Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mắc bệnh Down đầu tiên tranh cử vào quốc hội Peru

Bryan Russell (27 tuổi) vừa trở thành ứng viên quốc hội Cộng hòa Peru sau nhiều khó khăn vì mắc chứng bệnh Down.

Associated Press đưa tin đây là bệnh nhân Down đầu tiên có tên trong danh sách bầu cử của quốc gia này.

Mục đích tham gia cơ quan lập pháp của Russel là phá vỡ định kiến xã hội về cộng đồng người bệnh Down, cho thấy họ hoàn toàn có thể hoạt động độc lập và bình đẳng như những người bình thường khác.

Đồng thời, anh muốn tận dụng chiến dịch bầu cử của mình để nâng cao nhận thức của xã hội với nhóm người khuyết tật, chống tham nhũng và các thể chế dân chủ đang suy yếu.

benh nhan Down anh 1

Bryan Russell trong một cuộc vận động cử tri. Ảnh: AP News.

Hàng ngày, Russell tập thể dục nhằm rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị cho lần bỏ phiếu sắp tới. Anh cũng tích cực vận động, tới từng nhà dân tại Lima (Peru) thuyết phục các cử tri. 

“Tôi muốn tất cả bệnh nhân như mình có thêm tiếng nói”, anh Russell phát biểu tại một buổi gặp mặt.

Russell là ứng cử viên cho Peru-Nacion, một đảng phái ít được chú ý đến. Chiến dịch táo bạo trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 26/1 vừa qua của Russell đã khiến nhiều người thay đổi cách nhìn về Peru-Nacion. 

“Chúng tôi rất vui mừng vì Bryan Russell tham gia tranh cử quốc hội”, ông Michelle Sie Whitten, chủ tịch và CEO của Quỹ cho biết. Hành động của Russell đang chứng minh cho toàn thế giới thấy khả năng và nghị lực sống của những bệnh nhân Down.

Russell từng theo học ngành truyền thông tại Đại học Peru San Ignacio de Loyola. Cha mẹ chính là người truyền lửa, cổ vũ cho sự phát triển và tự tin tìm kiếm con đường riêng của người đàn ông này. Mẹ của Russell, bà Gladys Mujica, là giáo viên dạy Tiếng Anh.

“Anh ấy đang cố gắng làm hết sức, trong khi những người bình thường khác tham nhũng, trục lợi. Đó là khác biệt rất lớn”, ông Carlos Maza, một người đàn ông đã nghỉ hưu, nói. Ông cũng cho biết mình sẽ bỏ phiếu cho Russell.

benh nhan Down anh 2

Bryan Russell và mẹ. Ảnh: AP News.

Theo thống kê chính thức, trong số 30 triệu người dân Peru, khoảng 3 triệu người khuyết tật. Tuy nhiên, không có ước tính cụ thể về số người mắc hội chứng Down. Nhà sử học Liliana Peñaherrera, người sáng lập Tổ chức Hội chứng Down Peru, ước tính 25.000 người dân mắc bệnh này.

Nhà tâm lý học Patricia Andrade cho biết ngày càng nhiều bệnh Down đang đấu tranh để vượt qua định kiến. Họ phải chịu bất công khi nhiều chủ lao động trả công rẻ, kỳ thị hoặc bạo hành.

Năm ngoái, Peru đã thay đổi luật pháp, cho phép những người khuyết tật thực hiện quyền công dân một cách độc lập mà không cần đến người đại diện. Đặc biệt, trong các hoạt động như kết hôn, bỏ phiếu, ký hợp đồng làm việc, mở thẻ tín dụng.

Peñaherrera hoan nghênh hành động của Russell. Bà cho rằng nó đã thu hút sự chú ý của những người đấu tranh chống phân biệt đối xử trên toàn thế giới.

Năm 2013, một bệnh nhân Down khác là Ángela Bachiller trở thành ủy viên HĐND thành phố Valladolid, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, sau đó, cô không tiếp tục tranh cử mà tiếp quản vị trí của một thành viên trong hội đồng bị sa thải vì tham nhũng.

Người đàn ông mắc bệnh Down nhận 2 bằng cử nhân

Ngoài 2 bằng cử nhân Tâm lý học giáo dục và Tâm lý học nghệ thuật, Pablo Pineda còn được nhận giải "Nam diễn viên xuất sắc" tại Liên hoan phim quốc tế San Sebastián.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm