Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Mỹ đổ xô mua đồ hiệu, du lịch châu Âu khi đồng euro giảm

Khi đồng USD tăng mạnh so với euro, người Mỹ có thể hưởng lợi từ những chuyến du lịch châu Âu rẻ hơn. Giá của các mặt hàng xa xỉ mua tại châu Âu cũng thấp hơn giá niêm yết ở Mỹ.

Theo Wall Street Journal, đồng euro giảm giá so với USD cho phép người Mỹ vung tiền khi du lịch châu Âu. Đồng euro đã giảm còn 1 USD đổi 1 euro, thậm chí có lúc rơi xuống dưới mốc này vào tuần trước. Trong vòng một năm qua, đồng euro giảm giá trị 15% so với đồng bạc xanh.

Đồng euro lao dốc do xung đột Nga - Ukraine, tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng và rủi ro suy thoái kinh tế. Nhưng với người Mỹ, việc euro giảm giá so với USD đã thúc đẩy một làn sóng mua sắm điên cuồng.

Gia USD tang manh anh 1

Giá USD tăng mạnh so với đồng euro và các loại tiền tệ khác khi ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất. Ảnh: Reuters.

Đổ xô du lịch châu Âu

Các du khách Mỹ ồ ạt mua những mặt hàng xa xỉ, rượu vang cao cấp và các phòng nghỉ hạng sang. Nhiều người đang lên kế hoạch du lịch nước ngoài để tận dụng sức mạnh của đồng USD.

Cô Shannon Mains và chồng vừa có chuyến du lịch kéo dài một tháng tới châu Âu. Họ đến thăm Disneyland Paris và nghỉ tại một khách sạn thuộc sở hữu của Disney.

Họ đạp xe và thưởng thức rượu vang ở vùng Burgundy nước Pháp. Cô Mains mua đồ trang sức và phụ kiện tại cửa hàng của Gucci ở Italy.

Gia USD tang manh anh 2

Cô Shannon Mains và chồng vừa có chuyến du lịch kéo dài một tháng tới châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cặp vợ chồng cũng mua một chai rượu để thưởng thức trong khách sạn. Trước đây, họ thường mua những chai rượu khoảng 3-4 euro. Nhưng trong chuyến đi lần này, họ chọn chai đắt hơn vì đồng USD mạnh lên.

"Trước đây, chúng tôi thường chi tiêu tiết kiệm trong các chuyến đi. Nhưng bây giờ, chúng tôi có thể lựa chọn bất cứ thứ gì chúng tôi muốn", cô Mains chia sẻ.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay nâng lãi suất đã thúc đẩy đồng USD tăng giá. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt qua lại khiến triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng euro xấu đi, dẫn tới đồng tiền khu vực giảm sức mạnh so với đồng USD.

Thêm vào đó, khác với FED, những ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể phải thận trọng hơn trong việc siết chặt chính sách.

Bởi các nền kinh tế này vốn đã phải gánh chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt.

Cô Alyssa Brown, 26 tuổi, đã bay từ Chicago (bang Illinois) đến Paris chỉ để mua một chiếc túi Saint Laurent. Cô chỉ phải trả 1.833 USD cho món đồ đã thích từ lâu, thấp hơn 700 USD so với giá niêm yết tại Mỹ.

Theo công ty cung cấp dịch vụ hoàn thuế VAT Planet, trong tháng 6, du khách Mỹ đã chi tiêu tại châu Âu nhiều hơn 56% so với cùng kỳ năm 2019.

Richemont - công ty sở hữu thương hiệu trang sức xa xỉ Cartier và hãng đồng hồ Vacharon Constantin - vừa báo cáo doanh số bán hàng tại châu Âu tăng 42% trong quý II. Công ty cho biết doanh số gia tăng một phần nhờ sự trở lại của du khách Mỹ và Trung Đông.

Tranh thủ mua đồ xa xỉ

Đồng euro tăng giá trị so với euro giúp người Mỹ tránh khỏi tác động xu hướng tăng giá tại châu Âu, nhất là giá phòng khách sạn. Theo công ty phân tích STR, trong giai đoạn từ ngày 11/6 đến 9/7, giá phòng trung bình tại châu Âu là 154,41 euro/đêm, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Kristen Taylor, một giáo viên trung học đã nghỉ hưu, vừa có chuyến đi 11 ngày tới 5 quốc gia ở châu Âu. Bà bay đến Paris và về từ Vienna. Bà Taylor cho biết đang lên kế hoạch trở lại châu Âu sau chuyến thăm.

Tiền ăn trưa, ăn tối và các hoạt động khác đều được tính trong giá tour du lịch. Tuy nhiên, bà Taylor muốn chi nhiều hơn bình thường khi đến thăm châu Âu.

Ở Paris, bà nếm thử món ốc sên nổi tiếng đắt đỏ. Khi tới thăm hãng sản xuất nước hoa Fragonard, bà Taylor đã mua cho mình một mùi hương yêu thích. Bà cũng chi tiền cho chiếc vòng cổ bằng sứ tại Cung điện Nymphenburg ở Munich.

Gia USD tang manh anh 3

Cô Alyssa Brown vừa mua một chiếc túi Saint Laurent tại Paris với mức giá rẻ hơn giá niêm yết tại Mỹ. Ảnh: CORISSA O'GARA.

Đến tháng 9, bà Taylor sẽ có một kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày ở Rome. Với tỷ giá hối đoái hiện nay, bà đang lên kế hoạch cho một chuyến đi khác vào cuối năm.

Còn cô Madeline Sadlowski, 26 tuổi, đã có kỳ nghỉ trăng mật với chồng ở Italy. Trong chuyến đi, cô săn lùng một chiếc túi hàng hiệu mà chồng cô hứa làm quà cưới. Cuối cùng, cô Sadlowski mua một chiếc túi Bulgari với giá 2.750 USD. Trên trang web của hãng, giá của chiếc túi lên tới 4.000 USD.

"Ban đầu, chúng tôi không định chi nhiều tiền đến vậy để mua túi", vị du khách Mỹ chia sẻ. Tuy nhiên, với tỷ giá hối đoái hiện tại, cô có thể mua các mặt hàng xa xỉ với giá rẻ hơn.

Cặp vợ chồng đã mua thêm một vài món đồ như rượu cao cấp và dép Hermès. "Thật khó để cưỡng lại rượu ngon, trong khi chúng tôi có thể mua với giá hời", cô chia sẻ.

Đằng sau sự sụp đổ của công ty cho vay tiền mã hóa tỷ USD

Celsius - công ty với 1,7 triệu khách hàng, từng quản lý khối tài sản 25 tỷ USD - vừa phá sản. Những người dùng từng được hứa hẹn trả lãi 19% giờ có thể trắng tay.

2 vụ bê bối khiến các ngân hàng Trung Quốc chao đảo

Bắc Kinh đang chật vật đối phó với 2 bê bối khiến ngành ngân hàng lao đao. Đó là làn sóng dừng trả nợ của người mua nhà và vụ lừa đảo tài chính khiến nhiều người có thể mất trắng.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm