Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hàn trả tiền để ngồi một mình trong quán cà phê

Nhiều người Hàn đang ưa chuộng các quán trà theo mô hình chữa lành tâm trí. Các quán này cho khách không gian tĩnh lặng một mình đọc sách, làm thơ hoặc chỉ đơn giản là ngồi không.

Cuộc sống hiện đại, cùng với những khó khăn hậu đại dịch khiến nhiều người Hàn có xu hướng tìm đến một nơi yên tĩnh để thả lỏng tâm trí. Không gian ở nhà bí bách và nhàm chán, họ tìm đến những quán trà, cà phê có góc riêng để ngồi một mình.

Trả tiền để được ngồi không

Nằm khuất trong con đường nhỏ gần công viên Seoul Forest (Seoul, Hàn Quốc) có một quán trà tên Green Lab với vỏn vẹn 10 chỗ ngồi. Đến đây, thực khách không được nói chuyện, điện thoại phải luôn ở chế độ im lặng. Các quy tắc này nhằm mục đích duy nhất: Thư giãn tuyệt đối.

quan ca phe Han Quoc anh 1

Không gian quán cà phê Green Lab yên tĩnh giữa lòng Seoul náo nhiệt. Ảnh: Michelle Ye Hee Lee.

Quán cà phê "chữa lành" này mở cửa ngay trong đại dịch, mong muốn gửi thông điệp tự chăm sóc bản thân mỗi ngày tới từng vị khách ghé thăm. Thời gian đầu, nhiều người còn lạ lẫm với việc đến quán cà phê để tận hưởng từng giây phút của cuộc sống. Hiện tại, quán mở theo 3 khung giờ cố định, luôn trong tình trạng kín chỗ thời gian gần đây, theo Washington Post.

Bae Hyun, nhân viên quán chia sẻ: “Thật khó để tìm được một không gian chấp nhận được việc bạn hoàn toàn không làm gì cả trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Mọi người có vẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc nghỉ ngơi để tự chữa lành. Khái niệm chữa lành bản thân đang dần gần gũi hơn với nhiều người khi cuộc sống của họ bị xáo trộn quá nhiều sau đại dịch".

Suốt thời gian đại dịch, quán duy trì lượng khách ổn dịch khi đem đến không gian để thực khách được rời xa những xô bồ, chữa lành và tận hưởng cảm giác “một mình không cô độc”. Sau khi dùng trà, thực khách có thể đọc sách, làm thơ, thiền hoặc chỉ đơn giản ngắm nhìn những tán cây. Khách hàng nhận trà, giỏ hoa và đồ lưu niệm nhỏ sau mỗi buổi thư giãn.

Khi tâm trí thật sự thả lỏng, tôi bắt đầu có những ý tưởng mới, đầu óc thư thái hơn nhiều.

Khách hàng của Green Lab

Jung Jae Hwan, 38 tuổi (quản lý một thương hiệu mỹ phẩm) chia sẻ với Washington Post rằng đã đưa nhóm đồng nghiệp của mình đến Green Lab. Jae-hwan cho biết anh luôn đối mặt với sự mệt mỏi khi phải cạnh tranh khốc liệt trong công việc. Để cân bằng lại cuộc sống, anh đã tìm kiếm nhiều liệu pháp thư giãn chữa lành.

Trong khi tìm một nơi có thể thư giãn tuyệt đối, anh mới tìm đến quán trà Green Lab. “Nơi đây cho phép tôi nhấn nút dừng. Dừng công việc, dừng mệt mỏi, dừng áp lực để dành chút thời gian cho bản thân. Ban đầu tôi đã gặp khó khăn vì liên tục cảm thấy mình phải làm điều gì đó”, anh chia sẻ.

“Quy tắc của quán cà phê này là tôi không được làm gì cả. Việc chỉ ngồi yên tạo ra khoảng trống trong não tôi. Tôi chỉ ngồi yên vị, đọc một cuốn sách, thưởng thức mùi hương dịu nhẹ trong căn phòng, ngắm nhìn cây cối và đôi khi còn làm thơ. Khi tâm trí thật sự thả lỏng, tôi bắt đầu có những ý tưởng mới, đầu óc thư thái hơn nhiều", vị khách nói.

Mô hình quán trà, cà phê mới

Khi Hàn Quốc bước vào giai đoạn bình thường mới, sống chung với Covid-19, không ít người tìm đến không gian công cộng yên tĩnh để ở một mình và nghỉ ngơi. Vật lộn suốt thời gian đại dịch, nhiều người Hàn cảm thấy căng thẳng khi trở lại làm việc. Thêm việc giá cả tăng vọt khiến những người trưởng thành có nhu cầu tìm kiếm không gian trốn tránh áp lực cuộc sống.

Theo Washington Post, các nhà nghiên cứu cho rằng mô hình quán trà như Green Lab giúp người tham gia nhận ra được vấn đề tâm lý đang mắc phải, giảm cảm giác cô đơn hậu đại dịch.

