Ngày 21/6, hơn 100 người tham gia chương trình ngắm nhật thực một phần tại Hoà Lạc (Hà Nội). Đây là hoạt động do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tổ chức. Tại Hà Nội, nhật thực bắt đầu từ 13h16 và đạt cực đại lúc 14h56 với độ che phủ lớn nhất là 71%. |
Nhiều người dùng kính chuyên dụng để giảm bức xạ khi theo dõi nhật thực. Đưa con tham dự chương trình nhưng chị Mỹ Linh cũng rất thích thú trước hiện tượng này. Năm 1994, Việt Nam có nhật thực toàn phần nhưng hồi đó chị chưa có thông tin, hiểu biết như bây giờ để cảm nhận được sự thú vị của nó. |
Nguyễn Danh Bách (học sinh lớp 3) dùng điện thoại để chụp mặt trời qua kính chuyên dụng. Bách cho biết trời nắng nóng nhưng cậu vẫn cố theo dõi lần đầu hiện tượng "mặt trời bị mặt trăng ăn mất". |
Hôm nay, nhiệt độ Hà Nội lên tới 38 độ C. Một số em nhỏ theo dõi từ trong nhà để hưởng gió mát của điều hoà. Chị Mai Thuỳ Dung, nghiên cứu viên của Trung tâm vũ trụ Việt Nam, cho biết mặt trăng che một phần mặt trời nhưng ánh sáng ở trái đất không bị giảm đi do chúng vẫn được khúc xạ trong khí quyển. Trời sẽ chỉ tối đi nếu xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần. Hiện tượng này sẽ xuất hiện tại Việt Nam năm 2070. |
Bên cạnh quan sát trực tiếp qua kính chuyên dụng, người tham gia còn có thể xem gián tiếp qua kính viễn vọng hay các thiết bị để khúc xạ ánh sáng. |
Do mặt trời liên tục di chuyển và kính viễn vọng có độ phóng đại lớn nên cứ vài phút, các nghiên cứu viên phải chỉnh kính để theo sát được diễn biến. |
3 chiếc kính viễn vọng thu ảnh mặt trời tạo nhiều hứng thú cho các em nhỏ. Các bé chăm chú theo dõi dõi hành trình mặt trăng che khuất dần mặt trời. |
Hiện tượng nhật thực một phần diễn ra cực đại tại Hà Nội lúc 14h56 với tỷ lệ che khuất 71%. Phải 11 năm nữa, hiện tượng nhật thực một phần với tỷ lệ che phủ lớn như thế này mới xuất hiện trở lại tại Việt Nam. |
Bên cạnh theo dõi hiện tượng nhật thực, các em nhỏ còn được tìm hiểu về mặt trăng, mặt trời, hiện tượng nhật thực và làm tên lửa nước. |
Hình ảnh lúc 15h55 tại khu vực sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hà. |