Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Người hùng Thụy Sĩ’ và hành trình đi bộ 15.000 km đến Philippines

Chia sẻ với Zing, Thomas Kellenberger - chàng trai đi bộ 15.000 km để hỗ trợ trẻ em ở Philippines - cho biết giúp đỡ trẻ em không chỉ đơn thuần là về vật chất mà còn cả tinh thần.

Thomas Kellenberger anh 1

Xuất hiện với đôi chân trần, quần kaki và áo thun dài tay in dòng chữ “Kuya Thom goes home. Walking 15.000 km to give children a home” (tạm dịch: Kuya Thom về nhà. Đi bộ 15.000 km để cho trẻ em một ngôi nhà), Thomas Kellenberger tự giới thiệu anh được gọi là "kuya".

Người đàn ông 41 tuổi này từng là một cựu cảnh sát ở Thụy Sĩ. Kể từ năm 2007, anh đã từ bỏ công việc và sáng lập Island Kids Philippines (IKP) - tổ chức hỗ trợ trẻ em ở thành phố Cagayan de Oro, Philippines. “Kuya” là cách những đứa trẻ ở làng trẻ em của IKP gọi anh như một người anh trai.

Vào ngày 25/8/2021, Kellenberger bắt đầu hành trình đi bộ 15.000 km từ Thụy Sĩ đến Philippines, với mục đích nâng cao nhận thức xã hội về hoàn cảnh của trẻ em bị bạo hành và lạm dụng tình dục ở quốc đảo này. Thông qua chuyến đi, anh mong muốn gây quỹ trị giá 165.000 USD để xây dựng làng trẻ em thứ hai.

Ấn tượng với hành trình của Kellenberger, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Grass đã mời anh dừng chân và tổ chức họp báo tại nhà riêng.

“Đây là một trong những người hùng của Thụy Sĩ”, đại sứ phát biểu trong buổi họp báo ngày 21/3. “Trong xã hội hiện nay, chúng ta sử dụng rất nhiều phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, với sức mạnh và ý chí quyết tâm, Kellenberger đã hoàn thành chặng đường dài từ châu Âu đến châu Á trên đôi chân của mình”.

“Hành trình của Kellenberger không có biên giới. Nó cho thấy chúng ta có thể cống hiến cho người khác, dù là những người (ở châu lục khác)”, ông nói thêm.

Anh trai của hơn 1.500 đứa trẻ

Theo chia sẻ của Kellenberger, anh thực hiện chuyến đi này không phải vì mong muốn được công nhận hay phá vỡ kỷ lục.

“Hành trình này thực chất được truyền cảm hứng từ mẹ của tôi - người đồng sáng lập tổ chức IKP. Bà đã qua đời vào năm 2021 do căn bệnh ung thư, và đó là lúc tôi quyết định lên đường”, anh chia sẻ.

Lần đầu đến Philippines, Kellenberger và mẹ chỉ mang tâm thế một du khách nước ngoài mong muốn khám phá những trải nghiệm hấp dẫn tại đây.

“Tuy nhiên, trong quá trình trải nghiệm, tôi đã tận mắt chứng kiến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố, đặc biệt là những đứa trẻ phải thu gom phế liệu ở các bãi rác”, anh nhớ lại. “Không những vậy, một người dân địa phương thậm chí đã mời tôi sử dụng dịch vụ mại dâm trẻ em. Tôi thực sự rất sốc”.

Thomas Kellenberger anh 2

Thomas Kellenberger trong buổi họp báo ngày 21/3. Ảnh: Hải Linh.

Từ cú sốc này, Kellenberger nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng mà trẻ em ở Philippines phải đối mặt. Kellenberger đã trực tiếp hỗ trợ cho 4 trẻ em gái trong chuyến du lịch. Khi trở lại Thụy Sĩ, anh xin nghỉ việc tại sở cảnh sát và trở lại Philippines để xây dựng tổ chức.

“(Khi nghe ý tưởng này), nhiều người cho rằng tôi là kẻ hão huyền và nên theo đuổi sự nghiệp khi còn trẻ. Nhưng mẹ tôi thì khác, bà luôn ủng hộ và tin tưởng tôi. Trong suốt những năm trước khi qua đời, bà cũng vận động gây quỹ từ các doanh nghiệp, tổ chức tại Thụy Sĩ”, anh chia sẻ.

