Passion Julinsey hòa mình vào đám đông xem đoàn múa lân biểu diễn mừng Tết Nguyên đán trong tiếng trống rộn ràng, đi qua khu Chinatown ở Washington, D.C, chiều 22/1, dù mẹ cô đã cảnh báo nên ở nhà thì hơn.
Sợ hãi bao trùm
Vụ xả súng hàng loạt khiến 10 người thiệt mạng trong lễ hội Tết Nguyên đán ở Monterey Park, bang California, một khu ngoại ô có đa số người Mỹ gốc Á tại hạt Los Angeles, đang phủ đám mây đen lên những ngày được cho là dịp cuối tuần tràn ngập không khí lễ hội bậc nhất trong năm.
Bất chấp nỗi lo sợ của mẹ sau vụ tấn công, cô Julinsey, một người Mỹ gốc Thái Lan 49 tuổi, đã tới lễ hội. Cô cho rằng việc tổ chức một ngày lễ quan trọng của châu Á là hành động thể hiện sự đoàn kết.
“Tôi phải cẩn trọng”, Julinsey nói với Washington Post. “Tôi tới lễ hội, đứng cách xa sân khấu. Nhưng bạn không thể ngừng sống. Lễ hội đang diễn ra. Bạn không thể sống trong sợ hãi”.
Múa lân mừng năm mới tại đường số 7 ở Chinatown tại D.C. hôm 22/1. Ảnh: Washington Post. |
Người Mỹ gốc Á trên khắp đất nước cờ hoa thức giấc vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán với tin tức kinh hoàng từ California. Vụ xả súng chấn động làm sống lại nỗi sợ hãi về tội ác thù hận và đặt ra câu hỏi liệu có nên mạo hiểm xuất hiện ở những sự kiện đông người hay không.
Thảm kịch ở Monterey Park đã gây tác động tới các lễ hội trên khắp đất nước, một số sự kiện ở Nam California bị hủy bỏ và cảnh sát tăng cường tuần tra cùng các biện pháp an ninh khác ở D.C., thành phố New York, Houston, San Francisco và các thành phố khác có nhiều người Mỹ gốc Á.
Cho tới nay, giới chức trách chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào cho thấy vụ nổ súng ở Monterey Park đêm 21/1 - khiến 10 người bị thương, bên cạnh 10 nạn nhân thiệt mạng - là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào người châu Á hoặc có bất kỳ mối liên hệ nào với Tết Nguyên đán.
Cảnh sát cho biết nghi phạm là một người đàn ông gốc Á và vụ nổ súng xảy ra tại câu lạc bộ khiêu vũ sau khi sự kiện giao thừa nhân dịp Tết Nguyên đán ở Monterey Park sắp kết thúc. Cảnh sát vẫn chưa tiết lộ động cơ của vụ xả súng. 10 nạn nhân thiệt mạng, chưa được xác định danh tính, “có lẽ” đều là người gốc Á, các quan chức cảnh sát công bố hôm 22/1.
Manjusha Kulkarni, người đồng sáng lập nhóm vận động Stop AAPI Hate và Giám đốc điều hành của AAPI Equity Alliance ở Los Angeles, nói: “Mặc dù vụ xả súng có thể không xuất phát từ động cơ thù hận, những gì có thể nhận thấy là các thành viên trong cộng đồng của chúng tôi đã bị nhắm tới.
Họ rất lo lắng về việc có nên tiếp tục tham dự lễ hội. Thay vì một ngày tràn ngập những niềm vui, hào hứng và mới mẻ thì không khí bao trùm là nỗi sợ hãi, lo lắng và sang chấn nặng nề”.
Khi Kulkarni tham gia một cuộc kêu gọi của những người ủng hộ người Mỹ gốc Á khác và các quan chức chính quyền hôm 22/1, một người nói rằng họ sẽ không tổ chức các sự kiện năm mới trong khi một người khác cảm thấy thoải mái khi được ra ngoài với cộng đồng sau thảm kịch.
Cảm giác an toàn trở nên mong manh
Các nhà hoạt động cho hay những cảm xúc mâu thuẫn về việc tham dự các sự kiện Tết Nguyên đán không chỉ vì những gì đã xảy ra ở Monterey Park, mà đó là hệ quả của một quá trình kéo dài nhiều năm liên quan tới số phận của của gốc Á ở Mỹ.
Lều bán hàng được dựng lên cho lễ hội Tết Nguyên đán ở Monterey Park, California. Ảnh: Washington Post. |
Các lãnh đạo cộng đồng cho biết họ đã phải đối mặt với làn sóng thù ghét người châu Á kể từ khi đại dịch bắt đầu. Việc 6 phụ nữ gốc Á bị sát hại trong vụ xả súng ở spa tại khu vực Atlanta năm 2021 từng gây chấn động cộng đồng. Đầu tháng này, một sinh viên Đại học Indiana đã bị đâm dao trên xe buýt ở Mỹ và kẻ tấn công đã nói với cảnh sát rằng cô ta làm vậy vì nạn nhân là “người Trung Quốc”.
Các nhà vận động bảo vệ gốc Á ở Mỹ nói rằng tất cả tích tụ lại, khiến cảm giác an toàn trở nên mong manh với cộng đồng này.
