Khi bà Youa Vang Lee được con trai cho xem đoạn video ghi lại cảnh George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết, đặc biệt là khi Floyd cầu cứu “mẹ ơi” trong vô vọng, người phụ nữ nhập cư đến từ Lào không khỏi xúc động và chạnh lòng. Tiếng kêu ấy bất giác khơi dậy nỗi đau và sự đồng cảm sâu sắc từ người phụ nữ 59 tuổi đang làm nhân viên quản lý trang thiết bị y tế này.
“Fong hẳn cũng đã trải qua sự đau đớn như vậy”, người mẹ nghẹn ngào bằng tiếng Hmong. “Nó hẳn đã cầu cứu tôi vào thời điểm đó”.
Bị bắn 8 phát đạn
Ngày 22/7/2006, Fong Lee, khi ấy 19 tuổi, đang đạp xe cùng nhóm bạn đến bãi đậu xe của trường tiểu học Cityview ở Bắc Minneapolis thì gặp một chiếc xe cảnh sát, bên trong là Jason Andersen và một cảnh sát liên bang. Andersen đã đuổi theo khi Lee cố bỏ chạy.
Camera an ninh từ trường học ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của cuộc rượt đuổi từ bãi đậu xe tới một góc của khuôn viên trường, nơi Andersen nã tám phát đạn vào Fong, trong đó bốn phát bắn vào phía sau lưng. Vì đoạn băng ghi hình có độ phân giải khá thấp nên rất khó để kết luận Lee có cầm súng hay không. Andersen khẳng định Fong có ý định sử dụng súng tại thời điểm đó, mặc dù camera an ninh cho thấy anh đã bỏ chạy thay vì chống đối.
Cuộc rượt đuổi giữa Andersen và Lee. Ảnh: trích xuất từ camera an ninh trường tiểu học Cityview. |
Một khẩu Baikal nòng .380 bán tự động cũ có xuất xứ từ Nga được tìm thấy cách tay trái của Fong Lee khoảng 1 mét, không có bất kỳ vết máu hay dấu vân tay nào. Năm 2004, một người đàn ông từng trình báo bị lấy trộm khẩu súng, cảnh sát Minneapolis về sau cho biết cho biết khẩu súng đã được thu hồi và tạm giữ với mục đích điều tra. Đáng chú ý, khẩu súng này có số seri khớp với khẩu Baikal nòng .380 bên cạnh thi thể chàng trai trẻ xấu số.
Gia đình Lee kiện lên tòa án dân sự và đưa ra bằng chứng cho thấy khẩu súng bên cạnh thi thể của Fong là ngụy tạo. Tuy nhiên, 12 thành viên da trắng của bồi thẩm đoàn không chấp thuận khiếu nại này. Andersen vẫn tại chức, dù ông đã bị buộc thôi việc hai lần, nhưng sau đó lại được tuyển dụng trở lại, thậm chí còn được trao Huy chương phụng sự cộng đồng vì hành động hôm đó.
“Tôi nhất định phải ở đó để đấu tranh”
Gia đình bà Youa đã giữ im lặng về cái chết của Fong, cho đến khi bà xem đoạn băng ghi lại cái chết của Floyd. Bà bắt đầu tìm và tham gia lực lượng biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc một cách nhiệt tình. “Tôi nhất định phải ở đó để đấu tranh”, bà Youa cương quyết.
Một vài người thân thuộc với bà Youa đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh quyết định của bà. Đã có nhiều tranh cãi nổ ra bên trong cộng đồng người Hmong ở Minneapolis-St Paul về việc nên phản ứng như thế nào đối với phong trào Black Lives Matter, đòi hỏi một sự thay đổi mang tính hệ thống. Nhưng đối với cá nhân Youa Lee, ủng hộ phong trào này là một lựa chọn hiển nhiên, bởi lẽ khi con trai bà bị cảnh sát bắn chết năm 2006, những người đầu tiên đứng lên ủng hộ gia đình bà chính là cộng đồng người da đen. “Họ là những người ủng hộ chúng tôi nhiệt tình nhất”, Shoua Lee, nhớ lại. “Ngay từ khi chúng tôi chưa kêu gọi bất kỳ sự tương trợ nào, họ đã đến và hỏi xem có thể giúp gì không”.
Fong Lee, 19 tuổi, bị bắn chết vào năm 2006. Ảnh: Sở cảnh sát Minneapolis. |
Mặc dù cả bốn cảnh sát liên quan trực tiếp đến vụ George Floyd ngày 25/5 đã bị bắt, chỉ có hai người là được đông đảo mọi người biết đến do lọt vào những đoạn video được truyền bá rộng rãi - Derek Chauvin, người trực tiếp làm Floyd ngạt thở đến chết và Tou Thao, cũng là người Hmong, đã cố gắng ngăn cản đám đông tiếp cận sự vụ thay vì ngăn đồng sự của mình ghì cổ Floyd trong gần 9 phút, do đó bị truy tố tội giết người cấp độ 2.
Boonmee Yang, một giáo viên tiểu học tại St Paul, đồng thời là một nhà hoạt động xã hội người Hmong, cho rằng phong trào Black Lives Matter sẽ gần như ngay lập tức gây ra nhiều xáo trộn và mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng Hmong.
“Nạn nhân bị tấn công bởi cảnh sát da trắng thông thường là người da đen. Giờ một người Hmong lại có dính líu đến vụ việc này làm tôi rất quan ngại”, Yang cho biết phần lớn cộng đồng người Hmong rất ngại tiếp xúc với người thuộc các cộng đồng thiểu số khác nên rất khó để bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng người da đen, nhiều khả năng phản ứng tức thời của họ sẽ là bênh vực cho hành động của Tou Thao.
Lịch sử cũng ghi nhận sự xung đột giữa cộng đồng người Mỹ gốc Phi và cộng đồng người Hmong nhập cư, chủ yếu đến từ phía Nam Trung Quốc và Lào. Khi những người Hmong mới di cư đến vùng Frogtown ở St. Paul, vốn là khu vực tập trung đông đảo người da đen, đã xuất hiện sự hiềm khích giữa hai cộng đồng. “Đó là sự xung đột giữa những người nhập cư và tị nạn mới chân ướt chân ráo đến và những người đã ở đó lâu năm, và tôi là một trong số đó. Thậm chí sự căng thẳng còn kéo dài tới tận bây giờ”, nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội Tou SaiKo Lee nhớ lại.
Bà Youa Vang Lee cùng con gái Shoua. Ảnh: BBC. |
Trái với sự tồn tại lâu đời của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, người Hmong mới chỉ di cư đến Mỹ khoảng hơn bốn thập kỷ. Khoảng mười nghìn người tị nạn tới Minnesota, nơi không hề lý tưởng cho người nhập cư, nhiều người không thể tìm được việc làm vì khả năng ngôn ngữ hạn chế. Ngày nay, cộng đồng người Hmong có rất nhiều điểm tương đồng với những người Mỹ gốc Phi về mặt kinh tế xã hội và điều kiện sống.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Hỗ trợ và Hành động Đông Nam Á cho thấy trong cộng đồng Hmong tại Mỹ, 25% dân số sống dưới ngưỡng nghèo, chỉ 17% tốt nghiệp đại học và dưới 50% là có nhà ở. Những nét tương đồng này giữa những người Hmong và người Mỹ gốc Phi trên thực tế không thể xoa dịu căng thẳng từ lâu của đôi bên, đặc biệt là khi nhiều chủ doanh nghiệp gốc Á ở St. Paul bị đập phá đồ đạc và thiệt hại tài sản do sự biến tướng của một bộ phận những người dùng danh nghĩa của phong trào Black Lives Matter để trục lợi.
Vì những lý do đó, nhiều người Hmong, đặc biệt là phụ nữ và những người thuộc cộng đồng LGBT, đối mặt với sự công kích, thù địch và lên án từ chính đồng hương của mình khi họ cố gắng bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào đấu tranh xóa bỏ sự kỳ thị chủng tộc. Annie Moua, một bạn trẻ người Hmong, bày tỏ sự phản đối khi nhìn thấy những nhóm người Mỹ gốc Á liên tục kêu gọi ngừng ủng hộ Black Lives Matter với lý do “Họ có bao giờ đấu tranh cho chúng ta - vậy sao ta phải giúp họ?”.
Thế nhưng, vẫn còn đó những người sẵn sàng hỗ trợ phong trào đấu tranh chống sự kỳ thị sắc tộc, họ lập nên tổ chức “Hmong 4 Black Lives” với hơn 2.000 người tham gia. Những cuộc biểu tình được lên kế hoạch và diễn ra với những biểu ngữ thể hiện sự tương trợ của người Hmong đối với cộng đồng người da đen. Lẫn trong đám đông đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, đáng mến - mẹ của Fong Lee, bà Youa.
Tổ chức “Hmong 4 Black Lives” thu hút hơn 2.000 người tham gia. Ảnh: BBC. |
"Chúng ta tới đây để yêu cầu công lý phải được thực thi"
Sau khi rời khỏi Lào và dành 4 năm trong một trại tị nạn ở Thái Lan, vợ chồng bà Youa đã mơ về một tương lai tươi sáng cho các con của họ ở Mỹ. Nhưng bà chưa bao giờ hình dung nổi một ngày người con thứ của mình bị cảnh sát bắn chết. “Cảm giác như tôi đã sai khi đem các con mình tới đây. Giờ con trai tôi đã ra đi vĩnh viễn”.
Khi được Tou Saiko Lee hỏi về việc tham gia cuộc biểu tình Hmong 4 Black Lives và phát biểu về cái chết của con trai mình, bà Youa đã đồng ý không chút do dự. Hôm đó, khi đám đông tiến về tòa nhà Quốc hội để nhập vào nhóm Black Lives Matter, bà Youa bước đi ở giữa một cách im lặng, vây quanh là những người biểu tình trẻ tuổi hơn.
Đôi lúc, khi được đưa chiếc micro để phát biểu, dù không nói được bằng tiếng Anh, bà vẫn say sưa cổ động đấu tranh đòi lại công bằng cho gia đình George Floyd và phong trào chống kỳ thị chủng tộc. “Chúng ta phải tương trợ lẫn nhau. Chúng ta tới đây để yêu cầu công lý phải được thực thi”, bài nói của bà khiến nhiều người bật khóc.
Bà Youa Vang Lee có mặt trong cuộc biểu tình Hmong 4 Black Lives. Ảnh: BBC. |
“Nếu không có gia đình Fong Lee thì cuộc biểu tình này chẳng khác gì một cuộc đôi co cãi vã của một nhóm người Hmong thôi”, Tou Saiko nói. “Nhiều người thấy hình ảnh mẹ mình trong bà Youa, và nhiều người Hmong khác, nên tôi nghĩ bài phát biểu đầy xúc động nhưng hết sức mạnh mẽ và mang tính tuyên truyền kêu gọi đoàn kết của bà Lee thực sự là một làn gió mới”.
Và dù không phải ai trong đám đông cũng hiểu bài phát biểu bằng tiếng Hmong của Youa Lee, Annie Moua cho rằng: “Bạn không cần hiểu tiếng Hmong để thấu hiểu nỗi đau này”.