Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Hạ Đình về nhà đón Tết sau khủng hoảng Rạng Đông

4 tháng sau vụ cháy công ty Rạng Đông, người dân Hạ Đình đã ổn định sinh hoạt. Số ít bắt tay vào sửa sang nhà cửa, bắt đầu cuộc sống mới sau những ngày tháng sống với nỗi bất an.

Người Hạ Đình về nhà đón Tết sau 4 tháng cháy nhà máy Rạng Đông Cuộc sống của những người dân Hạ Đình trở lại bình thường sau 4 tháng xảy ra cháy ở nhà máy Rạng Đông. Suốt thời gian qua, nhiều hộ dân phải đi thuê trọ và sống trong nỗi bất an.

22 Tết, cửa hàng sửa xe máy của nhà ông Đoàn ở phố Hạ Đình vắng hoe khách. Một vài vị khách trong khu phố đi ngang qua chỉ rẽ vào nhờ ông vài việc lặt vặt như bơm lốp, rửa xe. Số tiền kiếm được trong một ngày thậm chí không đủ để ông trả tiền thuê thợ.

Khung cảnh này khác hẳn với đợt Tết năm ngoái, khi cửa hàng của ông tấp nập khách ra vào để gia cố phụ tùng xe trước khi đón năm mới. 3 người thợ mà ông thuê phải luôn tay luôn chân, không ngơi nghỉ phút nào. Còn vào những ngày thường, lượng khách vẫn đủ nhiều để duy trì công việc của 3 người thợ với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Nhưng sự tấp nập, bận rộn đó đã kết thúc kể từ sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông hồi tháng 8/2019. Toàn bộ tường nhà ông Đoàn ở 2 tầng trên cùng nứt toác, cháy sém. Tầng 1 của gia đình là cửa hàng sửa chữa xe máy cũng bị ảnh hưởng một phần. Những thiết bị như máy giặt, tủ lạnh, bàn ghế cháy đen thui, không sử dụng được nữa.

Sau ngày hôm đó, gia đình ông phải đi ở trọ, việc kinh doanh bị đình trệ. Cuộc sống của một người chủ xưởng sửa chữa xe máy trong phố Hạ Đình đảo lộn từ đây.

4 tháng đảo lộn

2 ngày sau đám cháy, trong khi người dân trong khu phố đang bàn tán về ô nhiễm thủy ngân, gia đình ông Đoàn thu xếp vali quần áo xuống Hà Đông thuê trọ. Nhà chỉ có 2 ông bà và 1 cô con gái đang học Đại học, ông quyết định chọn một ngôi nhà cho thuê với giá 4 triệu đồng/tháng.

Cửa hàng sửa xe của ông khi ấy đương nhiên phải đóng cửa. Nhưng ông vẫn phải chi trả 3 triệu đồng/tháng cho mỗi người thợ, số tiền mà ông gọi là trợ cấp thất nghiệp. Số tiền đó giữ chân họ ở lại với ông đến bây giờ, khi mọi thứ ổn định hơn.

Như vậy, chưa tính đến chi phí sinh hoạt, gia đình ông Đoàn vẫn mất khoảng 13 triệu đồng/tháng để chi trả cho các khoản cố định. Trong khi đó, việc kinh doanh của ông bị đình trệ, suốt 3 tháng cả nhà không có thêm một khoản thu nhập nào.

Hàng ngày, ông Đoàn vẫn phải đi từ Hà Đông lên Hạ Đình để quét dọn ngôi nhà cũ, sửa sang vài thứ điện nước ở tầng 1 và chờ đợi phản hồi từ phía nhà máy Rạng Đông. Khoản tiết kiệm của gia đình được mang ra sử dụng để chi trả cho những thứ thiết yếu, nhưng không đủ để sửa chữa nhà cửa. Trong khi đó, toàn bộ 2 tầng trên của ngôi nhà phải đập đi để xây mới toàn bộ.

“Rất mệt mỏi. Suốt 3 tháng liền, tôi phải chạy đi chạy lại để dọn dẹp tàn tích của đám cháy, rồi lo lắng không biết đến khi nào mọi thứ ổn định trở lại. Người tôi gầy rộc đi, không dám nhớ lại khoảng thời gian ấy nữa”, ông Đoàn giãi bày.

Cửa hàng sửa xe của ông được mở lại sau 1 tháng xảy ra biến cố, ông phải vật lộn để sửa đường dây điện và nước trong nhà, những mong có đủ nhu cầu thiết yếu để sử dụng. Nhưng cửa hàng không có khách. Khi ấy, khu phố vẫn chỉ có lác đác người. Cửa hàng của ông lại nằm ngay sát nhà máy, không ai dám đi qua đó dù đã có kết quả toàn bộ khu vực an toàn.

Thời điểm ấy, ông Đoàn và cả gia đình loay hoay trong một tương lai bất định khi mà nhà cửa bừa bộn, kinh doanh đình trệ, sức khỏe suy giảm. Tất cả mọi thứ thay đổi chỉ sau 1 đêm.

Cuộc sống tạm bợ

Tối 28/8 trở thành buổi tối khó quên nhất trong năm của Nguyễn Anh Tú (31 tuổi, người dân Hạ Đình) và có lẽ là của nhiều người dân sống trong phố Hạ Đình. Toàn khu phố đã có một đêm không ngủ, chỉ vài giờ sau khi chứng kiến cột khói bốc lên từ phía kho chứa đồ của nhà máy Rạng Đông rồi lan rộng thành biển lửa. Gia đình anh Tú cũng không ngoại lệ.

Ngôi nhà 3 tầng mới xây của gia đình anh bỗng chốc tan hoang. Lửa bén vào làm nứt hết tường cột, cháy toàn bộ đồ đạc ở tầng trên cùng. Ngôi nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Sống gần nhà máy từ nhỏ đến lớn, anh chưa từng tưởng tượng tai vạ sẽ ập đến gia đình mình theo cách như vậy.

Sau một đêm mất ngủ, anh cùng mẹ và em trai mình phải đi thuê trọ để có chỗ ở, ngôi nhà cũ không thể ở được nữa. Thời điểm ấy, anh thậm chí chưa có một khoản tiết kiệm nào để dành dụm cho những sự việc “từ trên trời rơi xuống” như vậy. Anh cũng không có một tia hy vọng nào về việc nhà máy sẽ đền bù thiệt hại cho gia đình.

4 tháng trời, anh cùng mẹ và em trai sống trong sự thấp thỏm ở phòng trọ gần nhà. Gia đình anh không muốn thuê ở xa vì vẫn còn phải trở về nhà cũ hàng ngày để dọn dẹp. Mẹ anh là bà An, người phụ nữ gánh vác gia đình trong suốt bao nhiêu năm nay, giờ cũng phải làm trụ cột để vực các con dậy trong lúc gia đình rơi vào bế tắc.

“Phải đi ở trọ đã là một chuyện. Thời điểm đó mình lo nhất là sức khỏe cả gia đình bị ảnh hưởng sau cháy khi gia đình mình ở sát nhà máy. Cuộc sống tạm bợ, tâm lý lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng. 4 tháng qua thực sự là khó khăn với gia đình mình”, anh Tú nói.

Cũng giống như ông Đoàn, gia đình anh cũng mất thêm một khoản tiền chi trả cho việc thuê trọ, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó là những khoản phát sinh phí khám bệnh, xét nghiệm, ăn ở sinh hoạt bị đảo lộn toàn bộ. Việc kinh doanh vật liệu xây dựng tại nhà của gia đình anh cũng bị đình trệ.

Vụ cháy nhà máy không chỉ để lại nỗi lo về sức khỏe cho những người dân Hạ Đình, mà còn làm tổn hại trực tiếp đến cơ sở vật chất của những hộ dân sống sát nhà máy như gia đình ông Đoàn, anh Tú.

Cuộc sống mới

2 tháng sau vụ cháy, nỗi lo của gia đình ông Đoàn tạm gác lại khi phía công ty bồi thường cho gia đình ông một khoản tiền đủ để sửa sang ngôi nhà. Số tiền được ông dùng để gia cố lại nơi ở và xưởng sửa chữa xe máy. Người đàn ông 53 tuổi tiếp tục công việc cũ với lượng khách thưa thớt hơn và 3 người thợ dựa vào ông để kiếm sống.

Nhưng ông bảo đó không phải là nỗi lo duy nhất. Sống bên cạnh “quả bom nổ chậm”, ông cũng thấp thỏm không biết tai vạ còn có thể ập đến vào lúc nào. Cuộc sống mới của gia đình ông sau vụ cháy bỗng trở nên bất an hơn.

“Nhưng không thể chuyển đi được, đây là đất của mình, nhà của mình ở bao nhiêu năm nay”, ông Đoàn nói.

Trong khi đó, đúng 23 Tết, anh Tú cùng mẹ và em trai của mình cũng được chuyển về ngôi nhà cũ sau 4 tháng phải ở trọ. Ngày chuyển về, anh đứng trân trân nhìn ngôi nhà của mình và tự nhủ những đen đủi của năm cũ đã qua đi. May mắn là cả nhà còn được trở về cùng nhau, sum vầy trong ngôi nhà mình đã gắn bó ngay trước thềm Tết Nguyên đán.

“Năm cũ đã qua đi với nhiều vận hạn không may rớt xuống. Mình hy vọng năm mới đối với gia đình mình và toàn thể khu phố sẽ may mắn hơn, an toàn hơn”, anh Tú nói.

Những ngày cuối năm, xưởng sản xuất của của nhà máy Rạng Đông cũng vừa được xây mới trở lại. Bên cạnh mong ước của anh Tú, sự an toàn của những người dân Hạ Đình vẫn còn là dấu hỏi khi những kiến nghị về việc di dời nhà máy ra khỏi nội đô không biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Cháy nhà máy Rạng Đông, nước sông Đà nhiễm dầu lọt top sự kiện TNMT

Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn vụ cháy nhà máy Rạng Đông, nước sông Đà nhiễm dầu, ô nhiễm không khí nằm trong 10 sự kiện đáng chú ý của ngành môi trường năm 2019.

Ky nhieu hop dong, tong hon 286 trieu USD tai trien lam quoc phong hinh anh

Ký nhiều hợp đồng, tổng hơn 286 triệu USD tại triển lãm quốc phòng

0

Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD. Các đơn vị ký kết 17 thoả thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm