Các đại lý mang thai hộ ở Trung Quốc và Mỹ đang cung cấp dịch vụ đẻ mướn cho người Trung Quốc giàu có, muốn sinh thêm con trong bối cảnh nước này áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt, khiến họ không thể tự mình mang thai con thứ hai, hoặc muốn con mình sinh ra đã là công dân Mỹ. Khi đủ 21 tuổi, con họ có thể xin cấp thẻ xanh (thẻ cư trú hợp pháp ở Mỹ) cho bố mẹ người Trung Quốc của mình.
Các đại lý mang thai hộ ở cả Mỹ và Trung Quốc cho biết, nhu cầu đang tăng mạnh những năm gần đây, báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin. Những phòng khám sản và đại lý mang thai hộ của Mỹ đã lập một số trang web bằng tiếng Trung Quốc, thuê nhân viên nói tiếng Trung để tìm kiếm và phục vụ khách hàng.
Anh Tony Jiang đang chơi cùng 3 con trong ngôi nhà ở Thượng Hải. |
Đại lý dịch vụ mang thai hộ Circle (trụ sở ở thành phố Boston, Mỹ) 5 năm qua tiếp nhận gần chục trường hợp người Trung Quốc thuê mang thai hộ, Giám đốc đại lý John Weltman cho biết. “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu 4 tháng nữa bạn gọi điện lại mà số người dùng dịch vụ này chưa tăng gấp đôi”, ông Weltman nói. Đại lý Circle tiếp nhận khoảng 140 trường hợp mang thai hộ mỗi năm, 65% trong đó là dành cho khách hàng ngoài nước Mỹ. Họ đang mở văn phòng ở bang California (Mỹ) để phục vụ khách hàng từ châu Á tốt hơn, vì các chuyến bay ở đây thuận lợi hơn.
Ông Weltman nói Circle hy vọng sẽ tuyển được đại diện ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) trong năm tới. Ông Weltman cho rằng, các khách hàng triển vọng người Trung Quốc luôn thích con họ được mang quốc tịch Mỹ, hoặc được hưởng nền giáo dục tốt hàng đầu thế giới. Mang thai hộ không được pháp luật Trung Quốc thừa nhận, nên nhiều khách hàng giữ bí mật chuyện thuê người khác đẻ, thậm chí họ còn giả vờ mang thai để che giấu sự thật.
Theo Hiến pháp sửa đổi lần thứ 14 của Mỹ, bất kỳ ai sinh ra ở Mỹ đều được công nhận là công dân nước này. Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc sang Mỹ sinh con để con họ được mang quốc tịch Mỹ. Tổng số khách du lịch Trung Quốc sang Mỹ tăng gần gấp đôi những năm gần đây, từ 1 triệu năm 2010 lên 1,8 triệu năm ngoái, theo số liệu của cơ quan xuất nhập cảnh Mỹ.
Kế sách lánh nạn
Một số người Trung Quốc giàu có nói họ muốn có chỗ ở nước ngoài, vì sợ rằng họ sẽ trở thành đích ngắm của chính phủ, cộng đồng nếu xảy ra bất ổn xã hội. Nhiều người còn cho rằng, tài sản của họ sẽ được bảo vệ tốt hơn ở những nước có nền pháp trị mạnh hơn.
Ít nhất một đại lý ở Trung Quốc cung cấp dịch vụ mang thai hộ với chi phí để được cấp visa EB-5 ở Mỹ thấp hơn mức tối thiểu 500.000 USD phải bỏ ra để đầu tư vào một doanh nghiệp tạo ra việc làm. Chi phí trọn gói mà các đại lý mang thai hộ ở Trung Quốc thu là 120.000 - 200.000 USD. “Nếu thêm tiền vé máy bay và các chi phí khác, với tổng số 300.000 USD, bạn sẽ có 2 đứa con và cả gia đình có thể di cư sang Mỹ”, một đại lý ở Thượng Hải nói với khách hàng.
Những cặp vợ chồng thuê người đẻ thường trả 22.000 - 30.000 USD cho người mang thai hộ, 17.000- 20.000 USD cho đại lý môi giới và 13.000 USD chi phí pháp lý. Nếu cần hiến tặng trứng thì chi phí phát sinh là 15.000 USD, chi phí chăm sóc trước sinh và chi phí sinh đẻ khoảng 9.000 - 16.000 USD. Đẻ thuê ở Mỹ đắt đến mức mà hàng trăm cặp vợ chồng nước này phải đi tìm người đẻ thuê ở Ấn Độ.
Một trong những lý do dẫn đến việc thuê đẻ là tỷ lệ vô sinh cao. Hơn 40 triệu người Trung Quốc đang bị vô sinh, theo số liệu của cơ quan dân số nước này. Vợ chồng doanh nhân người Thượng Hải Tony Jiang và Cherry nằm trong số đó. Họ chọn cách thuê đẻ sau khi không thể thụ thai và phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm không cho kết quả. Anh Jiang từng cân nhắc chọn Thái Lan, Ấn Độ hoặc Ukraine, nhưng cuối cùng lại chọn Mỹ để thuê đẻ, một phần vì hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Tháng 12/2010, vợ chồng Jiang chào đón một bé gái ra đời ở California, sau đó họ lại thuê đẻ và được thêm một cặp sinh đôi. Sau khi được nhiều bạn bè nhờ vả, Jiang tự lập đại lý tư vấn DiYi Consulting, đến nay đã thực hiện thành công 75 ca thuê đẻ cho các cặp vợ chồng Trung Quốc.
Ngoài lý do vô sinh, chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt ở Trung Quốc khiến nhiều quan chức chính phủ và người làm trong công ty nhà nước tìm đến dịch vụ này để tránh bị kỷ luật vì sinh hơn 1 con.
Theo lý thuyết, những cặp vợ chồng sinh con thứ hai ở nước ngoài vẫn bị coi là vi phạm, nhưng trên thực tế, họ thường không bị phạt, ông Zhong Tao, luật sư công tác tại Thượng Hải, cho biết sau khi tư vấn cho nhiều trường hợp tương tự.