Cựu Thủ tướng quá cố Nhật Bản Shinzo Abe là thủ tướng Nhật có thời gian tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến. Ông để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong những chính sách về kinh tế và ngoại giao của mình, bên cạnh một số điều gây tranh cãi và nghi vấn.
Di sản của vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản
Thành tựu kinh tế nổi bật nhất của Shinzo Abe được cho là học thuyết kinh tế Abenomics. Abenomics gồm ba mục tiêu chính: Nới lỏng chính sách tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách kinh tế.
Tuy chưa đạt được mục tiêu ấn tượng, học thuyết này đã góp phần giúp ngăn ngừa nền kinh tế Nhật Bản suy sụp nghiêm trọng, xuyên suốt nhiệm kỳ của ông, kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi dư chấn suy thoái từ những năm 1990 đến 2000, xuất khẩu tăng và thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, theo Al Jazeera.
Chính sách của ông Abe đã góp phần giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi nhất định. Ảnh: AP. |
Cuối cùng, trong thời gian ông Abe tại nhiệm, Nhật Bản đã đạt được một số thành tựu ngoại giao đa phương đáng kể. Nổi bật là việc thúc đẩy đối thoại bình đẳng trong nhóm Bộ Tứ và nhận vai trò lãnh đạo hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo Foreign Policy.
Không chỉ dừng lại tại đó, kể cả sau khi đã kết thúc nhiệm kỳ của mình, những ảnh hưởng của Shinzo Abe lên chính trị Nhật Bản vẫn còn đậm nét. Tiêu biểu là sau khi về hưu, ông trở thành lãnh đạo khối lớn nhất đảng LDP, Seiwakai. Đến cuối năm 2021, địa vị và ảnh hưởng của ông càng ngày càng trở nên quyền lực hơn, theo Nippon.
Những người kế nhiệm
Kể từ sau khi ông Shinzo Abe từ chức, chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản đã trải qua hai lần đổi chủ: Ông Suga Yoshihide với nhiệm kỳ 9/2020-10/2021 và Thủ tướng đương nhiệm, ông Fumio Kishida. Cả hai vị thủ tướng trên cũng đều thuộc đảng LDP.
Ông Kishida cũng như chính quyền của mình nhận được sự ủng hộ tương đối từ cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Theo Asahi, trong bữa tiệc gây quỹ tại Tokyo vào tháng 12/2021, ông Abe đã lên tiếng thay mặt phe của ông trong việc cam kết tiếp tục ủng hộ chính quyền mới của Kishida.
Cũng theo Asahi, trước mắt, vị thủ tướng đương nhiệm đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau sự ra đi của ông Shinzo Abe cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Ông phải cân bằng lại cán cân quyền lực trong nội bộ đảng LDP, quyết định về chính sách Abenomics cũng như bổ nhiệm thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tương lai.
Ông cũng cần cân nhắc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản và giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội cấp bách khác.
Vậy liệu chăng người kế nhiệm ông Shinzo Abe sẽ tiếp thu toàn bộ những di sản mà vị cựu thủ tướng đã khuất để lại, hay sẽ đưa ra những chính sách khác biệt nhằm phá vỡ lời nguyền một năm đối với các thủ tướng Nhật Bản?
Abenomics - tiếp diễn hay từ bỏ?
Ngay sau khi nhận được tin dữ về cố Thủ tướng Shinzo Abe, truyền thông Nhật Bản và quốc tế đã cùng dấy lên câu hỏi: Liệu chính sách Abenomics sẽ được Thủ tướng Fumio Kishida kế thừa và phát huy như thế nào?
Từ trước khi diễn ra vụ ám sát, Thủ tướng đương nhiệm Kishida đã được dự đoán sẽ áp dụng nhiều thay đổi đối với chính sách Abenomics của người tiền nhiệm. Theo Foreign Policy, việc ông Fumio Kishida “quay lưng” lại với chính sách Abenomics nhằm mục đích tránh khỏi lời nguyền nhiệm kỳ một năm của các thủ tướng Nhật, ngoại trừ ông Shinzo Abe.
Ông Kishida được dự đoán sẽ áp dụng nhiều thay đổi với chính sách Abenomics. Ảnh: CNN. |
Đặc biệt, việc làm này được cho là một nước đi phù hợp với ý kiến số đông. Hãng tin Jiji của Nhật đã từng công khai một khảo sát vào tháng 10/2021 với 62,5% người tham gia đồng ý rằng chính quyền Kishida cần xem lại Abenomics, trong khi chỉ có 14,7% cho rằng việc này không cần thiết.