Tại khu vực Los Angeles, một số người đã phản ứng với vụ xả súng chết chóc bằng cách hủy bỏ các sự kiện ngày 22/1, bao gồm một lễ kỷ niệm dự kiến diễn ra tại Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương của Đại học Nam California ở Pasadena.
Bảo tàng cho biết lễ hội đã bị hủy bỏ vì “vụ xả súng hàng loạt chết người ở Monterey Park gần đó”. Tuyên bố từ bảo tàng cũng khẳng định thêm rằng quyết định được đưa ra vì “sự tôn trọng đối với các nạn nhân và sự thận trọng cao độ”.
Trên Instagram, một tài khoản của Citadel Outlets, trung tâm mua sắm gần Monterey Park, đã đột ngột chuyển đổi các video ăn mừng sang hủy bỏ lễ đón Tết Nguyên đán của trung tâm mua sắm sau thảm kịch đêm 21/1. Trung tâm mua sắm này viện dẫn “sự thận trọng và quan tâm tối đa đến sự an toàn và hạnh phúc của khách hàng”. Các quan chức của trung tâm mua sắm cũng tăng cường an ninh cho những khách hàng ghé qua hôm 22/1.
Các sự kiện khác nhằm đón chào Tết Nguyên đán tại Mỹ - kéo dài trong hơn một tuần và được hơn một tỷ người trên toàn thế giới thuộc nhiều nền văn hóa tổ chức - vẫn tiếp diễn hôm 22/1.
Tuy nhiên, cú sốc từ vụ xả súng dường như bao trùm lên nhiều cuộc tụ họp. Sau khi tham dự một sự kiện Tết Nguyên đán ở Queens, Hạ nghị sĩ Grace Meng (đảng Dân chủ, bang New York), đã tweet: “Tất cả đều thất vọng và đau buồn về vụ xả súng ở Monterey Park”.
Amanda Nguyen, Giám đốc điều hành của tổ chức Rise, chuyên vận động bảo vệ người Mỹ gốc Á, chia sẻ rằng cô được nuôi dưỡng với truyền thống rằng bất cứ điều gì xảy ra vào Tết Nguyên đán sẽ tạo tiền lệ cho thời gian còn lại của năm. Và điều đó đang đè nặng lên Nguyen khi cô đang đứng giữa một bên là tang thương và bên kia là lễ hội lớn bậc nhất trong năm.
“Vừa chịu sự thôi thúc phải giải tỏa những cảm xúc, nhưng tôi cũng muốn đảm bảo rằng mình sẽ không phải khóc trong thời gian còn lại của năm”, Nguyen nói. Vì vậy, cô đã xoa dịu nỗi thương tiếc của mình bằng chuyến viếng thăm một ngôi chùa Phật giáo và tới Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA trong khi tới thăm những người thân yêu ở Houston.
Trên khắp nước Mỹ, cơ quan thực thi pháp luật cũng tăng cường sự hiện diện tại các lễ hội Tết Nguyên đán khi các nhà lãnh đạo chính quyền cố gắng đảm bảo với người dân rằng không có mối đe dọa nào.
Tại Virginia, Cảnh sát trưởng quận Fairfax Kevin Davis đã cùng các sĩ quan đồng nghiệp tham gia lễ hội tại Trung tâm Eden, nơi có nhiều nhà hàng và cửa hàng gốc Việt.
Phát ngôn viên cảnh sát quận Fairfax, trung úy Jason Chandler, khẳng định: “Chúng tôi có mặt đông đảo tại sự kiện hôm nay để cho cộng đồng biết rằng chúng tôi ủng hộ họ và chúng tôi đang ăn mừng Tết Nguyên đán cùng với họ”.
Mọi người ăn mừng Tết Nguyên đán tại Chinatown ở New York hôm 22/1. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, đối với Hua Zou, việc có nên cùng vợ và con gái tới sự kiện mừng năm mới tại D.C. hay không vẫn là một quyết định khiến người đàn ông 34 tuổi này phải suy đi tính lại, nhất là khi anh được biết một số người khác đã quyết định ở nhà.
“Tôi thực sự cảm thấy lo lắng cho bản thân và cộng đồng”, Zou nói. “Nếu vụ xả súng có thể xảy ra ở đó, thì cũng có thể xảy ra ở đây”.
Tuy nhiên, sau cùng, Zou cùng gia đình cũng quyết định hòa mình vào đám đông xem múa lân trong bữa tiệc năm mới.
Cùng chung ý nghĩ, Tim Yan cũng lái xe hơn một giờ từ Virginia tới livestream sự kiện.
“Ngày đầu tiên của năm mới, thăm bạn bè để cùng nhau ăn mừng, đó là truyền thống của chúng tôi” Yan, 34 tuổi, nói và cho biết thêm rằng anh cảm thấy “hơi” sợ hãi trước làn sóng căm ghét người châu Á mà anh nhận thấy trong những tháng gần đây.
“Đôi khi, tôi đi bộ trên đường và nghe thấy mọi người hét vào mặt rằng hãy quay về nước đi”, Yan nói. “Điều đó làm tôi khó chịu”.
Nhưng vào ngày đầu năm này, Yan muốn vui vẻ ăn mừng.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.