Người đẹp Veena Malik là bằng chứng rõ cho việc đạo Hồi có những quy tắc khắt khe dành cho những người mẫu. Ngôi sao gốc Pakistan từng thực hiện bộ ảnh khỏa thân với tạp chí FHM phiên bản Ấn Độ. Sau khi ấn phẩm ra mắt, Malik đối mặt với làn sóng tẩy chay từ người dân trong nước. Theo Daily Mail, cô bị đe dọa bởi nhiều antifan. Các phần tử cực đoan thậm chí đòi giết cô ngay sau khi về Pakistan. |
Sau khi bị chỉ trích, Veena Malik cho rằng tạp chí đã photoshop hình ảnh để những bức ảnh của cô thành khỏa thân và đòi bồi thường 2 triệu USD. Tuy nhiên, tổng biên tập Ayaz Bilawala của FHM Ấn Độ cho biết ông có đủ bằng chứng chứng minh mọi bức ảnh đều là sự thật. Malik sau đó cũng im lặng, quay lại lên án những phần tử cực đoan. "Tôi có quyền quyết định làm gì với cơ thể mình. Những người đe dọa tôi đang sống trong thời đồ đá", cô nói. |
Người mẫu Negzzia cũng làm dấy lên làn sóng lo ngại về nghề người mẫu ở các quốc gia Hồi giáo. Daily Mail đưa tin năm 2017, cô từng thực hiện bộ ảnh nội y, sau đó là bán khỏa thân và đối mặt với việc bị phạt tiền, thậm chí ngồi tù. Lo sợ bị bắt giam ở Iran, nữ người mẫu chọn cách vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Pháp. |
Mirror cho biết cô trốn khỏi đất nước vì sợ sự nghiêm ngặt của Lực lượng Vệ binh Hồi giáo. Bởi, hành động chụp ảnh khỏa thân được xem là vi phạm đạo luật tại Iran. Negzzia thà chọn cách sống lay lắt ở nước ngoài, thậm chí trở thành người vô gia cư chứ không dám ở lại quê nhà. Negzzia sau đó được chính phủ Pháp hỗ trợ và có công việc ổn định. "Tôi thoải mái khi có thể phá vỡ những quy tắc không tôn trọng nữ quyền", Negzzia viết trên trang cá nhân. |
Huda Naccache, siêu mẫu người Israel, từng là tâm điểm của làn sóng chỉ trích khi diện bikini xuất hiện trên trang bìa tạp chí thời trang của Saudi Arabia. Thời điểm ấy, cô chỉ là sinh viên ngành khảo cổ học. Tuy nhiên, Miss Earth Israel 2011 vẫn tự tin, chống lại những lời gièm pha và tiếp tục học tập, công việc người mẫu. |
Việc người mẫu Thổ Nhĩ Kỳ tên Sila Sahin khỏa thân trên tạp chí Playboy cũng khiến cô gặp nhiều rắc rối. Trong một lần trả lời Fox News, cô cho biết không thay đổi bản thân và cho rằng đó là tuyên ngôn về sự tự do. Từ vụ việc của Sahin, trào lưu "bán trang phục, đừng bán danh dự" thời gian dài xuất hiện ở các quốc gia Trung Đông. |
Không chỉ phái đẹp, nam giới ở các quốc gia Hồi giáo cũng gặp không ít khó khăn khi theo đuổi sự nghiệp người mẫu. Sertac Tasdelen khá nổi tiếng tại nước ngoài, thường xuyên vào danh sách những người mẫu đạo Hồi điển trai. Song, ở quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ, anh chưa từng được đánh giá cao. |
"Đàn ông ở những nước Trung Đông không được xem trọng nếu theo đuổi nghề người mẫu. Họ cho rằng nghề này không vững chắc. Việc bám nghề với chúng tôi rất khó khăn", Sertac Tasdelen, người từng xuất hiện trên các sàn diễn quốc tế, nói với Elle. |
Hay như câu chuyện trai đẹp bị trục xuất vì quá đẹp trai gây ồn ào trên mạng xã hội Việt Nam gần 10 năm trước. Trên thực tế, ba cái tên Omar Borkan Al Gala, Hoàng tử Mutaib và Imran Abbas Naqvi bị đuổi ra khỏi Lễ hội văn hóa ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia vì đi vào khu vực cấm. Việc "vì quá đẹp trai mà bị trục xuất" chỉ bị truyền thông thổi phồng, theo HuffPost. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Omar Borkan Al Gala bỗng từ người mẫu vô danh ở quốc gia mình sinh sống thành người nổi tiếng trên thế giới. |