Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hạ Long đổ ra đường xem cảnh ngày biến thành đêm

Theo nhà nghiên cứu về thiên văn vũ trụ tại ĐH Quốc Gia Hà Nội, thông thường, hiện tượng này khi xảy ra sẽ kèm theo mưa giông, gió lốc.

Từ 9h5 đến 9h15, ngày 3/4, tại khu vực Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh) xảy ra hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, trời đột nhiên tối sầm như ban đêm. Trên các tuyến phố, phương tiện tham gia giao thông, nhà dân đã phải bật đèn, mọi người đổ xô ra khỏi nhà để chứng kiến hiện tượng lạ.


Chị Mai (Hồ Xuân Hương, Bãi Cháy) cho biết, chị đang làm việc tại khu vực cảng Cái Lân thì con gái gọi điện giọng đầy lo sợ thông báo cả lớp bé đang hoảng loạn. Chị Mai chạy vội ra hành lang nhìn ra phía cảng Cái Lân, thấy toàn bộ bầu trời tối đen.

Không riêng gì chị Mai, rất nhiều người dân tại khu vực Hạ Long trong buổi sáng nay cũng đều ngạc nhiên. Bác Nguyễn Văn Dân (Yết Kiêu, Hạ Long) cho biết, toàn bộ nhà dân đều phải bật điện sáng trưng. Các phương tiện giao thông lưu thông trên đường đều phải sử dụng đèn chiếu sáng. Anh Hoàng Lý, làm việc trên vịnh Hạ Long cho biết các tàu đang di chuyển đều phải dừng lại để bật đèn, thậm chí di chuyển vào phía trong vì sợ mưa giông.

Hiện tượng trời tối thường kèm theo giông lốc

Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), cho biết, một người bạn của anh từ Nam Định cũng gọi điện thông báo hiện tượng. Theo anh Sơn, đây là hiện tượng hiếm xảy ra, có khả năng do mật độ mây quá dày, hơi nước nhiều nên ánh sáng chiếu qua bị hạn chế.

10 phút ngày biến thành đêm ở Quảng Ninh

Sáng 3/4, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đã xảy ra ở Hòn Gai, Hạ Long, khi bầu trời đột nhiên tối sầm như ban đêm. Các phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn chiếu sáng.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Phường (nhà nghiên cứu về thiên văn vũ trụ, ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho hay, thường trời ban ngày tối như ban đêm chỉ xảy ra khi có hiện tượng nhật thực toàn phần. Nhưng năm nay Việt Nam không có khả năng quan sát được hiện tượng này nên yếu tố thiên văn bị gạt bỏ.


Qua mô tả của người dân, ông Phường cho rằng đây là hiện tượng liên quan tới khí tượng thủy văn. Cụ thể, do tại thời điểm đó, khu vực Hạ Long có tầng mây rộng, hạt nước to, mật độ mây lớn nên hấp thu ánh sáng lớn. Diện tích mây bao phủ lớn nên xảy ra hiện tối cục bộ. Khi nào đám mây tan ra thì ánh sáng sẽ quay trở lại, và không gây nguy hiểm gì cho người dân.

Vẫn theo ông Phường, đây không phải hiện tượng mê tín dị đoan, nhưng do ít xảy ra nên nhiều người dân ngỡ ngàng. Tuy nhiên, thông thường,  hiện tượng này khi xảy ra sẽ kèm theo mưa giông, gió lốc nên người dân phải quan sát chủ động phòng tránh.

Trước đó, năm 2006, Hạ Long đã xảy ra hiện tượng “ngày biến thành đêm” và kèm với đó là trận mưa đá rất lớn, khiến nhiều người dân di chuyển trên phà Bãi Cháy bị thương.

Theo các chuyên gia về thiên văn vũ trụ, năm 2014, Việt Nam không có nhiều hiện tượng thiên văn đặc biệt, ngoài hiện tượng nguyệt thực vào ngày 8/10, sao Mộc ở vị trí cực đối so với trái đất vào ngày 5/1, sao Hỏa tới gần trái đất vào 8/4, tương tự với sao Thổ vào 10/5 và một số hiện tượng mưa sao băng thường thấy.

Theo một cán bộ ở Đài dự báo khí tượng thủy văn đồng bằng Bắc Bộ, hiện tượng trời đột ngột tối sầm là do hệ thống mây tích (vùng mây dày) đủ sức che hết ánh sáng mặt trời gây nên. Đây là hiện tượng xảy ra trước và trong cơn giông, thường xảy ra vào mùa hè.

Qua quan sát trên ảnh vệ tinh thì không chỉ có Quảng Ninh mà còn có Hải Phòng và một phần Hải Dương chịu ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết này trong sáng 3/4.

 

 

Thanh Tuyền

Bạn có thể quan tâm