Claire báo với cảnh sát Scotland cô bị cưỡng hiếp vào mùa xuân năm 2017. Ba năm sau đó, phiên tòa được chờ đợi từ lâu được lên kế hoạch vào đúng những ngày đầu của lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, phiên tòa tiếp tục bị hoãn lại và thay thế bằng phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Claire tin rằng vụ án của cô có thể không bao giờ khép lại hoặc cũng có thể không được xét xử trước năm 2021, hay tệ hơn là nó có thể bị đổ bể.
Claire không phải tên thật của cô. “Điều đó thật kinh khủng. Cuộc sống của tôi đã dừng lại”, cô nói.
Điều cô lo lắng hơn cả là quá trình đi tìm công lý đã hủy hoại những đứa con của cô. Trong khi đó, chúng có thể vẫn phải ra làm chứng trước tòa, theo BBC.
Cô gái ở Scotland. Ảnh: Getty. |
“Quy trình pháp lý còn tệ hơn bị cưỡng hiếp”
“Con gái tôi đang có vấn đề. Con phải uống thuốc chống lo âu”, Claire nói. “Còn con trai tôi đã bị căng thẳng. Chúng tôi không biết rằng con không cần ra tòa cho đến những phút cuối cùng”.
Claire nói rằng cô đã nghĩ đến phiên tòa hàng ngày kể từ khi vụ việc xảy ra với cô năm 2017. “Quy trình pháp lý còn tồi tệ hơn tất cả những gì xảy ra với tôi”. Đối với cô, quy trình này rất khó khăn.
Những lo lắng liên tục nảy ra trong đầu Claire. Giờ đây, cô lo lắng rằng đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến phiên tòa.
Người phụ nữ Scotland bị cưỡng hiếp 3 năm nhưng không được xét xử. Ảnh: Getty. |
“Nếu tôi trình diện trước bồi thẩm đoàn mà có ai đó trong số họ bị bệnh, thì tôi có phải quay lại để làm lại không? Con gái tôi có thế không?”.
Claire nói rằng cô lo lắng về việc xuất hiện trong phòng xét xử đông người. Cô cho rằng cần thay đổi cách tổ chức phiên tòa theo tình hình đại dịch.
Ngày mà Claire chờ đợi suốt 3 năm qua để bắt đầu phiên xét xử nay vừa bị hạ cấp xuống phiên sơ thẩm, vừa bị lùi thời hạn.
Các vụ án bị tồn đọng vì dịch Covid-19
Các phiên tòa dự kiến diễn ra vào những ngày đầu phong tỏa đã bị hoãn. Tòa án Tối cao và các tòa án địa phương của Scotland đối mặt với các vụ án tồn đọng, có thể lên tới 3.000 vụ cho đến tháng 3 năm sau.
Đầu tuần trước, Ủy ban Tư pháp Holyrood (Scotland) cho biết một vài phiên tòa có thể được tiến hành vào đầu mùa hè. Song việc phải tuân thủ giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc số vụ được xét xử sẽ giảm đi đáng kể.
Một phiên tòa có thể cần đến 3 phòng xét xử thay vì 1 phòng như trước đây để đảm bảo giãn cách xã hội.
Claire vẫn hết sức mông lung: “Không ai nói với bạn bất cứ điều gì. Ý tôi là, tôi thậm chí không biết liệu ngày xét xử có diễn ra trong năm nay không”.
“Điều đó đã ảnh hưởng đến con gái tôi. Con phải uống thuốc hàng ngày vì việc này”.
Claire nói rằng con trai cô thậm chí không muốn nói về việc này, còn cô thì không thể nói với con về những gì xảy ra với mình.
“Tôi đồng cảm với những người không nhận được sự hỗ trợ nào từ tòa án trong thời gian phong tỏa. Không ai được trợ giúp xử lý vấn đề trong khi thiếu thông tin”, Claire than thở.
Ngày càng thất vọng
Người phát ngôn của Rape Crisis Scotland, tổ chức trợ giúp các nạn nhân của bạo lực tình dục, nói với BBC: “Rất nhiều người sống sót sau các vụ tấn công tình dục cảm thấy thất vọng với hệ thống tư pháp khi vụ việc của họ bị đánh giá là thông thường”.
“Chúng ta không ở trong các tình huống thông thường. Các trường hợp chưa từng có đòi hỏi phải hành động khẩn trương. Nếu không, tổn thất mà điều này gây ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nạn nhân còn sống”.
“Không ai cần phải chờ đợi suốt nhiều năm để hy vọng công lý được thực thi”, người phát ngôn nói.
Thư ký Bộ Tư pháp Scotland, Lord Dorrian. Ảnh: Scottish Courts Service. |
Các tòa án Scotland cho biết các phiên xét xử bị hoãn theo hướng dẫn của chính phủ Scotland.
“Tất cả phiên xét xử không thể tiến hành do dịch Covid-19 đã bị hoãn lại và sẽ tiếp tục hoãn đến phiên sơ thẩm. Thời gian dự kiến diễn ra là từ tháng 6 trở đi”, người phát ngôn của Rape Crisis Scotland nói thêm.
“Tổng Tư pháp của Lord, thẩm phán cao cấp nhất Scotland, Lord Carloway, đã thành lập nhóm làm việc ngắn hạn do Thư ký Bộ Tư pháp, Lord Dorrian, dẫn dắt với sự tham gia của Rape Crisis Scotland trong tư cách thành viên để xem xét thực tiễn của việc xét xử trong bối cảnh đại dịch”.