Là người gốc Huế, lặn lội ra Hà Nội làm công nhân từ những năm 1990. Do đời sống khó khăn, sau nhiều lần loay hoay một số nghề, năm 1997 vợ chồng chị Ngô Thị Hoa quyết định nấu cháo trai hương vị miền Trung để bán thử. "Không ngờ ngay nồi cháo đầu tiên đã bán hết rất nhanh, thậm chí không còn cháo để bán”, chị Hoa kể.
Sau 14 năm, đến nay quán cháo trai Huế của chị Hoa được rất nhiều người biết đến. Gọi là quán nhưng thực ra chỉ là một khoảng sân nhỏ tại khu nhà A4 tập thể Thành Công, hơn chục chiếc ghế nhựa vừa để cho khách ngồi vừa làm bàn đơn giản nhưng rất thuận tiện.
Quán cháo 14 năm của chị Hoa ngày nào cũng đông khách. Ảnh: Trịnh Nguyên. |
Bấy nhiêu năm ở thủ đô, đã có một vài âm từ xứ Bắc lơ lớ lẫn vào, nhưng chất giọng Huế của chị Hoa vẫn không thể lẫn đi đâu được. Chị cho biết, khách hàng có người nói, chính chất giọng và sự thân thiện, nhẹ nhàng là một trong những yếu tố khiến quán chị đắt khách.
Nguyên nhân khách quan hơn, theo chị, là món ăn được bán tại đây. Cháo trai chỉ là món ăn vặt bình dân, giá rẻ nên gần gũi, thân thuộc với số đông nhu cầu mọi người. Các nguyên liệu nấu cháo, về cơ bản vẫn là bột gạo xay, thịt, nước trai... và gia vị ăn kèm là hành khô, tiêu, quẩy, rau răm... nhưng được chế biến theo kiểu Huế, vì thế mà lạ miệng.
Để nấu được 3 nồi cháo to bán mỗi chiều, chị Hoa phải thuê 3 nhân công. Những nhân viên này phụ trách khâu sơ chế 50 - 70 kg trai sống từ 6h sáng cho đến 12h trưa mới xong. Sau đó, người nấu cháo là chị Hoa. “Cũng bận bịu như con mọn ấy”, chị chủ quán trai Huế nhỏ nhẹ. Theo chị Hoa, cháo trai là món ăn bình dân, giá lại không quá đắt nên nhiều người ăn quen rồi trở lại, thậm chí giới thiệu người quen, bạn bè.
Bình quân mỗi chiều, chị Hoa bán hết 2 - 3 nồi cháo to. Giá mỗi bát là 15.000 đồng, thu nhập bình quân 2 - 3 triệu đồng/ngày vào mùa hè và 5 - 8 triệu đồng vào mùa đông. “Mọi người cứ hay giấu diếm chuyện thu nhập, thực tế mình nghĩ, chuyện kinh doanh lãi lời có phải có. Quan trọng mình xem khách hàng là người thế nào, và cách mình đối xử lại với khách hàng bằng những tâm huyết”, chị cho hay.
Chị Hoa bán cháo đã được 14 năm và có khá nhiều khách quen. Ảnh: Trịnh Nguyên. |
Điều chị vui nhất với chị Hoa quán không chỉ phục vụ người dân xung quanh tập thể Thành Công mà còn có học sinh, sinh viên các trường học. Nhiều người nhà khá xa, thậm chí từ ngoại thành cũng tìm đến quán. Nhiều vị khách ăn cháo tại đây từ khi mở cửa đến nay.
Chị Hương (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã 10 năm làm khách ruột của quán cháo trai Huế này cho biết, đã ăn ở đây từ khi giá chỉ 3.000 đồng/bát. Thời đó, chị Hương còn đang là sinh viên trọ học tận Cầu Diễn, nhưng cuối tuần nào cũng cố gắng đạp xe lên Thành Công để ăn cháo trai Huế. Hiện nay, dù làm việc rất xa khu vực Thành Công nhưng nếu có dịp đi qua chị vẫn luôn ghé vào. Theo chị Hương, cháo ngon lạ là một chuyện nhưng ghi điểm trong mắt khách hàng chính là phong cách phục vụ hiền lành đôn hậu của chị chủ quán. Ai đã từng đến quán đều ấn tượng với với giọng nói dễ nghe, nụ cười hiền lành suốt bao nhiêu năm của chị chủ.
Cũng là khách hàng gắn bó với món cháo trai khu tập thế Thành Công suốt thời gian dài, nhưng anh Hưng (phố Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) lại chưa một lần ngồi ăn tại quán. Anh kể, cả hai vợ chồng đều bận bịu, nên nhiều khi tan sở muộn, không kịp nấu cháo cho các con và thường xuyên mua cháo ở đây cho 2 cô con gái nhỏ. Là khách quen của quán, thi thoảng sợ hết hàng nhanh, anh Hưng chỉ cần gọi điện cho chị Hoa dặn trước, đến lấy hàng mới trả tiền.
Hiện nay, ngoài quán cháo trai chị Hoa đứng bán thì quán bún bò Huế cách đó không xa do chồng chị quản lý cũng rất đông khách. Chị Hoa nói, cũng nhờ quán cháo mà cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước. Dù vậy, chị cũng không có tham vọng mở rộng hoặc nâng cấp quán cháo sang trọng hơn. Vì theo chị, cháo trai luôn là một món ăn dân dã, quen thuộc. “Ở Hà Nội cháo trai là một trong những món ăn vặt nên tốt nhất cứ giữ sự thân quen vốn có của nó thôi”, chị Hoa chia sẻ.