Chủ một vườn giống cây ăn quả ở Đông Anh (Hà Nội) đang kiếm bộn tiền khi bán gốc nho ghép giống nho Ninh Thuận. Cụ thể, chỉ cần bỏ ra 120.000 đồng, ai cũng có thể sở hữu một cây nho ghép nho Ninh Thuận. Cho vào chậu, cây sẽ thành nho cảnh nhỏ xinh, bắt mắt.
Lúc mới mua về, mỗi cây nho được trồng trong bầu đất sẽ chỉ có khoảng 4 – 5 mầm mới nhú, đường kính khoảng 4 – 5 cm, cao khoảng 1 mét, nhưng người bán khẳng định chỉ sau 6 – 8 tháng, chủ nhân có thể nếm những quả ngọt đầu tiên từ bàn tay chăm sóc của mình bất chấp miền Bắc sắp trở lạnh.
“Đây không phải giống nho Ninh Thuận thuần mà chỉ là nho ghép giữa giống nho dai ngoài bắc và nho Ninh Thuận nên rất dễ chăm, cứ 10 ngày bón phân cho cây 1 lần và mỗi lần 1 thìa cà phê là được. Vì là nho ghép nên cây chịu được điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của miền Bắc”, người bán khẳng định với các khách hàng.
Dân thủ đô đang rầm rộ rủ nhau mua gốc nho Ninh Thuận về trồng với mong muốn sau 6 – 8 tháng có thể tự tay hái quả ngọt, sạch ngay tại nhà. Ảnh: Gia Bảo.
|
Ngoài ra, người bán lưu ý sau 10 ngày đầu tiên, khách hàng nên vặt hết mầm nhỏ của cây nho đi, chỉ để lại 1 – 2 mầm to nhất cho cây lên giàn. Sau 1 tháng kể từ ngày mua cây về, chủ nhân của nó mới bắt đầu bón phân cho cây. 8 tháng sau khi cây có giàn to mới bắt đầu tỉa bớt ngọn đi để nó ra trái.
Có hai loại giống là nho đỏ hoặc nho xanh. Theo người bán hàng giống nho đỏ sẽ dễ trồng và chăm sóc hơn nho xanh dù giá tương tự. Muốn trồng loại nho này, cần có tường rào hoặc ban công để cây có thể leo thành giàn khi trưởng thành.
Do loại cây này nhỏ, gọn, nhìn bắt mắt lại có thể cho quả ngọt, sạch nên rất nhiều chị em đã nhanh tay đặt mua. Ngay cả các chị em ở Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh… cũng “bon chen” đặt mua cho bằng được. Nhiều mối buôn ở các tỉnh đã tranh thủ “cơn sốt” này nhập hàng về bán kiếm lời. Về Thái Bình, mỗi gốc nho Ninh Thuận có giá khoảng 200.000 đồng chưa kể phí giao hàng.
Minh Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nhìn cây rất đẹp lại có thể ra quả ngọt nên tôi quyết định mua. Hơn nữa việc chăm sóc có vẻ khá dễ dàng, chí phí đầu tư thấp nên tôi không có lý do gì để bỏ qua nó cả”.
Sau 8 tháng, cây nho này sẽ cho quả ngọt và mọc thành giàn trông bắt mắt. Ảnh: Gia Bảo. |
Trong khi đó, chị Hương Chu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Người bán khẳng định trồng ở phố, lắm khói bụi thì sâu cũng không sống nổi, mà nếu có thì sâu thường rất to chứ không nhỏ, khó nhìn thấy và nhiều như các loại cây khác nên tôi quyết định xuống tiền”.
Số khác muốn được ăn nho do chính mình trồng hoặc muốn có vườn cây ăn trái vừa đẹp, vừa ngon vừa mát trên sân thượng nên mạnh tay mua 3 – 4 cây một lần.
Tuy nhiên, không ít chị em phát phiền vì giống cây này. Chị Hồng Điệp (Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở chị mới trồng mà lá nho đã có hiện tượng như cháy lá vậy, “sợ không qua khỏi một tuần”.
“Khi tôi hỏi, người bán hàng nói do cây bị thiếu nắng nên bị cớm đồng thời tư vấn tôi buộc cành cây ra ngoài lan can để thêm nắng”, chị Điệp cho biết.
Nhiều cây lá bị úa do thiếu nắng. Ảnh: Gia Bảo. |
Cũng có không ít người “tiền mất tật mang” khi phải mất công dọn gốc nho đã héo khô sau vài ngày mua về. Với những trường hợp này, người bán khẳng định “sẽ bù cây khác” để giữ chân khách.
Nhờ tạo ra được giống cây độc, lạ lại khéo chiều khách nên loại cây cảnh kiêm ăn quả này đang lên “cơn sốt”. Chủ vườn cho hay có những ngày họ bán được vài trăm gốc cây ở Hà Nội, chưa kể bán cho các mối buôn ở tỉnh. Trừ các loại chi phí, trung bình ông kiếm được 3 – 5 triệu đồng/ngày, có những ngày cao điểm thu nhập lên tới hơn 10 triệu đồng.
“Gần như không có lượng hàng tồn kho, làm tới đâu hết tới đó. Nhiều khi tôi còn không kịp trả đơn khách đặt”, chủ vườn chia sẻ.