Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người giúp việc chưa thông hợp đồng lao động

“Mua bảo hiểm y tế thì được, chứ bảo hiểm xã hội tụi tui không màng. Nếu gia chủ sống tình cảm, đàng hoàng thì có mười cái hợp đồng lao động cũng chẳng ý nghĩa gì”.

Hầu hết người giúp việc khi được chúng tôi hỏi về nghị định 27 sắp được áp dụng vào ngày 25/5 đều trả lời như vậy.

Quan trọng là tình cảm

Một tuần được nghỉ ít nhất trọn 1 ngày

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

- Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương.

- Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ lễ, tết.

- Khi nghỉ hằng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.

- Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày ký hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo với UBND cấp xã nơi người lao động làm việc về việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình. Trường hợp thuê người giúp việc từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

- Người giúp việc đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của sáu tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

(Trích nghị định 27, có hiệu lực từ ngày 25/5/2014).

Ngày chủ nhật của bà N.T.L. (52 tuổi) - giúp việc cho nhà chị T. ở Phú Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) - thường bắt đầu từ 6h đến tận 11-12h đêm. Hết đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, tưới cây rồi giữ trẻ,... Đến khi cả nhà lên giường đi ngủ, bà vẫn còn lụi cụi dọn dẹp, lau chùi sạch bong mọi thứ. Vậy mà bà chia sẻ: “Tui giúp việc ở đây được năm năm rồi. Biết là chủ nhật sẽ mệt lắm vì phải quần quật nấu ăn, dọn dẹp nhưng tui vui vì chỉ có hôm nay cả nhà mới được quây quần đông đủ. Còn hằng ngày chỉ mình tui lủi thủi ra vô, buồn lắm. Hôm rồi chị hàng xóm đem qua cho tui tờ báo, bảo sắp tới tui sẽ được nghỉ ngày chủ nhật, tui thấy mắc cười vì người ta có bận bịu mới kêu người giúp việc, đi làm cả tuần mệt khờ, chủ nhật lại ôm con, quét dọn thì mình coi sao được. Tui thấy cái này không hợp lý lắm”.

Cũng theo bà L., hơn ba năm qua bà đã được chủ nhà mua bảo hiểm y tế và đưa đi khám sức khỏe định kỳ cùng với gia đình chủ. Tiền lương bà nhận hằng tháng là 3,5 triệu đồng, hằng tháng bà đều được chủ nhà mua biếu quần áo, dép giày. Khi quê bà có giỗ chạp thì chủ nhà thu xếp để bà về quê, nhưng nếu không được thì bà vẫn vui vẻ ở lại. “Hồi đó tới giờ chủ nhà chẳng ký hợp đồng gì với tui hết, nhưng tui sẵn sàng làm đến khi họ không cần nữa mà thôi. Cái nghề này không phải trả nhiều tiền là tụi tui làm tốt, quan trọng nhất vẫn là tình cảm giữa gia chủ và người giúp việc. Đó là sợi dây kết nối bền chặt nhất của chúng tôi”, bà L. nhấn mạnh.

Chuyện ký hợp đồng cho người giúp việc của gia đình chị T.M. (phường 11, quận Tân Bình) mấy hôm nay cười ra nước mắt với H., năm nay 19 tuổi và đã có hai năm ở cùng gia đình chị. Tuần trước, chị cho H. xem những quy định của nghị định 27 và nói sắp tới sẽ làm hợp đồng cho H.. Chị M. kể: “Con bé nhất định không chịu, cứ khóc bù lu bù loa lên rồi bảo: con sẽ ở cho cô đến khi nào con đi lấy chồng. Giờ cô ký hợp đồng lỡ vài tháng nữa anh ấy bắt cưới thì con chẳng biết làm sao. Tôi phải dỗ mãi cô bé mới nín. Mấy hôm nay lâu lâu cứ thút thít bảo tôi đừng bắt nó ký hợp đồng nữa, nó sẽ làm hai năm nữa cho tôi”. Trò chuyện với H., cô bé cứ nhất định bảo rằng sẽ không ký hợp đồng, bảo hiểm y tế thì cô M. đã mua từ khi mới bước vào nhà làm. “Em không biết bảo hiểm xã hội là cái gì. Chủ rất tốt với em, cô tâm lý và thương em như con nên em không bỏ đi đâu cả. Em không đòi hỏi gì thêm nữa”, H. nói.

Một người giúp việc nhận lương tháng 4,5 triệu đồng cho biết chị rất hài lòng với công việc hiện tại, dù không có “tờ hợp đồng lận lưng nào”.
Một người giúp việc nhận lương tháng 4,5 triệu đồng cho biết chị rất hài lòng với công việc hiện tại, dù không có “tờ hợp đồng lận lưng nào”.

Không nên cứng nhắc

Ông T.A.Q. (phường Đa Kao, quận 1) kể rằng hôm rồi đi làm về thấy bà giúp việc nằm xụi lơ, không cơm nước gì cả. Hơn 60 tuổi, bà Lê Thị N. đã ở cùng gia đình ông hơn 15 năm qua. Hỏi ra mới biết bà xem tivi nghe nói về Nghị định 27, bà buồn lắm vì bà không biết chữ làm sao mà ký hợp đồng, bà làm ở đây lâu rồi có cần hợp đồng nào đâu mà cả nhà coi bà như người nhà. “Chúng tôi rất hoan nghênh việc Nhà nước mình công nhận giúp việc là một nghề, và việc làm theo Luật lao động là điều rất đúng. Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng của nghề, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà chúng ta nên áp dụng điều đó như thế nào cho thích hợp. Không nên quá cứng nhắc”, ông Q. chia sẻ.

Cô Lý Thùy Dương, nhân viên ngân hàng BIDV cho rằng, nên đơn giản hóa mọi việc ở ngành nghề này, nhiều người giúp việc cũng không thích rườm rà thủ tục này kia. Chúng ta luôn mong muốn sự tốt đẹp nhất trong mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc, nhưng không vì thế mà chúng ta áp những quy định cứng vào mọi trường hợp.

Giúp việc nhận lương gần 1.700 USD

Với nhu cầu tăng cao chưa từng thấy, mức lương dành cho người giúp việc tại thành phố Thượng Hải đã tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, Nghị định 27 là một bước tiến trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động giúp việc gia đình, nhưng tính khả thi rất thấp trừ khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan có hướng dẫn thi hành cụ thể. Quy định này xuất phát từ thực tế các thỏa thuận về lao động giữa chủ nhà và người giúp việc nhà hầu hết là thỏa thuận miệng, do đó xảy ra các trường hợp xung khắc không giải quyết được do chưa có quy định cụ thể, trong thực tế có rất nhiều người giúp việc không cần mảnh giấy thỏa thuận cũng làm và làm tốt.

“Do đó, quy định về việc các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng lao động, đặc biệt là việc liệt kê rõ chế độ đối với người lao động rất khó thực hiện, và khả năng các gia chủ (tức người sử dụng lao động) không tuân thủ là rất cao. Vì lẽ đó, để quy định được thực thi hiệu quả, rất cần hướng dẫn cụ thể từ các đơn vị liên quan như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bảo hiểm xã hội... như nghị định 27 đề cập. Tôi nghĩ việc thực thi nghị định 27 nên tổ chức thí điểm trước tại Hà Nội và TP.HCM”, luật sư Lộc đề nghị.

 

http://tuoitre.vn/ban-doc/605740/nguoi-giup-viec-chua-thong-hop-dong-lao-dong.html

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm