Năm 2008, ở tuổi 15, Lei Chunian được cả đất nước tỷ dân tung hô là "người hùng" khi cứu sống 7 người bạn trong vụ động đất kinh hoàng tại tỉnh Tứ Xuyên. Không ai ngờ rằng 6 năm sau, cậu bé anh hùng lại rơi vào vòng tù tội khi dùng danh tiếng ấy để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Sohu, ngày 12/5/2008, khi trận động đất 8,0 độ richter xảy ra, Lei Chunian đang chơi trong hành lang tầng 2 của trường trung học ở thị trấn Cifeng, huyện Bành Châu, Tứ Xuyên. Mặt đất rung chuyển dữ dội, Lei nằm trong nhóm học sinh đầu tiên chạy xuống sân trường.
Ngoái lại nhìn, thấy nhiều bạn bè đang mắc kẹt trên tầng 2, Lei quyết định quay lên. Cậu thấy 7 học sinh đang co rúm, ẩn nấp trong góc lớp học. Cậu hô lớn, chỉ đường cho các bạn chạy thoát thân.
Lei Chunian trở thành người hùng trẻ tuổi được cả nước vinh danh. |
Thế nhưng, khi các bạn đều đã chạy xuống tầng một, Lei mắc kẹt vì cầu thang đột ngột đổ sụp. Cậu nhanh trí quay lại hành lang tầng hai, nhảy khỏi lan can và bám vào một cái cây cạnh đó rồi tụt xuống. Lei may mắn chạy thoát trong khoảnh khắc toàn bộ dãy lớp học đổ sụp.
Khi động đất kết thúc, Lei đăng ký trở thành tình nguyện viên, đi lại giữa các bệnh viện và khu tái định cư để tìm kiếm giáo viên và bạn học của mình.
Lei nỗ lực tìm kiếm trong đám đông, mỗi khi tìm được một người bạn cùng lớp, cậu đều ghi lại tình hình của họ. Biết tin người bạn thân nhất của mình đã qua đời, cậu rất buồn và càng cố gắng nhiều hơn.
Khi một người thầy cần mổ vì chấn thương, Lei Chunian đã không ngại cùng thầy đến Thành Đô. Lúc thầy mổ xong, cậu còn ở lại chăm sóc thầy.
Vốn là một học sinh có học lực trung bình, khá ham chơi nhưng sau khi câu chuyện cứu bạn trong thảm họa được lan truyền, Lei bỗng chốc trở thành người hùng của đất nước.
Khi bạn bè bắt đầu quay lại trường để chuẩn bị cho kỳ thi, Lei được mời đến hàng loạt chương trình, tham gia vô số cuộc phỏng vấn báo chí, diễn thuyết khắp các vùng miền ở Trung Quốc. Cậu kể lại những câu chuyện xúc động trong cơn thảm họa.
Lei là người cầm đuốc tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. |
Lei trở thành nhân vật truyền cảm hứng nhất Trung Quốc thời điểm đó. Cậu vinh dự được trở thành người rước đuốc cho Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008.
Một trường trung học phổ thông nổi tiếng ở Thành Đô đã đặc cách cho Lei vào học mà không cần thi tuyển. Không chỉ được miễn toàn bộ học phí, mỗi tháng cậu còn được cho một số tiền học bổng. Tất cả đãi ngộ đặc biệt là nhờ danh hiệu "anh hùng dân tộc" của cậu.
Sau khi chuyển tới Thành Đô, thay vì chăm chỉ học tập, Lei chỉ mải mê đi du lịch. Cậu đưa bạn gái họ Hao tới các địa danh nổi tiếng, ở toàn khách sạn cao cấp.
Năm 2013, Lei nói với Hao rằng anh có thể giúp cô tìm công việc trong một hãng hàng không, nhưng cần cô chi 100.000 nhân dân tệ để "cảm ơn" người đưa cô vào. Sau khi nhận tiền, Lei không thực hiện lời hứa mà rời Thành Đô và đến Thâm Quyến.
Nhờ có danh tiếng, Lei còn được nhiều người khác "gửi gắm", nhờ giúp đỡ trong công việc. Lei đã lừa 2 người khác rằng sẽ giúp con của họ vào được trường tốt, nhưng sau khi nhận 175.000 tệ, cậu dùng tiền đó để ăn chơi và không bao giờ liên lạc lại với họ.
Tổng cộng, Lei đã lừa 21 người với tổng số tiền 460.000 nhân dân tệ. Anh còn bị cáo buộc làm giả con dấu của Cục giáo dục và trường dạy lái xe.
Tháng 11/2014, Lei bị xét xử tại Tòa án Nhân dân Khu Công nghệ cao Thành Đô và lĩnh án 12 năm tù.
Câu chuyện từ người hùng đến kẻ tù tội của thanh niên quê Tứ Xuyên khiến dư luận Trung Quốc một lần nữa xôn xao, đặt ra nhiều câu hỏi về ảnh hưởng của sự nổi tiếng bất ngờ đến người trẻ tuổi.
Năm 2014, Lei bị tuyên án 12 năm tù giam vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và làm giả giấy tờ. |
Lei không phải người hùng duy nhất trong vụ động đất ở Tứ Xuyên trở thành tội phạm sau khi nổi tiếng.
Chen Yan, được mệnh danh "tình nguyện viên giỏi nhất" khi cứu 29 người khỏi trận động đất ở vùng tâm chấn Vấn Xuyên, đã bị kết án vì tội lừa đảo vào năm 2013.
Năm 2010, một phụ nữ đã nhờ Chen tìm việc cho con gái và con rể của bà. Chen đã yêu cầu bà đứa 120.000 nhân dân tệ làm tiền quà cho những người có thể giúp đỡ. Sau đó, anh ta tiêu hết tiền nhưng không tìm được công việc ưng ý cho hai vợ chồng.
He Tao, một hình mẫu quốc gia về "lòng hiếu thảo và tình yêu thương đối với người già", đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự vì nghi ngờ mua bán giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước và bị thu hồi danh hiệu hình mẫu đạo đức quốc gia.