Tính tới hết 25/2, Italy đã có tới 322 người dương tính và 11 ca tử vong vì dịch Covid-19, trở thành quốc gia có số ca nhiễm virus corona cao nhất ngoài châu Á.
Mọi hoạt động tại các thành phố lớn của quốc gia Nam Âu, mà đặc biệt là Milan và Venice, đều đang bị tê liệt. Theo New York Times, nhà thờ chính tòa mang tính biểu tượng đã bị đóng cửa. La Scala, một nhà hát opera hàng đầu và các trường học ở Milan cũng treo biểu không hoạt động.
Đáng chú ý, Milan Fashion Week 2020 không may diễn ra đúng lúc này nên cũng bị ảnh hưởng. Hình ảnh các show diễn vắng vẻ, ảm đạm tại kinh đô thời trang bậc nhất thế giới vì dịch bệnh là điều chưa được nhìn thấy trước đây.
Quảng trường Gae Aulenti, một khu kinh doanh sầm uất ở Milan đang bắt đầu tê liệt vì dịch bệnh. |
Show diễn đóng cửa, sân khấu không khán giả
“Chúng tôi thông báo show diễn lúc 16h sẽ không được tổ chức như dự định. Thay vào đó, show sẽ được phát trực tiếp trên mạng xã hội vì những lo ngại diễn biến phức tạp của virus corona tại Italy”, đại diện Giorgio Armani tuyên bố ngày 23/2.
Thông qua màn hình máy tính, khán giả đã dõi theo loạt thiết kế mới nhất của Armani giữa một sân khấu trống rỗng, không bóng người, ngoại trừ dàn chân dài đang sải bước lộng lẫy cùng những bộ cánh chất nhung đen đính kết nhiều họa tiết sắc màu.
Nhà mốt Laura Biagiotti cũng hành động theo cách tương tự. Cô tuyên bố đóng cửa show và chỉ phát livestream để đảm bảo an toàn cho người xem.
Trong khi đó, Giuseppe Zanotti, nhà thiết kế giày dép và thời trang cao cấp người Italy mệt mỏi vì phải dậy sớm để làm việc từ xa với các nhân viên ở Trung Quốc - những người đang ở giữa tâm dịch, không thể trở về Milan.
Camera Nazionale della Moda Italiana (CNMI), phòng thời trang của Italy, dự đoán có tới 1.000 nhà báo, khách hàng và những người trong ngành thời trang đến từ đại lục có thể vắng mặt mùa này. Trong khi đó, 3 nhà thiết kế người Trung là Riconstru, Hui và Angel Chen, tuyên bố họ không được trình diễn.
Show diễn không một bóng dáng khách mời của nhà thiết kế Giorgio Armani. |
Tại kinh đô thời trang danh tiếng, Châu Bùi - fashionista nổi tiếng người Việt Nam - cũng đến dự. Tuy nhiên theo chia sẻ, cô đã di chuyển sang Paris (Pháp) trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.
Tiết lộ với Zing.vn, Châu Bùi nói khi cô góp mặt ở show đầu tiên hôm 21/2, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, dù khách mời vắng hơn mọi năm. Khoảng hai ngày sau, khi Italy công bố thêm nhiều ca dương tính, mọi người bắt đầu đeo khẩu trang khi ra đường.
Bên ngoài Padiglione Visconti - nơi diễn ra Milan Fashion Week, không khí nhộn nhịp đã không còn nữa. Các tín đồ đến từ khắp nơi trên thế giới khoe street style mỗi lúc một thưa thớt. Thay vào đó, dòng người ăn mặc kín đáo, đeo khẩu trang qua lại tòa nhà là hình ảnh dễ được bắt gặp hơn.
Trên kho ảnh Getty đăng khá nhiều khoảnh khắc xuống phố của các fashionista, tuy nhiên, không khí xung quanh rất ảm đạm. Hình ảnh ở các show diễn cũng không còn đông đúc như mùa trước. Điển nhìn như trong show diễn của Dolce & Gabbana, nhiều khán giả đã đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Khách mời đeo khẩu trang khi đến các show diễn ở Milan Fashion Week. |
Giorgio Armani cũng làm bạn với khẩu trang 24/24. Nhà thiết kế 86 tuổi chia sẻ với phóng viên: “Tôi đã hủy chuyến công tác không quan trọng vì lo sợ virus corona. Tôi hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường sớm nhất có thể”.
Dịch bệnh bùng phát đang khiến giới quan sát Italy lo ngại tình hình phát triển của ngành thời trang. Theo kênh truyền hình KTLA, các chuyên gia đã dự báo doanh thu bán quần áo sẽ giảm ít nhất 2% nửa đầu 2020 do tác động của loại virus quái ác.
''Tôi nghĩ chúng ta phải sống chung với dịch từng ngày bởi vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình bằng trái tim và mọi thứ để vượt qua chuyện này”, Ferruccio Ferragamo, con trai của Salvatore Ferragamo, phát biểu tại đêm trước khi show của ông diễn ra vào thứ 7.
Làng mốt Trung Quốc, Hàn Quốc khốn đốn vì đại dịch
Trước Italy, chủng mới của virus corona đã làm cho ngành thời trang Trung Quốc lâm vào khốn đốn. Theo CNN, Tuần lễ thời trang Thượng Hải dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26/3-2/4 đã bị hoãn vô thời hạn do dịch bệnh.
“Chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm thời gian, cách thức mới và duy trì liên lạc chặt chẽ với các đối tác chăm sóc và hỗ trợ Tuần lễ thời trang Thượng Hải. Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang", đại diện Shanghai Fashion Week nói.
Những năm gần đây, Shanghai Fashion Week đã phát triển thành một trong những tuần lễ thời trang tham vọng nhất trong khu vực, đồng thời là nơi diễn ra hội chợ thương mại thời trang lớn nhất châu Á - thu hút những tên tuổi quốc tế như Vera Wang, Jenny Peckham và Vivienne Tam trình làng bộ sưu tập mới của mình…
Thế nên, khi dịch bùng phát, không chỉ thời trang Trung Quốc điêu đứng mà rất nhiều đối tác kinh doanh váy áo với quốc gia này cũng lâm vào khốn đốn.
Các cửa hàng thời trang lớn ở Trung Quốc đã đóng cửa. |
Ghi nhận từ hãng tin quốc tế cho hay cửa hàng lớn của các thương hiệu cao cấp như Chanel, Louis Vuitton cho tới bình dân như Nike, Hugo Boss, Levi’s... ở Trung Quốc đều đã đóng cửa, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Thống kê cũng cho biết 12/64 cửa hiệu Burberry tại đại lục cũng đã ngừng tiếp khách.
Theo trang Careerengine, giá cổ phiếu các hãng thời trang đã giảm đáng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Doanh số bán ra của Dior giảm 2,3% tại Paris, tập đoàn Kering (chủ sở hữu thương hiệu Gucci và Yves Saint Laurent) hơn 4% và Burberry là 3%.
Beth Cross - CEO của thương hiệu giày Ariat - cho biết việc kinh doanh của công ty trở nên hỗn loạn khi đa phần nhân công của họ đều là người Trung Quốc, đối tác chính cũng là người dân nước này.
Bernard Arnault, giám đốc điều hành LVMH cũng bày tỏ lo ngại: "Đại dịch nếu được giải quyết ổn thỏa trong hai tháng tới thì mọi việc sẽ bớt kinh khủng hơn. Nhưng nếu con số 2 năm, câu chuyện sẽ tiêu cực thêm nữa".
Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang trở thành ổ dịch mới ở khu vực châu Á. Hiện tại, tình trạng đóng băng hoạt động ở quốc gia xứ kim chi đang được nhìn thấy khá rõ rệt.
Seoul Fashion Week không được tổ chức vì đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ. |
Tại Dongseongno - khu tập trung thời trang sầm uất bật nhất Daegu, Hàn Quốc - nhiều cửa hiệu đã đóng cửa. Ở một số gian hàng còn hoạt động, khách hàng vô cùng ít ỏi.
Theo CNN, Seoul Fashion Week Thu - Đông 2020 dự kiến diễn ra từ 16 - 21/3 bị hủy bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc 36 thương hiệu Hàn Quốc, 135 đối tác đến từ 12 nước châu Á và 30 đối tác đến từ khu vực Âu Mỹ sẽ không làm việc tại sự kiện này.
"Chúng tôi đã quyết định hủy bỏ Tuần lễ thời trang Seoul và sẽ đưa ra thông báo chi tiết cho các bên liên quan trong những ngày tới. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ hỗ trợ các thương hiệu Hàn Quốc bằng việc tổ chức hội chợ thiết kế quốc tế trong thời gian tới", cơ quan chức năng đưa ra tuyên bố.