản dòng tiền đầu tư từ Mỹ chảy vào Trung Quốc đại lục, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
Theo Bộ Tài chính, người Mỹ nắm giữ khoảng 154 tỷ USD cổ phiếu tại Trung Quốc vào năm 2017. Trong khi đó, học giả Antonio Coppola và các cộng sự đến từ Đại học Harvard cho rằng con số thực có thể lên tới gần 700 tỷ USD (gấp 4,5 lần so với con số chính thức). Mức hiện tại thậm chí có thể cao hơn do chỉ số MSCI China Index tăng hơn 10% kể từ thời điểm đó.
Sở dĩ có sự chênh lệch này là do nhiều công ty Trung Quốc đã tìm cách niêm yết trên các sàn chứng khoán New York hay Hong Kong thông qua các công ty vỏ bọc có giấy tờ tại các “thiên đường thuế” như Cayman Islands.
Thực tế, Bắc Kinh cấm các hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, các ông lớn như Alibaba, Tencent và Meituan (còn được gọi là nhóm ATM) - tương đương với nhóm cổ phiếu FAANG của 5 đại gia công nghệ Mỹ (Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet) - đều được thành lập tại Cayman và không trực tiếp sở hữu bất kỳ tài sản hoạt động chính thức nào. Nhờ vậy, con số trên giấy tờ ít hơn 547 tỷ USD so với thực tế.
Nhiều công ty Trung Quốc tìm cách niêm yết trên sàn New York hay Hong Kong thông qua vỏ bọc tại các thiên đường thuế. Ảnh: Getty. |
Trong khi các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ 547 tỷ USD cổ phiếu do các công ty tại Cayman phát hành, gần 90% trong số đó thuộc về China Inc. Theo các chuyên gia, Trung Quốc là điểm đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Mỹ, sau Anh và Nhật Bản. Tuy nhiên, theo dữ liệu của chính phủ, quốc gia châu Á thậm chí không lọt vào top 10.
Bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tiềm lực không chắc chắn của China Inc., các quỹ tài chính của Mỹ vẫn ồ ạt mua vào cổ phiếu Trung Quốc. Hồi tháng 5, Thượng viện đã thông qua dự luật hủy niêm yết các công ty đại lục tại Mỹ sau bê bối lách luật kế toán của Luckin Coffee Inc. vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, số lượng các công ty khởi nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán New York vẫn mọc lên như nấm, điển hình như công ty sản xuất xe điện XPeng Inc. và Li Auto Inc., hay tập đoàn môi giới bất động sản trực tuyến KE Holdings Inc..
Thị trường tài chính trong thập kỷ qua tăng trưởng nóng với sự vắng mặt của những chỉ số tăng trưởng thực. Xu hướng hiện nay là đổ xô vào một công ty có triển vọng, ồ ạt mua cổ phiếu của chúng với giá cao ngất ngưởng, thậm chí không quan tâm tới tiềm lực tài chính và khả năng quản trị của công ty này. Cùng lúc đó, họ lại bán tháo các lĩnh vực mang tính chu kỳ như tài chính và năng lượng, khiến chúng trở nên rẻ mạt.
Các công ty Trung Quốc là ví dụ điển hình. Hiện tại, hơn 50% mã cổ phiếu trong chỉ số MSCI thuộc các lĩnh vực dịch vụ truyền thông và tiêu dùng đang phát triển nhanh. Để so sánh, thị trường Nhật Bản lại đi theo định hướng giá trị, trong đó các ngành công nghiệp theo chu kỳ vẫn là lĩnh vực cốt lõi.
Những thương vụ IPO gần đây của các kỳ lân Trung Quốc đang làm thị trường nóng lên. Tốc độ xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng ở mức 2 con số, doanh số bán lẻ cũng dần hồi phục lại mức trước khi có dịch Covid-19. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang vật lộn trong trận chiến chống dịch và chuẩn bị cho một cuộc bầu cử đầy thách thức.