Yoon Duk Hwan, nhà nghiên cứu xu hướng tiêu dùng tại Hàn Quốc, cho biết ông hy vọng những buổi giải thoát tâm trí sẽ trở thành xu hướng khi người dân phải vật lộn với giai đoạn hậu đại dịch.

quan ca phe Han Quoc anh 2

Ngày càng nhiều quán cà phê "hitting mung'' xuất hiện ở Hàn Quốc. Ảnh: Hit Mung.

“Thật khó để đối diện với cảm giác bị mắc kẹt và cô đơn cùng một lúc. Mọi người mong có không gian để ở một mình nhưng không muốn quanh quẩn mãi trong nhà. Vì thế, họ ra ngoài và tìm kiếm một không gian công cộng đủ riêng tư”, ông Yoon Duk Hwan hy vọng mô hình xu hướng trị liệu tâm lý này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Xuất hiện nhiều ở Hàn Quốc

Không chỉ có Green Lab, một số không gian quán trà, cà phê tương tự cũng mọc lên ở nhiều nơi khác tại Hàn Quốc.

Tại quán cà phê Goyose (đảo Jeju), khu vực tầng trên được thiết kế dành cho những khách hàng đặt bàn trước, yêu cầu không gian ở một mình. Quán cà phê cũng chuẩn bị những văn phòng phẩm nhỏ xinh để khách có thể tự viết một bức thư hay đôi dòng nhắn nhủ với bản thân.

Một quán cà phê khác tại Busan cũng tạo không gian cho khách hàng ngồi tĩnh lặng, nhìn màn hình chiếu video đốt lửa trại để tâm trí thoát khỏi những suy nghĩ ngổn ngang.

Trên đảo Ganghwa, ngoài khơi bờ biển phía tây của Hàn Quốc, quán cà phê tên Mung Hit cũng mang đến cho khách hàng những phút giây thư giãn tĩnh lặng tuyệt đối. Mung Hit gồm nhiều không gian. Bạn có thể ngồi trên một chiếc ghế đơn với tấm gương ở phía đối diện và tận hưởng những suy nghĩ của riêng mình. Ngoài ra còn có góc thiền định, khu vực đọc sách, ao nước và khu vườn. Quán không tiếp đón trẻ em và thú cưng.

Tôi mong muốn tạo dựng một nơi dành cho những ai đang kiệt sức vì cuộc sống thường nhật.

Ji Ok Jung - Chủ quán cà phê Mung Hit

Ji Ok Jung, quản lý của quán cà phê, cho biết tiệm mở cửa từ tháng 4/2019 với mong muốn đem đến không gian tự chữa lành. Trong đại dịch, quán hút khách ghé thăm.

Người Hàn Quốc gọi xu hướng ngồi im tĩnh lặng này là "hitting mung". Trong đó "mung" để chỉ trạng thái trống rỗng. Trong tiếng Hàn, "mung" có thể ghép với rừng cây vào cuối thu khi lá thay màu, ghép với lửa để chỉ những trải nghiệm ngắm nhìn lửa trại và ghép với nước để chỉ hoạt động thiền định ven sông hồ. Khái niệm này xuất hiện gần đây với ý nghĩa để tâm trí vào trạng thái nghỉ ngơi, trống rỗng. Khi đó, bạn sẽ tự lấp đầy tinh thần bằng những suy nghĩ tích cực, ý tưởng mới mẻ.

"Mô hình quán của tôi hướng đến khái niệm Hitting mung. Tôi mong muốn tạo dựng một nơi dành cho những ai đang kiệt sức vì cuộc sống thường nhật", Ji Ok Jung chia sẻ.

Ta Jung Kim (32 tuổi) đã vô tình tìm thấy quán cà phê này trên mạng và thử ghé thăm, tạm rời xa thành phố. Vị khách cho biết quán khá đông, nhưng vẫn đủ cho cô tìm được góc nhỏ để ở một mình và "dọn dẹp" tâm trí.

"Khi tôi ngồi im thư giãn, ngắm nhìn cảnh quan và uống cà phê, tôi cứ thế thả lỏng. Tôi để tâm trí và trái tim rộng mở. Những áp lực trong đầu cứ thế biến mất và tôi quay trở lại với cái nhìn tích cực hơn", vị khách này chia sẻ.

Hẹn hò bữa tối Valentine từ 500.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng

Bạn có thể lựa chọn một nhà hàng để ăn tối với các mức giá khác nhau.

Quán bar ở TP.HCM cho buổi hẹn lễ tình nhân

Sau bữa tối lãng mạn, các cặp đôi có thể dành thời gian yên tĩnh trò chuyện, nhâm nhi cocktail tại những quán bar riêng tư, ít xô bồ.

Các quán cà phê lãng mạn ở Hà Nội cho ngày Valentine

Dưới đây là một số địa điểm gợi ý để bạn cùng người thương đón một lễ tình nhân ấm áp tại Hà Nội.

3 buoc lam goi cuon cau vong hinh anh

3 bước làm gỏi cuốn cầu vồng

0

Vào ngày 15 âm lịch đầu tiên của năm mới, nhiều gia đình thường chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn dâng lên tổ tiên. Món gỏi cuốn thuần chay là gợi ý ẩm thực phù hợp để bạn chuẩn bị.

Phương Thanh

Theo The Washington Post

Bạn có thể quan tâm