Câu chuyện chủ đầu tư dự án Bright City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long muốn thanh lý hợp đồng do không đủ năng lực tài chính tiếp tục thực hiện dự án, đang khiến 700 hộ mua nhà liên tục cầu cứu cơ quan chức năng vì lo mất trắng tiền góp vào dự án này. Mong muốn sớm nhận được nhà, do đã dành hết tiền tích cóp, tiền vay ngân hàng để mua nhà, nhưng điều khách hàng băn khoăn, là liệu họ có được đảm bảo quyền lợi của mình?
Bên ngoài dự án nhà ở xã hội Bright City. Ảnh: HC. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM, cho rằng trong trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục thực hiện dự án, hai bên sẽ thanh lý theo các điều khoản hợp đồng đã ký. Ông nhấn mạnh đến yếu tố dự án có ngân hàng bảo lãnh tín dụng, ngân hàng phải đóng vai trò quan trọng khi xảy ra sự việc này.
Theo đó, khi chủ đầu tư không thể tiếp tục dự án, ngân hàng bảo lãnh sẽ đóng vai trò là chủ đầu tư “đóng thế”. Ngân hàng có thể phát mãi dự án, bán lại dự án cho một nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục triển khai. Người mua nhà có thể tiếp tục hy vọng được nhận nhà khi chủ đầu tư mới thực hiện dự án.
Tuy nhiên, trường hợp này sẽ rất phức tạp về vấn đề thủ tục, định giá dự án. Ngoài ra, khi phát mãi, nhà đầu tư khác nhảy vào dự án, người mua nhà khó có thể tiếp tục được giữ mức giá của nhà ở xã hội. Có thể giá bán mới sẽ theo nhà ở thương mại, và khi đó người tiêu dùng sẽ chịu phần thiệt về mình.
Dự án Bright City đã dừng thi công nhiều tháng nay. Ảnh: HC. |
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nói rằng cần thanh lý hợp đồng trên cơ sở các điều khoản đã ký. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu sai hoặc chưa thỏa đáng, thì người dân có thể yêu cầu chính quyền vào cuộc, và thậm chí là kiện ra tòa.
“Chủ đầu tư cũng cần thực hiện nghĩa vụ của mình khi được Nhà nước giao. Nếu có thiệt hại, ở đây như việc chậm tiến độ, phạt lãi vay… chủ đầu tư cũng phải hoàn thành những nghĩa vụ này cho người mua nhà”, ông Đính nói.
Ông Đính nhấn mạnh thêm Bright City là một dự án nhà ở xã hội, được UBND TP. Hà Nội giao cho doanh nghiệp làm. Khi giao, chắc chắn thành phố cũng có những điều khoản về nghĩa vụ, trách nhiệm đi kèm phát triển dự án. Khi xảy ra sự việc như hiện tại, Hà Nội cũng cần xem xét lại trách nhiệm của chủ đầu tư, rồi có hướng xử lý. Có thể là xử phạt, thu hồi dự án.
“Hà Nội cũng có thể xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư chiếu theo Nghị định 139 mới được ban hành đầu năm nay. Theo đó có thể xem xét trách nhiệm trong chậm tiến độ, bàn giao, tài chính… Nếu chủ đầu tư không thực hiện, thành phố có thể có biện pháp mạnh như thu hồi dự án, giao cho chủ đầu tư khác, không cho triển khai các dự án khác theo năng lực này”, ông Đính chia sẻ.
Cư dân dự án Bright City lo lắng vì chủ đầu tư thanh lý hợp đồng. Ảnh: Cư dân cung cấp. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, đề xuất chính quyền nên hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện dự án. Bởi người dân đã quá mệt mỏi với việc đối thoại và đấu tranh pháp lý với chủ đầu tư, phần lớn chỉ mong sớm nhận được nhà, vì họ chủ yếu là người có thu nhập thấp, mua nhà ở xã hội.
“Hà Nội nên có biện pháp hỗ trợ lãi suất vay cho người dân để tiếp tục hoàn thành dự án, do dự án đã xây dựng sắp hoàn thành. Tuy nhiên, cũng cần giám sát chuyện thanh lý hợp đồng của chủ đầu tư. Không loại trừ trường hợp họ rũ bỏ trách nhiệm với người mua nhà để chuyển dự án thành nhà ở thương mại. Khi đó cả Nhà nước và người mua nhà đều chịu thiệt”, ông Châu nói.
Bright City gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng (A11, A12, A2, A3) với 1.496 căn hộ, là dự án nhà ở xã hội trọng điểm của Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội. Dự án khởi công tháng 11/2014, cam kết hoàn thành bàn giao nhà quý III hoặc quý IV/2017. Người mua nhà được áp dụng phương thức thanh toán thành 8 đợt.
Ngày 14/3, chủ đầu tư bất ngờ thông báo với khách hàng muốn thanh lý hợp đồng mua bán, mong được trả lại toàn bộ vốn góp khách đã nộp vào mua nhà và thực hiện thanh lý theo hợp đồng đã ký. Nguyên nhân do khó khăn về tài chính vì gói 30.000 tỷ đồng đã kết thúc, dự án không được hưởng vốn ưu đãi để đầu tư.
Bị thông báo quá bất ngờ, nhiều người bức xúc, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Cư dân yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đối thoại, giải thích, cần mời đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, ngân hàng đến làm việc để nắm rõ tình hình.