Trong chiếc áo polo hồng nhạt, quần short khakis màu hồng đậm, đôi giày da lộn đế mềm màu đen và chiếc mũ fedora trắng, ông Hoàng Khải, chủ “lâu đài” Tajmasago trông giống một khách du lịch nhiều tiền, nhàn tản hơn là một doanh nhân. Đây là phong cách hằng ngày của ông, và “lâu đài” hiện là đại bản doanh chính của Khải Silk. “Lâu đài” là cách chủ nhà gọi tên khách sạn mang đậm nét kiến trúc Hồi giáo xứ Marocco, tọa lạc tại trung tâm Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM.
Ông chủ Khải Silk. |
Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà màu trắng với những chi tiết vòm cửa cầu kỳ này gợi nhớ đến khu lâu đài nổi tiếng Alhambra xứ Granaha, Tây Ban Nha. Vào bên trong, cũng vẫn những chi tiết kiến trúc ấy nhưng nội thất lại được trang trí pha trộn hài hòa nhiều trường phái, từ bàn ghế cổ Trung Hoa đến phong cách châu Âu hiện đại, màu sắc táo bạo. Người đứng đằng sau sự xa hoa được sắp đặt tỉ mỉ đến từng chi tiết nơi đây chính là ông chủ Hoàng Khải, nhà đầu tư kiêm thiết kế, tự tay sắm sửa và sắp đặt tài sản trị giá 15 triệu đô la Mỹ này. Ông Khải cũng thiết kế hầu hết những khoản đầu tư khác của mình, một chuỗi 12 nhà hàng cao cấp (fine-dining) trên cả nước, những cửa hàng thời trang mang thương hiệu Khải Silk, chưa kể đến tòa cao ốc thương mại – văn phòng Paragon tại quận 7. Được biết đến nhiều với cái tên Khải Silk, thương hiệu lụa thời trang mà ông tạo ra, ông Khải có hình ảnh gắn với một nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí hơn là một doanh nhân.
Năm 2007, thời hưng thịnh của thị trường, ông Khải sắm xe Rolls Royce, trở thành một trong những chủ nhân đầu tiên của chiếc xe biểu tượng của giàu sang ở Việt Nam. Ông cũng đàm phán với nhà đầu tư Phú Mỹ Hưng và thuê được những vị trí tốt với giá thuê thấp “như cho không” để phát triển một loạt dự án nhà hàng cao cấp, trong đó đáng kể nhất là dự án cao ốc văn phòng – khu thương mại Paragon trị giá 35 triệu đô la Mỹ cùng đầu tư với bà Lê Hoài Anh, chủ tịch công ty Thủy Lộc.
Tòa nhà Paragon, Quận 7. |
Nhưng vận may không phải lúc nào cũng mỉm cười với Khải Silk. Paragon khánh thành năm 2009, đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới và mốc đi xuống của thị trường bất động sản. Khu Paragon gặp khó khăn trong việc lấp đầy diện tích. Các công ty thuê tại đây như rạp chiếu phim MegaStar, trung tâm thương mại Parkson… chịu cảnh vắng khách. Tuy nhiên, trong buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam, ông Khải cho biết tình hình hiện nay đã cải thiện nhiều, 80% diện tích cho thuê đã được lấp đầy.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh chung của thị trường vẫn khó khăn. Đối tác của ông Khải là công ty Thủy Lộc chuyên kinh doanh các cửa hàng mỹ phẩm và thời trang cũng đang trải qua một giai đoạn gian khó, phải đóng bớt một số cửa hàng bán lẻ, và có nhiều tin đồn về nợ nần.
Ông Khải cho biết các công ty của ông cũng không tránh khỏi những khó khăn trong việc cân bằng các khoản vay. “Kinh doanh thì không ai không vay nợ, tôi vay vốn từ nhiều ngân hàng, điều quan trọng là mọi người đều ngồi lại với nhau và thảo luận, cùng tìm ra giải pháp. Khó tôi thì có khó anh không?”.
Mặc dù từ chối cung cấp thông tin về tài sản cũng như doanh thu hoặc các khoản nợ, ông Khải cho biết các mảng kinh doanh hiện hữu của ông, từ các cửa hàng sản phẩm lụa mang thương hiệu Khải Silk, đến 12 nhà hàng và khách sạn cao cấp mới mở Tajmasago, đều đang đem lại nguồn thu đều đặn, dù không lớn. Nhưng trên thị trường vẫn nhìn vào các khoản đầu tư của Khải Silk với sự nghi ngờ nguồn gốc sự giàu có của ông Khải. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Khải chỉ cười. Ông nói, “Có lẽ họ không hiểu những thứ tôi làm đều thuê được rất rẻ, vì mình là người tiên phong”.
Lâu đài Tajmasago. |
Khởi nguồn của Khải Silk là một cửa hàng thêu nhỏ của gia đình ở số 96, phố Hàng Gai, Hà Nội. Những người bạn cùng thời kể lại, những năm 1980, Khải là một thanh niên Hà thành cao ráo đẹp trai, nhà ở trung tâm khu phố cổ, theo học đàn ở Nhạc viện Hà Nội, tính quảng giao nên ngay từ hồi trẻ đã giao du với nhiều bạn bè là người nước ngoài. Là anh cả trong một gia đình có ba anh em trai, từ năm 17 tuổi, Khải đã giúp mẹ kinh doanh, chuyển cửa hàng thêu thành cửa hàng tơ lụa chuyên bán các mặt hàng lưu niệm làm từ lụa. Cuối những năm 1980, khách du lịch tới Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là chuyên gia Thụy Điển làm việc tại nhà máy giấy Bãi Bằng. Lúc đầu bán hàng chủ yếu cho những người này, sau đó Khải bắt đầu đi nước ngoài, sang Thái Lan, Singapore, thấy những nơi ngày rất phát triển, nên muốn làm một cửa hàng lụa bài bản, sang trọng tại Hà Nội. Năm 25 tuổi, Khải bỏ học tại Nhạc viện Hà Nội, chính thức thành lập cửa hàng Khải Silk. Cửa hàng đầu tiên ở phố Hàng Gai làm ăn tấn tới kéo theo sự phát triển của rất nhiều cửa hàng tơ lụa và đồ lưu niệm khác dọc phố Hàng Gai, Hàng Bông. Khi nhìn lại thời gian này, ông Khải bình luận: “Chính tôi là người khai sinh ra phố tơ lụa ở Hàng Gai”.
Trong giai đoạn này, việc kinh doanh tơ lụa giúp ông Khải tích lũy tiền mặt, bắt đầu mua bất động sản tại Hà Nội và những nơi khác. Một trong những khoản đầu tư lớn của ông cách đây 15 năm là Hội An Riverside Resort, một trong những khu nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên ở Hội An vào cuối những năm 1990. Khách sạn này kinh doanh thành công và được ông Khải bán đi sau đó vài năm, thu lời gấp vài lần so với lúc mua. Ông Khải kể, thời gian này đầu tư bất động sản đều bằng tiền tích lũy, không vay vốn ngân hàng, không đòn bẩy. “Nếu biết vay vốn ngân hàng để đầu tư lúc đó, thì có thể tôi còn giàu hơn gấp nhiều lần!” ông nói.
Năm 2000, Khải quyết định chuyển toàn bộ kinh doanh vào TP.HCM. Bước chuyển này đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp kinh doanh của ông, khi ông đầu tư mạnh hơn và lớn hơn vào nhà hàng, bất động sản và khách sạn. Vào đến TP.HCM, ông dùng tiền tích lũy từ trước mua ngay một ngôi nhà trên đường Đồng Khởi, mở tiệm Khải Silk đầu tiên. “Lúc đó giá cũng tới cả ngàn cây vàng rồi,” ông nói. Ông Khải nhanh chóng có thêm nhiều bạn bè là những người thành đạt, rồi trở thành thành viên của YPO (tổ chức các chủ doanh nghiệp trẻ quốc tế). Ý định mở cửa hàng nảy sinh. “Bạn bè nói, sao không có những nhà hàng thực là sang?” Nhà hàng sang trọng đầu tiên được ông Khải đầu tư là nhà hàng Pháp Au Menoir de Khai, tại một biệt thự cũ trên đường Điện Biên Phủ, nhưng “mở ra rất đẹp mà lúc đầu không có khách, phải 2, 3 năm sau mới có khách”. Sau đó là hàng loạt nhà hàng sang trọng khác như Nam Kha, Nam Phan, các nhà hàng ở Phú Mỹ Hưng. Những nhà hàng này đáp ứng nhu cầu ẩm thực mang tính văn hóa cao của giới có tiền, nhu cầu tiếp khách sang trọng, khách nước ngoài của nhiều doanh nghiệp.
Giờ đây, khi các thành phố lớn đã có thêm nhiều lựa chọn về nhà hàng đẳng cấp, thì ông Khải vẫn được coi là một trong những người đầu tiên đầu tư bài bản vào các nhà hàng loại này. Mới đây, ông Khải cho tôn tạo lại ngôi nhà cổ ở số 26 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, ngôi nhà của Điền gia tộc mà ông mua cách đây 20 năm với giá 4 cây vàng, đặt tên lại là Khai Brothers, chuyên ẩm thực Hà Nội. Khai Brothers vừa mở lại tạo ra một sự kinh ngạc mới về thẩm mỹ của người chủ.
“Ấn tượng lớn nhất của tôi về anh Khải là tính sáng tạo, cả trong những thứ anh ấy tạo ra và cả trong các ý tưởng kinh doanh”, bà Hoàng Thị Mai Hương, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty quảng cáo Sattchi & Sattchi Việt Nam, một người bạn của ông Hoàng Khải, nhận xét. Nhiều doanh nhân khác cũng tỏ ra khâm phục khiếu thẩm mỹ và tầm nhìn của ông Khải trong việc đầu tư những nhà hàng cao cấp, nhưng cũng có ý kiến chê các món ăn là không có gì đặc biệt. “Khải là người thích tạo ra cái đẹp”, một doanh nhân gốc Hà Nội khác nhận xét. “Về ẩm thực, mỗi người một khẩu vị, nhưng không thể phủ nhận tính thẩm mỹ trong các nhà hàng của Khải Silk”.
Ông Khải là người duy mỹ, chú ý đến từng chi tiết: chỉ để trang hoàng lâu đài Tajmasago dịp giáng sinh này, ông thuê hẳn một chuyên gia trang trí giáng sinh từ London qua.
Ông Khải cho rằng khả năng lớn nhất của ông là thuyết phục người khác, “rất mạnh mẽ”. Ông kể, ông chỉ mất 45 phút tại phòng chờ sân bay để thuyết phục bà Ba Dah Wen, tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng cách đây vài năm, giao đất cho ông xây Tajmasago. “Hồi đó tôi có quá nhiều dự án bên này rồi nên Phú Mỹ Hưng không muốn giao nữa”. Sau cuộc nói chuyện, bà Ba đồng ý cho ông Khải thuê đất trong vòng 25 năm, với giá không được tiết lộ, chỉ được miêu tả là rất thấp.
Làm bạn với giới nghệ sĩ, giải trí, ông Khải còn tham gia vào lĩnh vực này với tư cách giám khảo chương trình MasterChef. |
Những người quen biết ông Khải nhìn nhận thành công của ông nằm ở khả năng ứng đáp linh hoạt với thời cuộc, sự khéo léo trong duy trì các mối quan hệ và thái độ luôn vui vẻ với cuộc đời. Các mối quan hệ với giới giải trí, những người nổi tiếng giúp rất nhiều cho ông chủ Khải Silk trong việc khuếch trương danh tiếng các nhà hàng, khách sạn và thương hiệu thời trang. Tại lâu đài Tajmasago (ghép từ hai tên Taj Mahal và Sài Gòn), còn nhiều buổi tiệc được tổ chức với sự góp mặt của giới giải trí, giới có tiền và những người muốn định vị mình thuộc giai cấp thượng lưu mới. Ông Khải tỏ ra thoải mái trong vài trò doanh nhân lẫn vai trò người nổi tiếng khi tham gia trong ban giám khảo chương trình truyền hình thực tế MasterChef.
Người đàn ông vẫn còn độc thân ở tuổi 50 này luôn nở nụ cười thường trực, “như ông địa”, là cách mà bạn bè miêu tả ông, và đôi mắt luôn hấp háy như đang ủ một kế hoạch làm ngạc nhiên tất cả mọi người