Vài tuần trước Giáng sinh, Ông Đào Mạnh Tiến (70 tuổi), người kéo chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội nhập viện để phẫu thuật vùng bụng.
Cùng lúc đó, người ta dỡ hết hệ thống dây kéo chuông của nhà thờ, thay bằng mô tơ điện. Những quả chuông khổng lồ treo trên đỉnh tháp cao hơn 30m, từ nay tự động rung lên trong đêm Giáng Sinh cũng như những buổi lễ thường ngày.
Ông Tiến xuất viện với vết sẹo dài ở bụng, trở về nhà là căn gác nhỏ trên phố Nhà Chung. “Tôi nghỉ việc từ mùa Giáng sinh này”, người đàn ông làm công việc kéo chuông Nhà thờ Lớn suốt 22 năm qua bùi ngùi chia sẻ.
Người kéo chuông cuối cùng
Lững thững bước dọc theo Nhà thờ Lớn trong khi vết mổ ở vùng bụng chưa lành hẳn, mặc chiếc áo phông, quần jean short cũ sờn, người kéo chuông nhà thờ nom như đã về hưu lâu lắm. Mấy bà Sơ vẫy tay chào ông. Một cậu thanh niên chặn đường, hỏi ông về chiếc ghế xoay bị hỏng mà ông hẹn sẽ sửa chữa.
22 năm qua ông Tiến thường xuyên có mặt tại Nhà thờ Lớn để làm công việc kéo chuông. Ảnh: Ngọc Tân. |
Ông Tiến giật mình khi chuông nguyện lúc 12h ngân lên. 3 hồi, 9 tiếng. Người kéo chuông không đứng trong tháp chuông. Máy móc thay thế con người khá đột ngột, ông Tiến vẫn chưa quen với suy nghĩ mình đã nghỉ việc. Và nếu chuông điện được duy trì mãi, ông sẽ là người kéo chuông Nhà thờ Lớn cuối cùng.
“Chuông điện vừa ngân đúng giờ lại đỡ sức người lắm, nhưng cảm giác vẫn không hay, không rền như chuông người kéo, thi thoảng bị hẫng nhịp”, ông Tiến thổ lộ.
Ông Tiến lớn lên ở phố Nhà Chung. Thời trẻ, ông là công nhân cung ứng vật liệu xây dựng, từng tham gia xây nhiều công trình lớn ở Hà Nội như: Chợ Hôm, nhà tù Hỏa Lò (Cầu Diễn).
"Ai đã là người Công giáo thì sinh ra cũng đều được mang đến nhà thờ để rửa tội, để đặt tên thánh. Tên thánh của tôi là Giuse", ông Tiến nói.
Năm 1954, gia đình ông Tiến nằm trong số những giáo dân không di cư vào miền Nam sau hiệp định Geneve. Những mùa Noel ở miền Bắc trong chiến tranh, theo mô tả của ông là vắng và buồn. Trên đỉnh Nhà thờ Lớn Hà Nội chỉ vỏn vẹn 1 ngôi sao trong đêm giáng sinh 1972. Cả thành phố hạn chế đèn điện vì máy bay địch quần thảo.
Hệ thống chuông trên đỉnh tháp Nhà thờ Lớn. Ảnh: Ngọc Tân. |
“Tiếng chuông thì không ngưng được. Người gác chuông vẫn kéo chuông, giáo dân vẫn hành lễ”, ông Tiến nói.
Đến năm 1996, ông Tiến bắt đầu nhận công việc kéo chuông Nhà thờ Lớn. Ở độ tuổi mà nhiều người “ngấp nghé chờ hưu”, ông vẫn rất sung sức và đón nhận công việc một cách tự nhiên.
“Tôi kéo chuông nhà thờ từ năm 49 tuổi, trước tôi là thầy Đạt, trước thầy Đạt là ông Bình, nhà thờ không bao giờ được thiếu người kéo chuông”. Theo người đàn ông 70 tuổi, tiếng chuông là tiếng Chúa gọi, nên phải đều, phải đúng giờ. Người kéo chuông không chỉ cần sức khỏe mà phải kéo bằng cả tâm hồn.
Những chiếc chuông cổ được làm từ thời Pháp, trên thân còn ghi dòng chữ "INDOCHINE" (Đông Dương) và "TONKIN" (Bắc Kỳ). Ảnh: Ngọc Tân. |
“Những năm chưa có nhà cao tầng, tiếng chuông Nhà thờ Lớn ngân xa lắm, hồi trẻ có lần tôi đứng ở Xí nghiệp May 10 bên kia sông vẫn nghe thấy chuông. Bây giờ khó hơn, đứng ở cầu Long Biên thì may ra”.
22 năm đón Noel, Giao thừa trong gác chuông
Tháp chuông Nhà thờ Lớn cao 31 m, có một hệ thống cầu thang hẹp bằng gỗ dẫn lên đỉnh tháp. Tầng 2 của tháp là sàn gỗ rộng khoảng 10 m2, nơi ông Tiến làm công việc kéo chuông hơn hai thập kỷ.
Sân trước Nhà thờ Lớn nhìn từ đỉnh tháp chuông. Ảnh: Ngọc Tân. |
Có những ngày mặc áo mưa kéo chuông vì mưa hắt vào qua các vòm cửa. Ốm đau đến mấy cũng không được bỏ công việc. “Nếu không có lòng tin, anh không làm được đâu”, ông Tiến nói.
Nhớ lại ngày mới nhận việc, ông thao thức đến sáng vì sợ ngủ quên quá giờ kéo chuông. Ông không bao giờ dám đi quá xa nhà thờ, dù là đi thăm họ hàng hay du lịch. Đồ vật luôn bên ông là chiếc đồng hồ và radio để so giờ với đài tiếng nói.
“Một ngày bình thường sẽ có 4 lần kéo chuông: Vào 5h (chuông lễ sáng), 12h (chuông nguyện), 18h (chuông lễ chiều) và 19h (chuông “tắt lửa”). Riêng ngày Chủ nhật có đến 9 lần kéo chuông do có nhiều buổi lễ. Có cả buổi lễ bằng tiếng Pháp và tiếng Anh cho giáo dân ngoại quốc", ý nghĩa của từng hồi chuông được ông Tiến say sưa giảng giải.
Cứ đến đêm giao thừa, người kéo chuông lại trực sẵn trong tháp. Công việc của ông là đảm bảo tiếng chuông Nhà thờ Lớn ngân vang cùng lúc với tiếng pháo hoa lúc 0h ở phía hồ Gươm. "Thế nên chẳng có giao thừa nào được ở nhà", ông cười.
Hệ thống chuông tự động thay thế cho người kéo. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trong gác chuông hôm nay, những sợi dây chuông to hơn bắp tay được tháo rời nằm dưới sàn. Trên tường là một hộp điện với dòng chữ “Hệ thống giật chuông tự động”.
Vậy là ông Tiến “mất việc” chỉ sau vài tuần đi chữa bệnh. Kẻ cướp công việc của ông là một cỗ máy với môtơ và bảng mạch lập trình.
“Chuông điện vừa ngân đúng giờ lại đỡ sức người lắm, nhưng cảm giác vẫn không hay, không rền như chuông người kéo, thi thoảng bị hẫng nhịp”, ông Tiến nói.
Về hưu ở tuổi 70
"Các con tôi cũng không muốn tôi tiếp tục công việc này, vì lo tuổi già lên xuống cầu thang sẽ nguy hiểm. Nhiều lần tôi bảo 'cứ làm đi, còn Chúa sẽ lo liệu'", ông Tiến mỉm cười với khuôn mặt đồi mồi và mái tóc bạc.
Không khí Giáng sinh 2018 phía trước Nhà thờ Lớn. Ảnh: Việt Linh. |
"Tôi cũng biết là người ta chờ đợi tiếng chuông của mình. Dù sao Giáng sinh cũng là lễ lớn nhất của người Công giáo nên tôi phải chuẩn bị chu đáo cho mỗi tiếng chuông", ông Tiến bày tỏ.
Người đàn ông 22 năm trước tự nhận mình “khỏe hơn thanh niên” rồi cũng đến ngày bước đi không vững. Căn bệnh thấp khớp đã theo ông nhiều năm. Ông bảo việc máy móc thay thế mình là điều tất yếu.
Cuộc sống không còn bị bó buộc với tháp chuông nhà thờ, ông Tiến bắt đầu trải nghiệm những ngày tự do đầu tiên của mình. Nhàn hạ hơn, nhưng lại bứt rứt mỗi khi đến giờ kéo chuông.
"Trước đây tôi làm đủ việc. Sáng sớm mở cửa nhà thờ, lễ to thì đi treo cờ, rồi lau nhà thờ, tưới cây, nhiều việc vặt khác. Có những hôm trót uống cà phê, tôi cứ chong chong thức để sáng kéo chuông. Tôi cầm chùm chìa khóa nặng nửa cân, các chìa khóa của tất cả cửa nhà thờ tôi đều giữ hết".
Với người giáo dân ngoài 70 tuổi, về hưu sau ngần ấy năm gắn bó với nhà thờ là điều không dễ dàng.
Nhà thờ Lớn Hà Nội có 2 tháp chuông. Tháp bên phải treo 4 quả chuông nhỏ và tháp bên trái treo 1 chuông lớn (chuông boòng). Trong 4 quả chuông nhỏ, có 3 quả ngân lên hàng ngày theo từng giờ lễ. Quả còn lại ngân trầm hơn, thường dùng khi có tang lễ (ông Tiến gọi là “chuông buồn”).
Chuông lớn nhất (ở tháp bên trái) gọi là chuông boòng, mỗi năm chỉ ngân lên 6 lần vào Giáng sinh và các dịp đại lễ. Chuông boòng phải ngân cùng lúc với 4 quả chuông còn lại. Bên trong lòng chuông chứa vừa 5 người trưởng thành, mỗi lần kéo chuông cần trên 10 người dồn sức.
Vào đêm Giáng sinh, gần 20 người trưởng thành tập trung tại 2 tháp chuông, tay nắm sẵn dây kéo. Ông Tiến cầm sợi dây to nhất và hô “1..2..”, tất cả đều gồng sức giật dây. Tiếng binh boong của 5 quả chuông ngân vang khắp khu phố cổ.