Chiều ngày 5/11 khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) đông người hơn hẳn những ngày trước. Các cửa hàng ăn uống, bán đồ lưu niệm nhộn nhịp người ra kẻ vào. Tin nơi này mở cửa miễn phí trong sáu ngày đã kéo lượng khách tăng gấp bốn lần so với bình thường.
Tuy nhiên sau giây phút bán hàng luôn tay, nhiều tiểu thương bắt đầu lo lắng khi nghĩ tới khoảng thời gian nơi này đóng cửa trong gần hai tháng tiếp theo, vì khi đó mọi hoạt động buôn bán của họ sẽ bị ngưng trệ.
Một công nhân buồn bã trước khi khu du lịch đóng cửa. |
Ông Trần Đình Mão – chủ một cửa hàng kinh doanh quà lưu niệm cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ khi nhận được thông báo nơi này sẽ đóng cửa. Sự việc quá nhanh khiến tôi cũng chưa biết phải xoay sở thế nào. Giờ chỉ gắng bán được ngày nào hay ngày đó”.
Cũng theo ông Mão, việc này gây khó khăn lớn cho những người làm dịch vụ tại đây. “Ngoài chuyện mất đi số tiền lời trong thời gian này (nếu bán hàng - PV), chúng tôi còn phải bù ra tiền để trả lãi cho số tiền đi vay dùng để mua hàng (không bán được hàng sẽ không thể xoay vòng vốn -PV), ông Mão nói.
Hiện nay cửa hàng ông đang thuê có diện tích 20 m2. Với mức phí 500.000 đồng/m2, mỗi tháng ông sẽ phải trả 10 triệu đồng. Trong thời gian đóng cửa, công ty Đại Nam sẽ không tính tiền thuê mặt bằng.
“Ngoài việc không tính tiền thuê, chúng tôi chưa biết công ty có hỗ trợ thêm gì không”, ông Mão cho hay, và gửi gắm: “Tôi không biết rõ mâu thuẫn giữa ông Dũng và tỉnh Bình Dương ra sao. Tôi chỉ mong rằng các bên hãy cùng nhau giải quyết sớm để chúng tôi tiếp tục được làm ăn, buôn bán”.
Ông Mão bên gian hàng của mình. |
Tuy vậy ông tỏ ra đồng cảm với ông Dũng (ông Huỳnh Uy Dũng – PV) vì: “Công ty quyết định đóng cửa thì chúng tôi chấp hành. Bởi bản thân ông Dũng cũng không hề muốn việc này xảy ra. Tôi biết khi đóng cửa như vậy ông ấy bị thiệt hại rất nhiều”.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Hóa – Bộ phận bán chiết khấu (nhận lương theo tỷ lệ phần trăm của số hàng bán được, hàng của công ty Đại Nam) cũng thấy rất lo lắng trước thông tin này. Khác với những nhân viên chính thức của Đại Nam vẫn được hưởng nguyên lương, bà Hóa sẽ không được nhận lương do không bán được hàng (nước giải khát).
Dù vẫn nhận lương như bình thường nhưng một công nhân của công ty Đại Nam “rất buồn khi biết tin”. “Không ai muốn nơi mình đang làm việc xảy ra một biến cố như thế này. Tuy thông báo chỉ đóng cửa gần hai tháng nhưng tôi có cảm giác như mình sắp mất việc vậy”, người công nhân nói.
Hiện nay anh được trả khoảng 3 triệu đồng/tháng, cộng thêm 25.000 đồng tiền ăn cho mỗi ngày làm việc. Khi công ty đóng cửa anh sẽ được trả 3 triệu, không còn tiền ăn.
Bà Hóa buồn rầu bên gian hàng của mình. |
Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, nhiều tiểu thương, nhân viên, công nhân tại đây đều không muốn công ty rơi vào hoàn cảnh này. Tuy vậy tất cả đều cho rằng đây là việc “chẳng đặng chẳng đừng” mà ông Dũng phải làm. Nói về mong muốn, họ chỉ mong khu du kịch sớm mở cửa trở lại để hoạt động bình thường.
“Đóng cửa thế này ông Dũng thiệt hại biết bao nhiêu, nhưng ông ấy là người 'chơi đẹp'. Khi nhân viên, tiểu thương bị thiệt hại ông ấy giải quyết rất sòng phẳng, không để ai bị thiệt. Tôi tin lần này cũng vậy”, một người bán hàng tại đây nói đến “đại gia” Huỳnh Uy Dũng bằng giọng nể phục.
Trong khi các tiểu thương lo “sốt vó” thì người dân lại rất hồ hởi. Theo ghi nhận của PV trong ngày 5/11, tại các khu vực miễn phí như vườn thú, biển, một số trò chơi đều chật người đứng xem.
“Bình thường riêng tiền vé đã mất chừng 300.000 mỗi người (vé vào cổng, vào vườn thú, vào biển…đều tính riêng - PV) mà không thể đi hết trong cùng một ngày, nay được miễn phí là chúng tôi đỡ lắm. Hôm nay cả nhà tôi mới đi được khu đền thờ và khu biển, ngày mai sẽ tiếp tục vào khu vườn thú và giải trí để các cháu vui chơi”, bà Huỳnh Thị Bé Năm cười “phớ lớ” trả lời PV khi ra về vào chiều ngày 5/11.