“Tôi hy vọng hành trình này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ những trẻ em đang phải chịu cảnh lạm dụng tình dục, nạn buôn người,...”, anh nói.

Tờ Time trích dẫn kết quả nghiên cứu của UNICEF vào năm 2015 cho thấy ít nhất 17% trẻ em 13-17 tuổi tại Philippines từng bị lạm dục tình dục.

Năm 2022, Hội đồng Phúc lợi Trẻ em Philippines (CWC) ghi nhận 8.948 trường hợp lạm dụng trẻ em trên toàn quốc thông qua dữ liệu từ các đơn vị bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở tất cả bệnh viện tại Philippines, theo Philstar.

Những người lạm dụng có thể là người thân, họ hàng, người có liên hệ với gia đình nạn nhân hoặc du khách nước ngoài. Trong đó, một vụ án gây phẫn nộ vào cuối những năm 1980 đã nêu bật tình trạng thiếu sự bảo vệ cho trẻ em tại quốc đảo này.

Vào tháng 10/1986, một người đàn ông quốc tịch Áo, tên Heinrich Ritter, đã đưa một bé trai và một bé gái lang thang về phòng khách sạn ở thành phố Olongapo. Sau khi thực hiện hành vi xâm hại, Ritter trả cho hai đứa trẻ vài USD. Khoảng 7 tháng sau đó, bé gái đã chết vì nhiễm trùng nặng.

Theo người thân, bé gái khi đó chưa đủ 12 tuổi, song các công tố viên đã không chứng minh được điều này vì thiếu tài liệu. Trong khi đó, luật sư của Ritter lập luận cô bé đã tự nguyện thực hiện hành vi này vì tiền. Tòa án Tối cao Philippines cũng cho biết không có bằng chứng về việc sử dụng vũ lực hay đe dọa. Cuối cùng, Ritter chỉ bị trục xuất và yêu cầu bồi thường 1.000 USD, theo Time.

"Không chỉ đơn thuần là vật chất"

Trở lại hành trình của Kellenberger, anh đã lựa chọn con đường nhiều thử thách nhất khi vượt qua những dãy núi ở các nước Đông Âu, dãy Himalaya ở Ấn Độ hay sa mạc ở Trung Á.

Khi đến Việt Nam, anh đã đi bộ từ thành phố Điện Biên Phủ đến Hà Nội và tiếp tục chặng đường tới Vịnh Hạ Long trong 30 tiếng không nghỉ vào ngày 23/3, trước khi trở lại Philippines.

Trong suốt 15 năm hoạt động tại Philippines, Kellenberger đã tiếp xúc với nhiều trẻ em là nạn nhân của lạm dụng tình dục và buôn bán người. Chúng thường có xu hướng dè dặt và khó mở lòng với người khác. Do đó, anh cho rằng quá trình hỗ trợ không chỉ đòi hỏi nỗ lực vật chất mà còn cả sự thấu hiểu.

“Khi nhắc đến hoạt động từ thiện và hỗ trợ trẻ em, chúng ta thường nghĩ về việc cung cấp thức ăn, chỗ ở,… Tuy nhiên, giúp đỡ trẻ em không chỉ đơn thuần là về vật chất”, anh nói với Zing.

Kellenberger nhớ lại trường hợp một bé gái 10 tuổi bị bán cho cơ sở mại dâm. Một năm sau đó, cô bé được giải thoát và chăm sóc tại làng trẻ em của IKP.

“Khi đó, cô bé đã bị lạm dụng rất nhiều lần. Đó không chỉ là nỗi đau thể xác mà tâm hồn đứa trẻ đã vỡ vụn. (Với những trường hợp như vậy), chúng tôi phải là người mở lòng, xây dựng niềm tin với sự trợ giúp từ những chuyên gia tâm lý có trình độ cao”, anh nói.