Tuy nhiên, ông Fumio Kishida vẫn áp dụng lại một số di sản của Shinzo Abe như việc xem xét tăng lương một lần cho các nhân viên khu vực công và cho phép các công ty tư nhân làm điều tương tự, mặc dù chính sách này không đạt được nhiều thành tựu dưới thời ông Abe.
Ngoài ra, ông Kishida cũng sẽ duy trì hai mũi tên đầu tiên trong học thuyết Abenomics là kích thích tài khóa lớn và nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thực hiện kế hoạch phát triển “quốc gia thành phố vườn - kỹ thuật số” được đưa ra trong hình thái chủ nghĩa tư bản mới được ông cam kết theo đuổi.
Về vấn đề tiền tệ, vẫn còn rất nhiều câu hỏi đặt ra liệu ông Kishida sẽ chọn ai làm người thay thế ông Haruhiko Kuroda, vốn góp phần vào chính sách nới lỏng tiền tệ của ông Abe, trong vai trò thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Điểm tạo ra sự đột phá trong chính sách kinh tế của Fumio Kishida nằm ở việc chống lại chủ nghĩa tân tự do với những cải cách nhằm tăng cao tính cạnh tranh trong thị trường Nhật Bản, nhưng lại tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Chính sách kinh tế của ông được gợi nhắc tới triết lý thương nhân thời Edo về sanpo-yoshi hay sự hợp tác tạo ra lợi ích ba bên cho người bán, người mua và xã hội, theo Economist.
Những thay đổi của ông Kishida có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong thời gian tới do sự thay đổi về cán cân quyền lực trong đảng LDP, đặc biệt là trong vấn đề tiền tệ.
Điều này được cho là do sự vắng mặt của ông Abe, người đứng đầu một nhóm các nhà lập pháp có tư tưởng ủng hộ lạm phát và chi tiêu lớn, theo ông Daiju Aoki, trưởng nhóm kinh tế Nhật Bản tại UBS Sumi Trust Wealth Management.
Cuối cùng, ông Mikitaka Masuyama, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, cho biết việc ông Shinzo Abe qua đời khiến những người ủng hộ mở rộng tài khóa mất đi động lực. Như vậy, dù vị trí của ông Kishida chưa hoàn toàn vững chắc, hiện tại ông vẫn có nhiều khả năng kiểm soát đảng hơn, theo Reuters.
Hiện thực hóa giấc mộng của Abe
Ngày 10/7, Đảng LDP của Thủ tướng Fumio Kishida đã giành được 63 ghế tại cuộc bầu cử Thượng viện, Nikkei Asia đưa tin. Hơn nữa, phe ủng hộ sửa đổi Hiến pháp bao gồm liên minh LDP - Komeito, hai đảng đối lập và đảng độc lập giữ được hơn 170 ghế, chiếm thế đa số trong 248 ghế tại Thượng viện.
Ngay sau cái chết của ông Abe, đảng LDP đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, chiến thắng vang dội của Đảng LDP diễn ra chỉ 2 ngày sau sự ra đi của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trường Nhật Bản.
“Mặc dù hiện tại, ông Kishida có thể làm mọi điều mong muốn nhưng về lâu dài, sự ra đi của ông Abe sẽ gây nhiều khó khăn cho thủ tướng đương nhiệm”, ông Hitoshi Komiya, giáo sư lịch sử chính trị Nhật Bản tại Đại học Aoyama Gakuin, nhận định.
Trước đó, trong cương lĩnh tranh cử, đảng LDP đã đề ra việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó sẽ tập trung vào môi trường an ninh.
Cụ thể, sự thay đổi hướng tới Điều 9, Chương II về Phủ nhận Chiến tranh thuộc Hiến pháp, quy định việc không “sử dụng sức mạnh để giải quyết những tranh chấp quốc tế”, đồng thời Nhật Bản cũng sẽ “không thành lập các lực lượng lục quân, hải quân, không quân hay các tiềm năng quân sự khác”.
Học giả Masatoshi Honda nhận định ông Fumio Kishida có tiềm năng trở thành thủ tướng đầu tiên thay đổi hiến pháp. Cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra cũng là “cơ hội vàng” để hiện thực hóa mục tiêu trên cũng như giấc mộng mà ông Abe vẫn luôn ấp ủ.
Việc thay đổi bất cứ điều khoản nào trong Hiến pháp Nhật Bản không phải điều dễ dàng, khi điều này cần nhận được sự đồng thuận của Thượng viện và Hạ viện, cùng với số đông công chúng ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý.
Theo cố Thủ tướng Shinzo Abe, “chính quyền Kishida có lập trường tương đối tự do hơn và có nhiều cơ hội tốt hơn để đạt được điều này (sửa đổi Hiến pháp)”, Nippon đưa tin. Ông Kishida vốn luôn được đánh giá là người theo chủ trương “bồ câu” (hòa bình).
Hơn nữa, ông là người nắm giữ tiềm lực chính trị nhất định để thực hiện quyết định sửa đổi, với vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo chính sách ở Đảng LDP, đồng thời cũng từng giữ vị trí ngoại trưởng trong 5 năm dưới thời cố Thủ tướng Abe.
Bên cạnh đó, bối cảnh khu vực, thế giới xảy ra nhiều biến động như cuộc xung đột Nga - Ukraine hay việc Trung Quốc gia tăng tham vọng quân sự, an ninh ngày càng được đề cao, khiến cho công chúng Nhật Bản bắt đầu thay đổi về thái độ đối với mong muốn sửa đổi Hiến pháp, Financial Times đưa tin.
Theo Insideline, “đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ mà chính sách đối ngoại và an ninh ưu tiên xuất hiện trong cuộc bầu cử”. Sự ủng hộ trong quan điểm của công chúng góp phần tạo thuận lợi hơn cho Thủ tướng Kishida.
Với nhiều tiến triển mới, ông Kishida cũng “bật đèn xanh” về định hướng gia tăng chi phí quân sự. Theo Reuters, vào cuối tháng 8, Thủ tướng Kishida sẽ công bố số tiền gia tăng cho chi phí quốc phòng và nội các phải thống nhất thông qua một con số cuối cùng hồi cuối năm 2022.
Tương lai nào cho Nhật Bản?
Chiến thắng vang dội của đảng LDP đồng nghĩa với việc ông Kishida, người kế nhiệm ông Abe, sẽ có thể yên tâm chuẩn bị các chính sách dài hạn, ít nhất là cho tới tận năm 2025. Ông có thể bắt đầu chuẩn bị cho việc thống nhất lại đảng, cũng như sửa đổi hiến pháp, một việc vốn chỉ là giấc mộng từ thời Shinzo Abe.
Thống nhất nội bộ đảng LDP và sửa đổi hiến pháp có thể sẽ là mục tiêu của ông Kishida. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, việc thống nhất đảng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn khi không có ông Abe. Kể cả khi vị cựu thủ tướng này đã từ chức vào năm 2020, vai trò của ông vẫn còn rất lớn khi ông dẫn dắt một phe có quyền lực lớn trong đảng. “Chúng tôi đã mất một người lãnh đạo tuyệt vời, chính vì thế chúng tôi không thể nào tránh được hoàn toàn các khó khăn”, ông Kishida chia sẻ.
Trong thời đại mới này, vấn đề an ninh trong và ngoài Nhật Bản sẽ đều là những thách thức lớn. Với việc hai đảng đối lập ủng hộ việc thay đổi hiến pháp, phe chính phủ hiện đã nắm giữ được 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết trong Thượng viện để đề xuất sửa đổi. Phe chính phủ cũng đã có sự hỗ trợ cần thiết tại Hạ viện.
Việc điều chỉnh hiến pháp để Nhật Bản được phép có một lực lượng quân đội thường trực sẽ không chỉ còn là hoài bão của ông Abe.
Vấn đề an ninh bên trong Nhật Bản cũng cần được chú tâm, đặc biệt là an toàn cho các ứng cử viên bầu cử. Với tình hình an ninh tại Nhật Bản cùng với các chính sách kiểm soát súng đạn chặt chẽ, việc bảo đảm an toàn cho các cuộc vận động bầu cử tại địa phương thực sự không quá khó khăn.
Thế nhưng, sự ra đi đáng tiếc của ông Abe đã làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn thực sự của các hoạt động này.
Hơn nữa, việc để một hành động bạo lực diễn ra trong quá trình vận động bầu cử là đáng lo ngại với nền dân chủ của Nhật Bản.
Chính ông Kishida đã lên tiếng về việc này: “Vì quyền được nói là nền tảng của dân chủ, chúng ta không bao giờ được phép để bạo lực đàn áp lời nói trong các cuộc bầu cử”.
Thế nhưng, trước khi hiện thực hóa được hoài bão của người tiền nhiệm của mình, cũng như chấn chỉnh các vấn đề khác, ông Kishida trước hết cần phải tập trung giải quyết các vấn đề đáng lo ngại hơn tại Nhật Bản. Theo ông Kishida, ông sẽ ưu tiên hơn việc giải quyết các vấn đề liên quan tới dịch bệnh Covid-19, cũng như căng thẳng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.