Song thành phố Cagayan de Oro - nơi tổ chức IKP đang hoạt động - chỉ có một bệnh viện nhỏ và không thể hỗ trợ tất cả bệnh nhân có vấn đề tâm lý. Trong khi đó, các bác sĩ giỏi luôn muốn tìm cơ hội làm việc tốt hơn ở những nước khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt bác sĩ tại địa phương.

Tổ chức IKP cung cấp cho trẻ em bị ngược đãi, bỏ rơi nơi trú ẩn và sự bảo vệ, đồng thời hỗ trợ tâm lý, tư vấn pháp lý và cơ hội giáo dục. IKP đã triển khai một số dự án, bao gồm Làng trẻ em Zion, Trung tâm Phát triển Trẻ em Alice Rose Clover - cơ sở trị liệu tâm lý cho hơn 700 trẻ em và thanh thiếu niên từ một số khu dân cư nghèo, cùng các nạn nhân khác của bạo lực tình dục và/hoặc thể xác,...

Thomas Kellenberger anh 3

Thomas Kellenberger (trái) và Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Grass. Ảnh: Hải Linh.

Kellenberger cũng chỉ ra sự mâu thuẫn trong cách tiếp cận các vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em: Các nhân viên xã hội muốn công khai nhưng gia đình lại muốn giấu.

“Trẻ em thường bị lạm dụng trong chính môi trường được cho là an toàn nhất - ngôi nhà của mình. Chẳng hạn, trẻ em gái có thể bị lạm dụng bởi chính những người đàn ông trong gia đình”, anh nói với Zing.

“Nhưng khi được hỏi, một số người mẹ phủ nhận điều này vì sự xấu hổ, hay đơn giản là họ không muốn ảnh hưởng đến những người nuôi sống gia đình. Đó là một thách thức lớn với các nhân viên xã hội”, anh trải lòng.

Song Kellenberger đã chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nhận thức công chúng và sự can thiệp của chính phủ sau 15 năm hoạt động. Trước khi qua đời, mẹ của anh cũng đã có chuyến đi cuối cùng tới Philippines để chứng kiến những thay đổi này.

“Trước đây, các tổ chức phi chính phủ thường hoạt động riêng lẻ, nhưng hiện nay họ đã phối hợp với nhau chặt chẽ hơn”, anh nói.

“Chính quyền Philippines cũng vào cuộc tích cực hơn. Chẳng hạn, thành phố Cagayan de Oro từng không có cán bộ công tác xã hội, nhưng trong thời gian làm việc tại đây, chúng tôi đã hỗ trợ đào tạo một đội ngũ cán bộ xã hội cho thành phố”, anh dẫn chứng.

Theo chia sẻ của Kellenberger, kể từ năm 2007, IKP đã hỗ trợ khoảng 1.500 nạn nhân, xây dựng một làng trẻ em và hai trường học tại thành phố Cagayan de Oro.

Ngoài các số liệu, Kellenberger cho rằng những du khách đến Philippines ngày nay cũng có thể nhận thấy một số thay đổi.

“Philippines đã đóng cửa tất cả bãi rác lộ thiên và không cho phép trẻ em làm việc tại đây. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em ở những vùng chúng tôi hỗ trợ đều được đi học đầy đủ. Song vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết”, anh nói.

Cảm hứng từ những người phụ nữ giàu khát vọng và dám dấn thân

Zing giới thiệu những cuốn sách viết về Angela Merkel, Michelle Obama, Indra Nooyi, Sheryl Sandberg truyền cảm hứng và cổ vũ cho những người phụ nữ giàu khát vọng, dám dấn thân và muốn vươn lên.

Bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

Bên trong nơi chữa bệnh cho những người giàu nhất thế giới

Cơ sở điều trị phục hồi sức khỏe và tâm lý cho những người thuộc nhóm giàu nhất thế giới nằm ở Thụy Sĩ có chi phí hàng trăm nghìn USD mỗi tuần.

Biến đổi khí hậu khiến xương rồng thay thế tuyết trên dãy Alps

Người dân bang Valais, Thụy Sĩ đã quen với cảnh tượng những sườn núi phủ tuyết giữa mùa đông. Tuy nhiên, khi Trái Đất nóng lên, thứ họ nhìn thấy lại là những cây xương rồng.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm